"Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính"

Đó là phát biểu nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới tại Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí không chỉ tuyên truyền, giáo dục, mà còn tích cực đấu tranh, góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tinh thần "xây và chống", "lấy xây để chống", "lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực",… đã được hiện thực hóa rõ nét thời gian qua. Bằng các biện pháp và hành động quyết liệt, Trung ương Đảng đang cho thấy: tham nhũng đã và sẽ không còn đất sống.

Tính riêng sáu tháng đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua 6 dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 nghị định, 15 quyết định; các bộ, ngành ban hành 216 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến việc đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý sử dụng đất, tài sản công, tài chính công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,... theo đề xuất của Ban Chỉ đạo.

Xét ở trách nhiệm tập thể, trong nhiệm kỳ 2016-2020, theo thống kê, có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật, tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ trước. Tính trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức. Riêng năm 2021, thời gian cả nước đang phải đối phó dịch Covid-19, Đảng đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng.

Cũng với tinh thần để "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", nâng cao trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng như người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nhắc nhở, đến thời điểm này, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh. Với những kết quả, dấu ấn tốt đã đạt được trong chặng đường 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, một lần nữa, thể hiện quyết tâm cao của Trung ương Đảng trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn mới, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng.

Nhiệm vụ trước mắt của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong giai đoạn tới là: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty AIC. Khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Nhìn vào những công việc trước mắt cũng như theo định hướng lâu dài được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, càng thấy rõ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành phong trào ngày càng lớn mạnh, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm và càng không có ngoại lệ, dù là khu vực công hay tư.

Vấn đề tiếp theo mà chúng ta cần bàn tới, như ý kiến của nhiều đảng viên lão thành, các đại biểu Quốc hội đã đề cập, là "tính răn đe" của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước đang ngày một nghiêm minh; trong bối cảnh đó, làm sao để gây dựng, đẩy mạnh trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Muốn thế, cần tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, trước hết là sự gương mẫu, giữ gìn, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.