Khơi mở tiềm năng kinh tế sáng tạo

Mỗi năm xuất khẩu hàng hóa sáng tạo giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD, nhưng hiểu biết về kinh tế sáng tạo còn rất sơ khởi. Tiềm năng của nền kinh tế này cần được khai thác hiệu quả hơn để đóng góp vào tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: NAM ANH
Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: NAM ANH

Theo báo cáo công bố năm 2022 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), năm 2020, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới với hơn 14 tỷ USD giá trị hàng hóa sáng tạo xuất khẩu. Các ngành kinh tế sáng tạo đáng chú ý là: Thủ công mỹ nghệ, thời trang và thiết kế; nghệ thuật ẩm thực; nghệ thuật biểu diễn; nghệ thuật tạo hình, phim và truyền thông; công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm; du lịch và di sản văn hóa; âm nhạc và giải trí; xuất bản và văn học; sáng tạo nội dung số (blog, vlog, podcast và tạo nội dung trên mạng xã hội); tiếp thị và quảng cáo số.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Các chuyên gia đánh giá, có nhiều yếu tố hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành kinh tế sáng tạo như dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ, yếu tố hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước hay sự đa dạng và phong phú của các di sản văn hóa cũng như mức độ hội nhập mạnh mẽ với kinh tế toàn cầu...

Mỗi ngày, bà Đinh Thị Loan (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) ngâm mình nhiều giờ đồng hồ để vớt lục bình trên những con kênh gần nhà. Sau khi rửa sạch và phơi khô, bà Loan có thể bán được với giá 13.000 - 15.000 đồng/kg. Ở đây, lục bình sinh trưởng quanh năm, dày đặc trên các kênh ngòi. Loài cây dại này lại có thể giúp nhiều người dân kiếm thêm thu nhập nhờ việc thu hoạch, phơi khô và đan lát.

Mỗi năm, Công ty CP Artex Đồng Tháp xuất khẩu khoảng 6 triệu USD các sản phẩm từ lục bình như thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon... Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty, các sản phẩm chế biến từ lục bình được thị trường Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia... ưa chuộng do bền, đẹp và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Đây chỉ là một trong hàng nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam mang về kim ngạch hơn 1,7 tỷ USD/năm. Dưới bàn tay sáng tạo của người Việt, lợi nhuận từ ngành hàng này mang lại cao gấp từ 5 đến 10 lần so với nhiều ngành khác.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam vẫn phần nhiều mang tính tự phát. Các chính sách khuyến khích đã được ban hành ở cấp độ ngành trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (Nghị định số 144/2020/NĐ - CP; Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg), ngành phát thanh và truyền hình (Quyết định số 512/QĐ-BTTTT; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016; tham mưu Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP; Chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng (game online), giai đoạn 2022-2027...

Nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi, cấp vốn cho các dự án kinh tế sáng tạo, đổi mới sáng tạo còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Khảo sát tại một số địa phương (Phú Thọ, Sơn La, Phú Yên) cho thấy, kinh tế sáng tạo còn là nội dung rất mới và chưa được hiểu một cách nhất quán dù đã có những hỗ trợ nhất định để phát triển các sản phẩm sáng tạo.

Để sáng tạo trở thành “mỏ vàng” tăng trưởng

Những ngày đầu tháng 3, thế giới hướng về Singapore với sức nóng từ 6 đêm diễn của Taylor Swift trong khuôn khổ The Eras Tour. Nhiều trang tin quốc tế dự đoán 6 đêm diễn giúp Singapore thu về khoảng 500 triệu USD từ khách du lịch, gấp nhiều lần con số 3 triệu USD mà nước này chi trả để mời Taylor Swift đến biểu diễn độc quyền.

Còn nhớ, khán giả Việt Nam từng có trải nghiệm đáng nhớ với 2 đêm diễn của ban nhạc Blackpink (Hàn Quốc) trong khuôn khổ tour diễn thế giới Born Pink tổ chức tại Hà Nội. Theo số liệu báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội, tổng thu từ du khách trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc đạt khoảng 630 tỷ đồng.

