BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Khởi sắc nhờ quả cam

Làm nông nghiệp, lại chọn cây trồng là cam ở một nơi có khí hậu không mấy thuận lợi của vùng đất Hải Lăng, hơn 20 năm, anh Tiến cùng hơn 10 hộ dân thôn Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) đã “vắt” từ vùng đất gò đồi ra những mùa cam trĩu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Tiến cần mẫn chăm sóc từng gốc cam.
Anh Tiến cần mẫn chăm sóc từng gốc cam.

Những ngày gian khó

Chúng tôi theo anh Văn Ngọc Tiến lên đồi cam K4 đúng mùa cam chín rộ. Cả vùng đất gò đồi xưa kia cây dại mọc um tùm nay là những vườn cam đều tăm tắp. Ngắm mầu xanh ngút ngàn của lá, mầu óng ả của vườn cam trĩu cành, chợt nhận ra bàn tay và khối óc của con người có sức mạnh đến vô biên.

Đứng trước thành quả của mình, anh Tiến nhớ lại: “Năm 1997, nhà đông anh em, kinh tế gia đình khó khăn tôi đành nghỉ học theo một số hộ dân lên vùng đồi K4 khai hoang phục hóa sản xuất phát triển kinh tế theo chủ trương của Nhà nước. Khi đất đai bắt đầu thuần thục, chúng tôi bắt đầu trồng mía, cây mía phát triển ổn định, tốt tươi nhưng hiệu quả kinh tế không cao do chưa hình thành nên vùng nguyên liệu đi kèm với nhà máy nên một thời gian cây mía không duy trì được nữa…”.

Đam mê làm nông nghiệp từ nhỏ, nhưng nghĩa vụ với đất nước của một thanh niên đầy nhiệt huyết thôi thúc anh Văn Ngọc Tiến tình nguyện viết đơn nhập ngũ. 20 tuổi, Tiến trở thành người lính biên phòng canh giữ biên giới Tổ quốc. Được biên chế về Đồn Biên phòng 609 đóng quân tại Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, sau hơn hai năm hoàn thành nhiệm vụ của người lính, anh xuất ngũ trở về và cũng là lúc Nhà nước thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lâm nghiệp vùng K4 thành đất trang trại hộ gia đình để trồng cây ăn quả. Với sức trẻ năng động, khát khao thay đổi cuộc sống anh mạnh dạn đăng ký rồi được chính quyền cấp cho vùng đồi rộng lớn.

Anh Tiến cho biết thêm, chủ trương chuyển đổi giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình canh tác trồng trọt đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng, tự do, tự giác hơn trong nhân dân. Nhưng khi đứng trước đồi đất mênh mông đầy lau sậy, cỏ cây hoang vu thời kỳ hậu trồng mía, với hai bàn tay trắng, thiếu vốn đầu tư, lòng anh chông chênh, hụt hẫng…

Nhưng rồi cái khó trong làm ăn đã “ló” được cái khôn, anh Tiến nhớ lại, trước mắt phải cải tạo phần lớn diện tích đất trồng những loại cây công nghiệp như sắn, chè và trồng cỏ nuôi cá nhằm lấy ngắn nuôi dài. Vừa sản xuất anh vừa tìm cách xoay xở, chạy vạy vay vốn khắp nơi để thực hiện dự định ấp ủ từ lâu là trồng cây cam trên diện tích rộng lớn. Bởi theo nghiên cứu và trồng thử nghiệm của những người đi trước thấy rằng, cây cam hoàn toàn phù hợp với vùng đồi K4. Tuy cây cam phải mất 4-5 năm mới cho lứa quả đầu tiên nhưng đây là loại cây ăn quả có tuổi thọ trung bình từ 15 năm trở lên, cho thu nhập cao, thị trường tiêu thụ ổn định bởi lợi thế của nó là loại quả không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân.

Người làm, cam ngọt

Những gian khó của người nông dân trồng cam ở Long Hưng, kể cả Văn Ngọc Tiến bước đầu không sao kể hết. Nhất là từ năm 1997 mới bắt đầu thử nghiệm, ngót nghét đến năm 2022 mới có thành quả bước đầu. Giờ thì những hàng cam xanh mướt trĩu quả nghiêng theo triền đồi dài tít tắp. Hầu như suốt những bước đi, Văn Ngọc Tiến cứ bị níu kéo bởi những cây cam trĩu quả. Chốc chốc Tiến dừng lại chỉ tay về những cây cam xã Đoài, Vân Du, V2, cam chè, xuân quýt... có tán rộng, thân cành sum suê, rất sai quả mà anh đang chăm sóc. Đặc biệt, đây là những cây anh Tiến đang tiếp tục thử nghiệm thuần phục để cho ra hoa, kết trái theo thời gian mà mình mong muốn. Nếu thử nghiệm thành công có thể anh sẽ phân chia đồi cam thành từng khoảnh để sản xuất theo mùa hoặc có độ chênh về thời gian nhằm giảm áp lực thu hoạch kiểu chín rộ trong thời gian ngắn như hiện nay.

