Khi văn chương thế giới trăn trở về môi trường

Trái đất đang chịu nhiều tổn hại do chính con người gây ra, ảnh hưởng đến khả năng nâng đỡ sự sống của hành tinh. Tại Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018 (một trong những sự kiện của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, diễn ra tại Xơ-un - Hàn Quốc), hơn 60 nhà văn từ khắp các châu lục đã cất lên tiếng nói hướng đến một thế giới hòa bình, xanh và những giải pháp bảo vệ trái đất.

Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018 đã truyền đi thông điệp về trách nhiệm của người cầm bút trên toàn cầu, là cần phải có hành động thiết thực bằng việc sáng tạo những tác phẩm giá trị, ngay từ hôm nay, nhằm bảo tồn môi trường sống hòa bình, bền vững cho chính chúng ta và những thế hệ sau này.
Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018 đã truyền đi thông điệp về trách nhiệm của người cầm bút trên toàn cầu, là cần phải có hành động thiết thực bằng việc sáng tạo những tác phẩm giá trị, ngay từ hôm nay, nhằm bảo tồn môi trường sống hòa bình, bền vững cho chính chúng ta và những thế hệ sau này.

1. Ðến với Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018, mỗi nhà văn mang một tâm trạng và những nỗi lo lắng của mình về tình hình an ninh, hòa bình và đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, mâu thuẫn giữa các vùng miền. Nhiều tham luận nhìn nhận, phân tích sâu sắc về tình hình biến đổi của môi trường đồng thời bày tỏ rằng, văn chương có sức lay động mạnh mẽ, không thể đứng ngoài cuộc. Bằng ngòi bút và sự tinh tế của mình, văn chương cần cất lên tiếng nói để bảo vệ "quyền được xanh" của Mẹ Trái đất.

Nhà thơ Koike Masayo đến từ Nhật Bản (người từng tham dự Liên hoan thơ thế giới năm 2010, với chủ đề Biển), đã mang đến Diễn đàn bản tham luận giàu tính thực tế, phân tích cặn kẽ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến môi trường ra sao, đồng thời nói lên rằng, con người cần trồng nhiều cây hơn, thay vì chặt cây; cần trồng hơn cả những cái cây trong tâm hồn mình. Bà Koike Masayo đúc rút: "Khi chúng ta gieo những hạt giống, ngoài tiền bạc, chúng ta còn nhận lại sự bảo đảm về sự sống sau này".

Chung quan niệm này, nhà văn đến từ Phi-li-pin Angelo Lacuesta nhấn mạnh rằng dù mỗi nhà văn đều sống ở những đất nước riêng biệt, làm ở những cơ quan khác nhau; mỗi quốc gia làm tổn hại đến thiên nhiên khác nhau, nhưng tất thẩy đều tác động tiêu cực tới bầu khí quyển. Ðó chính là lý do mỗi quốc gia cần nêu cao trách nhiệm. Ðó chính là lý do các nhà văn lên tiếng.

Phải nhìn nhận rằng những năm gần đây, nhiều tác phẩm văn chương cất lên những tiếng nói đa chiều, sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên đã được xuất bản, đồng thời được chuyển thể thành phim. Tiêu biểu như tiểu thuyết "Cá hồi" của Ahn Do Hyun, đầy tính ẩn dụ, rung lên hồi chuông về cách nhận thức và ứng xử của con người đối với tự nhiên, phản ánh được yêu cầu và tâm thức tất yếu của thời đại khi con người đang gánh chịu sự giận dữ và đáp trả của thiên nhiên. Hay "Cuộc đời của Pi" là tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel được xuất bản năm 2001, giúp tác giả giành được giải Man Booker. Ý thức sinh thái cũng từng được thể hiện rõ trong các sáng tác văn chương vĩ đại của Mỹ Latin như "Trăm năm cô đơn", "Tình yêu thời thổ tả" (G.Márquez), "Con quỷ chơi đùa ở miền đất hoang" (G.Rosa), "Vương quốc trần gian", "Thế kỷ ánh sáng" (A.Carpentier)...

