"Không có gì là không thể"

Đây là triết lý kinh doanh mà Richard Branson - người sáng lập Tập đoàn Virgin-luôn theo đuổi, trên hành trình trở thành một trong số những doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất thế giới bên cạnh những Bill Gate, Steve Jobs và Warren Buffet… Nhưng để đạt được sự thành công đó, ít ai biết rằng ông đã trải qua cuộc đời đầy sóng gió và không ít lần khởi nghiệp thất bại.

"Không có gì là không thể"

Không có đường tắt dẫn tới thành công

Richard Branson sinh ra trong một gia đình trung lưu tại Anh với cha là luật sư và mẹ làm trong ngành hàng không. Nhưng khi còn nhỏ, Richard lại mắc chứng khó đọc, vì vậy ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc hay viết. Hiển nhiên, kết quả học tập của ông thường rất kém. Ngay cả các giáo viên cũng nghĩ ông là một tên ngốc. "Tôi từng được xem là học sinh kém nhất ở trường. Lúc ấy, tôi không bao giờ có suy nghĩ sau này mình sẽ thành công", Richard hồi tưởng.

Năm 13 tuổi, ông đã chuyển sang trường nội trú Stowe ở Buckinghamshire. Ở đây, Richard đã gây ấn tượng với thầy hiệu trưởng khi viết một lá thư chỉ rõ những vấn đề bất cập trong điều hành của nhà trường và đưa ra giải pháp căn bản. Nhưng sau đó, Richard đã bỏ dở con đường học hành để bắt đầu khởi nghiệp khi mới 16 tuổi.

Ông chọn một tầng hầm cũ nát ở Thủ đô London làm văn phòng, và cho ra đời tạp chí mang tên The Student. Tạp chí nhanh chóng được nhiều người biết đến với số lượng phát hành 50.000 bản in khi mời được nhiều nhân vật nổi tiếng đồng ý phỏng vấn như các huyền thoại âm nhạc John Lennon, Mick Jagger hay triết gia Jean-Paul Sartre. Mặc dù vậy, doanh thu lại không đạt được như kỳ vọng. Để cải thiện vấn đề này, Richard đăng bán những đĩa nhạc trên tạp chí, từ đó thu được lợi nhuận ngoài mong đợi. Điều này đã giúp ông thành lập được một cửa hàng băng đĩa có tên là Virgin Records.

Trong thời gian bán đĩa nhạc, Richard nhận ra một lỗ hổng trong ngành công nghiệp âm nhạc, nên đã lợi dụng để kiếm lời bằng việc khai báo hàng xuất khẩu nhưng thực tế lại chở ngược từ cảng về bán trong nước. Mánh khóe kinh doanh này nhanh chóng bị hải quan Anh phát hiện và ông bị bắt giữ. Khi đó, Richard có hai sự lựa chọn: Nộp phạt 60.000 bảng Anh (tương đương 1,1 triệu USD bây giờ) hoặc chịu án tù. Để cứu con trai, bố mẹ của ông đã phải cầm cố căn nhà đang ở để lấy tiền nộp phạt.

Từ đó, Richard nhận thức sâu sắc rằng không có con đường tắt nào có thể dẫn đến thành công. Ông tâm sự: "Sau lần đó, tôi đã thề sẽ không bao giờ làm điều gì khiến bản thân, gia đình phải xấu hổ và ngồi tù thêm lần nào nữa".

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề rủi ro tài chính, Richard tập trung phát triển chuỗi cửa hàng bán đĩa Virgin Records. Ngoài ra, ông còn mở rộng sang hoạt động trực tiếp thu âm, phát hành băng đĩa cho nhiều nhóm nhạc đình đám. Từ lợi nhuận của Virgin Records, ông xây dựng một hệ thống khoảng 50 công ty vừa và nhỏ, với mức doanh thu hằng năm đạt 17 triệu USD.

Ý tưởng từ sự… khó chịu

Trở nên giàu có, nhưng Richard không dừng lại để hưởng thụ. Ông tiếp tục thách thức chính mình ở lĩnh vực hàng không. Đây được coi là thử thách quan trọng nhất cuộc đời ông và đưa tên tuổi Richard vào danh sách những tỷ phú tự thân giỏi nhất thế giới.

Năm 2015, trong một lần đến Việt Nam diễn thuyết, ông mở đầu bằng việc chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp đầy khó khăn của bản thân với ngành hàng không. Mọi sự nảy sinh bắt đầu từ một tình huống: "Tôi đã rất bực mình vì không có cách nào đến một hòn đảo nhỏ mà tôi rất thích, nên mới quyết tâm tự mở một hãng hàng không để thực hiện việc này".

Ý tưởng "giúp mình loại bỏ sự khó chịu" được ông hiện thực hóa vào năm 1984, khi thành lập Hãng hàng không Virgin Atlantic với những kế hoạch truyền thông táo bạo. Tự thân thực hiện một loạt thử thách mạo hiểm, ông dấn mình vào những chuyến phiêu lưu bằng khinh khí cầu và lập nhiều kỷ lục thế giới khi bay qua đại dương và vòng quanh Trái đất. Có lần khinh khí cầu của ông bị rơi xuống giữa sa mạc Sahara và bị lực lượng phiến quân Algeria bắt giữ. Lần khác, ông suýt bị lực lượng không quân một nước bắn hạ vì bay lạc sang không phận nước này. Những câu chuyện mạo hiểm ly kỳ của ông xuất hiện dày đặc trên các trang nhất báo chí, nhờ đó, thương hiệu Virgin được biết đến rộng rãi khắp thế giới.

"Không có gì là không thể" ảnh 1

Mở tour thăm thú vũ trụ

Sở hữu khối tài sản 5 tỷ USD với hơn 400 công ty và có đến gần 13 triệu người theo dõi trên Twitter, Richard Branson còn được mọi người biết đến với một loạt dự án quảng bá hình ảnh không giống ai, thậm chí gây nhiều tranh cãi, với chung một đích đến - tạo sức ảnh hưởng cho thương hiệu Virgin.

Hiện nay, Richard đang theo đuổi ngành công nghiệp vũ trụ, bên cạnh các tỷ phú như Elon Musk và Jeff Bezos. Tháng 7/2021, Richard cùng năm hành khách khác đã thực hiện chuyến bay dài 90 phút lên khí quyển Trái đất. Ông cho xây dựng dự án du lịch vũ trụ với mục đích đưa con người vào khám phá không gian. Richard Branson (thứ ba từ phải sang) tập trung chủ yếu vào việc phát triển máy bay không gian có thể tái sử dụng, để tổ chức các chuyến bay ngắn đưa khách du lịch thăm vũ trụ. Công ty Virgin Galactic của ông đã bắt đầu bán vé với giá 250.000 USD, và đến nay, đã có nam ca sĩ nổi tiếng Justin Bieber mua vé.

Ngoài việc kinh doanh, Richard còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường và nhiều chương trình tư vấn khởi nghiệp với vai trò diễn giả. Với phong cách giản dị, thường xuyên xuất hiện chỉ với quần jean, áo phông, Richard là một trong những người truyền cảm hứng, cũng như tấm gương khởi nghiệp được giới trẻ trên khắp thế giới yêu thích nhất hiện nay.