Có tiếng trong lĩnh vực điện tử, tin học, máy tính ở tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Phi Dũng còn là nhà sưu tầm báo chí hàng đầu Việt Nam với kho tàng lên đến hàng chục tấn. Thời Nay trò chuyện cùng ông về niềm đam mê đặc biệt này.
Phóng viên (PV): Thưa ông, hành trình sưu tầm báo, tạp chí của ông bắt đầu như thế nào?
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng: Chuyện bắt nguồn từ sở thích đọc báo của cha tôi xưa. Những năm 70-80 thế kỷ trước, cụ thường xuyên mua báo đọc, sau đó đóng thành quyển lưu trữ cẩn thận. Dần dà, tôi thấy các quyển báo cứ vơi dần đi. Cách đây hơn 10 năm, có lần tôi hỏi, thì cụ bảo do... hết tiền mua báo mới, nên phải bán báo cũ. Khi ấy tôi tiếc, nên có ý muốn mua lại những tờ cụ hay đọc như Văn nghệ, Sức khỏe và đời sống, Khoa học thường thức hay Toán học tuổi trẻ để lưu lại, như thói quen xưa nay của cụ.
Ban đầu chỉ nghĩ đơn giản như vậy, nhưng khi sưu tầm, tôi bị cuốn theo, dần thành đam mê. Với tôi, báo chí in trên giấy giống như chứng nhân của những thời kỳ lịch sử đã qua không trở lại, đó là những câu chuyện thời đại, văn hóa, đời sống quý giá cho thế hệ sau. Từ năm 2016, sau khi xây xong tòa nhà vừa là trụ sở công ty, vừa là chỗ ở, tôi đẩy mạnh việc sưu tầm. Không chỉ giới hạn một vài đầu báo cụ thể, tôi mua tất cả những tờ báo, tạp chí có thể tiếp cận.
PV: Đến nay, sau 8 năm, kho tàng báo chí của ông có số lượng ra sao, được sưu tầm chủ yếu từ những nguồn nào?
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng: Đến năm 2020, tôi đã mua được chừng 7 tấn báo chí. Vài năm gần đây, số lượng còn tăng nhanh hơn. Hiện tại, tôi đang hoàn thiện hồ sơ gửi Tổ chức kỷ lục Việt Nam, đề nghị công nhận kỷ lục về kho tàng báo chí tư nhân lớn nhất trong nước. Tổng cộng tôi đang có khoảng 21 tấn của 80 đầu báo chí, số lượng chừng 400 nghìn tờ. Trong đó, Báo Nhân Dân chiếm phần lớn nhất, khoảng hơn 3 tấn, hơn 60 nghìn tờ.
Tôi hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên sớm có điều kiện tìm kiếm các nguồn báo chí cũ, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội. Nguồn lớn nhất là từ các nhà sưu tầm khác. Có lần tôi mua 3 tấn báo chí ở Hà Nội, 1 tấn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Một địa chỉ dồi dào báo chí cũ khác là Bắc Ninh, nơi có làng nghề làm giấy tái chế. Tôi cũng tìm những kho lưu trữ bị trùng đầu báo do sáp nhập tỉnh, hoặc những kho bị mối mọt, phải thanh lý. Sau khi mua về, tôi lọc ra phần còn tương đối nguyên vẹn.
Tôi mong sẽ có thêm cơ hội tiếp cận những nguồn báo chí mới. Vì hiện tại, giới sưu tầm trong nước đang rất khan hiếm nguồn. Tỷ lệ báo trên các hội nhóm còn rất ít và “không sâu tuổi”. Có những tờ báo xưa gần như giờ không thể mua được nữa.
PV: Điều gì khiến ông đam mê, tâm đắc với kho tàng báo chí của mình?
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng: Thời nay, thông tin được tập trung nhiều trên báo điện tử, truyền hình và mạng xã hội vì cần “nhanh, nóng”. Nhưng tôi nghĩ báo giấy luôn có giá trị đặc biệt. Thứ nhất, một tờ báo đã lên trang là không thể sửa được, không thể gỡ được, vì vậy yêu cầu trách nhiệm cao hơn của người làm báo. Thứ hai, khác với sách, truyện, báo giấy hầu như không tái bản. Bản thân tôi khi cầm những tờ báo của các thời xưa cũ luôn có rất nhiều cảm xúc, hoài niệm, như một lần được sống lại quá khứ.
Trong sưu tầm báo chí, tìm mua được số đầu tiên bao giờ cũng khó nhất. Tôi hiện có khoảng 30 tờ số đầu của nền báo chí Việt Nam từ thời kỳ sơ khai đến báo chí cách mạng, như các tờ Gia Định báo, Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải Phóng... Trong đó, tờ Cờ Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương phát hành ngày 10/10/1942 là tờ báo duy nhất còn trên cả nước, tôi mua cách đây 3 năm, với giá 50 triệu đồng cùng vài tờ khác của báo chí miền nam trước năm 1975. Còn tờ báo cổ nhất tôi có là tờ “Tin tức Hải Phòng” viết bằng tiếng Pháp, phát hành năm 1886. Tờ Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên tôi cũng rất quý, phát hành năm 1896.