Không chỉ thỏa mãn hàng chục nghìn khán giả Việt Nam với “cơn khát” concert nhiều năm qua, 2 đêm nhạc còn giúp Hà Nội thu hút khách quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng các ngành dịch vụ du lịch, ăn ở, di chuyển... Gần 70.000 khán giả đã đổ về Hà Nội, lấp đầy Sân vận động Mỹ Đình trong 2 đêm diễn bùng nổ, thu về 13,7 triệu USD (hơn 331 tỷ đồng) từ tiền bán vé. Với kết quả này, Born Pink trở thành buổi hòa nhạc có doanh thu và số lượng khán giả cao nhất tại Việt Nam.

Việc Blackpink lưu diễn thành công vang dội ở Hà Nội gợi cảm hứng biến Việt Nam trở thành điểm đến của những concert âm nhạc quốc tế. Song để điều này trở thành hiện thực, hành trình còn rất gian nan. Ngay cả Born Pink cũng gặp nhiều rào cản với cơ chế cấp phép biểu diễn, bản quyền âm nhạc, hạ tầng đặt vé, địa điểm tổ chức...

Tại một hội thảo về phát triển kinh tế sáng tạo diễn ra mới đây, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, một ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa được kết nối rộng rãi và được hỗ trợ mạnh mẽ sẽ mang đến cho Việt Nam khả năng thương mại lớn và “sức” cạnh tranh toàn cầu.

Việt Nam có thị trường nội địa lớn, cùng với thị trường khu vực đang mở rộng và rất nhiều hứa hẹn. Thuận lợi này bảo đảm tiềm năng tăng trưởng cho ngành công nghiệp sáng tạo. Việt Nam lại có dân số trẻ, có “độ nhạy” thương mại và trình độ công nghệ kỹ thuật số ngày càng cao.

Việt Nam còn có lợi thế về sự đa dạng văn hóa. Sự phong phú và khác biệt vùng, miền cũng tạo điều kiện nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển những sáng tạo văn hóa.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Tổng hợp CIEM, nhiều ngành sản xuất mới trong chuỗi cung của ngành công nghiệp sáng tạo đã hình thành và phát triển mạnh mẽ (trong lĩnh vực thời trang/dệt may, vi điện tử và tin học...). Nền kinh tế đa dạng với sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch (bao gồm cả du lịch văn hóa), các ngành sản xuất trình độ cao, một số ngành công nghiệp tri thức (như công nghệ thông tin) cũng tạo những điều kiện tốt cho công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên với xuất phát điểm khá thấp, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của nhiều quốc gia. Hầu hết các quốc gia hiện nay đều dành sự quan tâm rất lớn cho kinh tế sáng tạo. Chẳng hạn, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc đã xem kinh tế sáng tạo như một ngành công nghiệp mới với việc đưa ngành này cùng với các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ carbon thấp... chiếm 15% GDP trong năm 2020.

Còn tại Hàn Quốc, kinh tế sáng tạo được đặt làm chương trình nghị sự, chính sách lớn từ năm 2013. Hay tại Indonesia, kinh tế sáng tạo đóng góp 82 tỷ USD cho GDP của quốc gia (7,5%) và 23,9 tỷ USD cho xuất khẩu (10%) trong năm 2021. Họ thiết lập bộ, ngành chuyên biệt quản lý (Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo - MoTCE), đồng thời thiết lập một hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh về các ngành công nghiệp sáng tạo.

Tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị, trước mắt cần hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho sự phát triển nền kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp và văn hóa sáng tạo, thị trường văn hóa sáng tạo. Lồng ghép kinh tế sáng tạo trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, chính sách xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ hiệu quả hơn cho ngành kinh tế có sức tăng trưởng mạnh mẽ này.