Trên thế giới, từ những năm 70 của thế kỷ 20, đã có hàng loạt tác phẩm văn chương đề cập đến nguy cơ sinh thái. Không ít nhà phê bình đã có đề xuất quan niệm tự nhiên không chỉ là sân khấu của các vở bi kịch lịch sử mà bản thân nó cũng tham gia vào sự diễn xuất; các nhà nhân loại học chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và địa lý; các nhà tâm lý học thừa nhận sự bất hòa giữa con người và thiên nhiên là nguồn gốc của các căn bệnh xã hội, bệnh tâm lý… Theo thời gian, các nhà văn cùng các nhà phê bình trên thế giới đi đến một nhận định, ngoài những điều trên, con người cần phải coi tự nhiên là một thực thể có linh hồn, đồng thời chọn cách chung sống hợp lý với tự nhiên.

2. Việt Nam là đất nước luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai. Ðặc biệt năm 2017 được đánh giá là năm kỷ lục về số lượng thiên tai ảnh hưởng đến nước ta, nhưng soi rọi vào hoạt động sáng tác, xuất bản trong nước thì thấy rất hãn hữu tác phẩm chạm được đến trái tim người đọc có chủ đề về tự nhiên, môi trường. Có chăng thì chỉ lướt qua. Phải chăng thiên tai, những biến đổi của thiên nhiên chưa gây xúc động đối với những người cầm bút? Hay chính những người cầm bút trong nước còn chưa hiểu hết giá trị của môi trường, và nhận thấy một điều, văn chương chính là một trong những kênh có thể chuyển tải và có tác động rất lớn đến việc chung tay bảo vệ môi trường?

Môi trường đang cần hơn nữa trách nhiệm và sự xúc động của người cầm bút. Một tác phẩm văn học sinh thái không chỉ đơn thuần miêu tả tự nhiên hoặc hệ sinh thái, mà quan trọng hơn là phải có đầy đủ tư tưởng sinh thái và góc nhìn sinh thái. Nhà văn người Mỹ Victor Montejo cho rằng, từ góc nhìn, chúng ta lý giải nguyên nhân, nguy cơ sinh thái để tăng cường trách nhiệm và đạo đức nhân loại đối với tự nhiên. Ngoài ra, bằng sức tưởng tượng và sự nhạy cảm của nhà văn, hoàn toàn có thể dự báo thảm họa, cảnh báo về các nguy cơ sinh thái, kéo con người gần với tự nhiên và bản thân họ có trách nhiệm hơn với Người Mẹ chung - Mẹ thiên nhiên.

Ngay tại Hàn Quốc là nước chủ nhà của Diễn đàn, được đánh giá là quốc gia công nghiệp phát triển, đường phố luôn gọn gàng, sạch sẽ và từng có xuất phát điểm khá thấp về kinh tế. Khoảng hơn 20 năm trước, Hàn Quốc cũng từng trải qua giai đoạn có nhiều vấn đề trong tổ chức xã hội, cũng như đối diện nhiều nguy cơ về môi trường. Theo nhà thơ SeaKwi Yoon, ngoài phát triển kinh tế thì cũng nên có sự đầu tư sâu văn phát triển văn chương, trong đó có văn chương sinh thái. Mỗi quốc gia cần phải "chữa" bệnh của thiên nhiên sớm nhất có thể. Một khi để lâm trọng bệnh ở mức tệ hại, thì kinh phí đầu tư lúc đó sẽ ở mức không thể nào tưởng tượng nổi.

Là người nỗ lực xây dựng Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018, nhà văn Bang Min-hô (Trường đại học Quốc gia Xơ-un - Hàn Quốc), cho hay: Chúng ta sống trong thời đại mà mỗi người đều mơ ước sống trong một thế giới hòa bình, nhưng với tôi từ "hòa bình" ở đây không chỉ hiểu là một từ trái nghĩa của từ "chiến tranh". Thay vào đó, hòa bình là điều kiện sống an toàn mà chúng ta có thể tìm thấy trong thiên nhiên bao quanh; trong tình đoàn kết của các dân tộc khác nhau về ngôn ngữ, truyền thống, tôn giáo và tín ngưỡng. Song mỗi chúng ta, mỗi quốc gia là những thành tố nhỏ bé và quan trọng trong cộng đồng toàn cầu.

Việc giới thiệu văn học, phê bình sinh thái vào Việt Nam lúc này là rất cập thời. Bởi thực tế, thiên nhiên đang đòi hỏi tinh thần cộng sinh, cất lên tiếng nói vì trái đất này.