Theo anh Tiến, mỗi loại đều có những ưu, nhược điểm riêng, ví như xã Đoài, Vân Du cho ra hoa sớm hơn các loại khác, vẫn sinh trưởng tốt nhưng thân, cành dễ gãy khi cây đến độ sai quả gặp mưa to, gió lớn. Hoặc như cam chè cho hoa ra muộn hơn và năng suất ở mức tương đối nhưng bù lại, cây có độ dẻo dai, tuổi thọ cao, chống chịu tốt sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt nắng lắm mưa nhiều ở vùng đất Quảng Trị. Hiện trong các loại giống cam thì xã Đoài, Vân Du được trồng phổ biến nhất so với các dòng khác trên vùng đồi K4 này. Bởi đặc tính của nó là cho trái ngọt, mọng nước, mùi thơm dễ chịu, vừa là giống cây phù hợp cách trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Anh Tiến chia sẻ thêm về giống cam trồng nhiều trên vùng đất này thực chất là giống cam Vinh được ông Văn Ngọc Cừ, một người con của quê hương Long Hưng, xã Hải Phú di thực từ Nghệ An về vùng đồi K4 những năm đầu khai hoang, phục hóa chuyển đổi cây trồng.

Hiện nay sản phẩm “Cam K4 Hải Phú” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao (Đánh giá, phân hạng theo chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm tỉnh Quảng Trị) và được chứng nhận là sản phẩm VietGAP.

Là người tận tụy với công việc, nắm vững kỹ thuật chăm sóc “ăn ngủ cùng cây”, dày dạn kinh nghiệm nên nhiều năm qua đồi cam của anh ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Cây có tuổi đời 5 năm cho thu hoạch chừng 20 tấn/ha, nhưng khoảng thời gian 7 năm trở lên thì mỗi vụ có thể thu hoạch hơn 25-30 tấn/ha. Anh Tiến bảo, nếu giá thị trường như hiện nay dao động khoảng từ 15-18 nghìn đồng/kg thì với diện tích 2ha của mình, mỗi năm sẽ cho thu nhập hơn 800 triệu đồng. Ngoài cây cam thì chè, cây tràm keo, cá nuôi mỗi năm xuất bán ra thị trường cũng đã mang lại nguồn thu nhập tăng thêm khá cao, ổn định. Tiếp đà thành quả hiện có, thời gian tới anh sẽ tăng diện tích cây trồng cam cũng như cải tạo, đào sâu, mở rộng hồ nuôi cá vừa làm “bể” chứa nước dùng tưới tiêu thường xuyên và dự trữ về mùa hạn hán. Bên cạnh đó, anh tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, học hỏi, ghi chép chi tiết về sự phát triển của các loại giống cây khác nhau để có thể cho ra sản phẩm cam thương hiệu ngon, ngọt, sạch, giá trị cao hơn đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Nói thêm về việc chăm sóc cam từ khi xuống giống cho đến khi bói quả là quá trình lâu dài vất vả, chỉ cần một chút lơ là, sai kỹ thuật để cây mắc bệnh nấm thân thì cái giá phải trả rất đắt. Đơn giản như việc cắt cỏ đúng vào thời tiết ẩm ướt thì nấm sẽ bật ra từ đất và lây lan gây hại rất nhanh. Hoặc nếu muốn cây không bị kiệt sức sau mùa thu hoạch thì trước đó, khi cây vào độ làm ngọt cho trái thì cần bổ sung lượng phân hữu cơ vừa đủ để cây không đâm chồi non khiến cho trái cam khi chín sẽ bị xốp, không còn độ giòn và vị ngọt...

Không giấu cho riêng mình

“Thạo nghề” nhưng anh không giấu giếm cho riêng mình mà luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ người dân địa phương khi cây bị dịch bệnh hoặc thời tiết gây hại. Văn Ngọc Tiến kể rằng, cách nay vài năm, một hộ dân có diện tích hơn 4ha cam đang phát triển xanh tốt, bỗng nhiên hơn một nửa cây bị vàng lá héo úa rồi rụi dần. Gia đình đã cậy nhờ đến nhiều kỹ sư chuyên môn, tìm mọi cách điều trị nhưng ngày càng bất lực và hư hại thêm. Nghe tin, anh tìm đến giúp hộ trồng cam. Bằng kinh nghiệm vốn có kết hợp những loại thuốc phù hợp, sau gần một năm chữa trị vườn cam đã được phục hồi xanh tốt trở lại...

Anh Trần Minh Tâm, một thành viên mới khởi nghiệp từ cây cam trên vùng đồi K4 rất tâm đắc, trân quý khi nói về người đồng nghiệp của mình: Tiến là người bộc trực, thẳng thắn, nhưng sống rất tình cảm, đã giúp ai việc gì thì tận tụy hết mình. Sự nhẫn nại, chịu khó học hỏi, quyết tâm vượt khó của Tiến trong công việc đã tạo động lực và tiếp lửa cho tôi khởi nghiệp trên vùng đất đầy tiềm năng này.

Theo ông Lương Trung Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú thì hiện có 14 hộ gia đình trồng cam trên vùng đồi K4 với khoảng gần 30ha. Điều ông Quốc trăn trở là diện tích cam hiện nay vẫn chưa tương xứng so diện tích 144ha vùng đồi sẵn có. Dự kiến trong thời gian tới địa phương sẽ kiến nghị, tham mưu cùng các cấp chính quyền ưu tiên và tạo điều kiện để bà con nhân dân, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển mở rộng trồng mới khoảng 43ha đến cuối năm 2023, đưa loại cây có múi trở thành thế mạnh kinh tế vùng gò đồi của xã, sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.