Mới trước Tết Âm lịch năm vừa rồi, tôi mua được một tập Báo Nhân Dân, trong đó có số đầu ra ngày 11/3/1951. Tờ báo không được nguyên vẹn lắm, nhưng vẫn rất giá trị đối với tôi.
Điều khiến tôi vui nhất là bộ sưu tập báo chí của tôi đã trở thành nguồn tư liệu lịch sử hữu ích với cộng đồng. Nhiều cơ quan, đơn vị cả trong và ngoài tỉnh, khi đến các dịp kỷ niệm quan trọng gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm hình ảnh, tư liệu về mình. Biết tôi sưu tầm báo chí, họ đến nhờ tìm giúp. Do kho lưu trữ của tôi được phân loại theo các giai đoạn lịch sử, việc tìm tư liệu rất dễ dàng, tôi thường scan ra hoặc tặng luôn. Năm ngoái, Nam Định tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh, tôi đã cho bảo tàng tỉnh mượn 37 hiện vật để trưng bày, trong đó có nhiều bài báo quý, đĩa than ghi tiếng nói của Bác và một số sách phát hành những năm 1940-1950.
Kho báo chí đồ sộ, được phân loại ngăn nắp trên kệ sắt của nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng. |
PV: Một câu hỏi tế nhị, ông đã chi khoảng bao nhiêu tiền cho kho tàng báo chí đồ sộ của mình? Trong nhiều năm sưu tầm, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với ông?
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng: Tôi không tính cụ thể, nhưng có lẽ tổng số tiền tôi mua báo chí có lẽ ngang với giá trị một căn nhà mặt đường ở Nam Định. Ban đầu, vợ con tôi không ủng hộ việc sưu tầm, vì thấy… mang tiền đi tiêu nhiều quá, lại “tha” hàng tấn báo chí về chất đầy nhà. Nhưng lâu dần, thấy kho báo của tôi có ý nghĩa với xã hội, vợ con tôi cũng thay đổi quan điểm. Vài năm trước, con gái tôi trong Đà Nẵng liên hệ tìm báo cho bố, còn vợ tôi bây giờ thi thoảng cũng nhờ bạn bè giúp tôi sưu tầm thêm.
Suốt 8 năm, tôi đã có vô vàn kỷ niệm trên hành trình sưu tầm báo chí, nhưng điều khiến tôi nhớ nhất là lần tặng trang nhất Báo Nhân Dân, số ra ngày 11/11/1970 cho bà Vũ Thị Bích Liên, người gắn bó cả đời với Nhà máy liên hợp dệt Nam Định. Đó là trang báo có ảnh 4 nữ công nhân, tôi thấy đẹp quá, liền đăng lên trang Facebook cá nhân nhờ bạn bè và tìm được bà Liên, nay đã hơn 80 tuổi. Tôi mang đến tặng bà trang báo và thật ngạc nhiên khi nghe bà Liên bảo không hề biết chuyện… mình được lên báo. Nhìn lại hình ảnh thanh xuân và những chị em đồng nghiệp yêu quý qua tấm ảnh, bà Liên rưng rưng xúc động. Bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi được biết bà từng là thợ giỏi toàn miền bắc, có 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
PV: Mong muốn lớn nhất của ông hiện tại là gì, thưa ông?
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng: Tôi mong thành lập được một bảo tàng báo chí tư nhân đầu tiên ở Việt Nam vào năm sau, dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Về các điều kiện thành lập bảo tàng như hiện vật trưng bày, kho lưu trữ, điều kiện bảo quản hay nhân viên quản lý tôi đều có thể đáp ứng, nhưng vẫn mong Nhà nước có chính sách thông thoáng hơn về cơ chế, thủ tục để tôi thực hiện mong muốn của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Với khoảng 400 nghìn tờ báo, tạp chí, ông Nguyễn Phi Dũng có nguyên tắc phân loại và bảo quản riêng: Các tờ báo số đầu, quý, độc, hiếm được cho vào túi zipper dán miệng, sau đó đặt trong thùng nhựa có ngàm khóa kín. Các loại báo có số lượng lớn được phân loại theo đầu báo, đóng quyển đặt trên giá, kệ. Các loại báo Tết có khu riêng. Về mốc thời gian, ông Dũng chia ra các loại báo chí trước năm 1954, giai đoạn 1954-1975, 1975-1990 và từ 1990 đến nay.
Ban đầu, ông Dũng sử dụng một căn phòng 50 m² tại nhà (số 595 Trường Chinh, TP Nam Định) làm kho lưu trữ, nhưng do số lượng tăng thêm quá lớn, ông phải sắp xếp nguyên một tầng làm kho mới, tổng diện tích 300 m². Các kho đều trang bị hệ thống máy hút ẩm, điều hòa nhiệt độ và duy trì mức ánh sáng phù hợp để bảo đảm điều kiện bảo quản tốt nhất.