Khi "trăm hoa" vẫn… "tự đua nở"

Người làm du lịch đều hiểu, trong bối cảnh nhu cầu và nhận thức của du khách thay đổi mạnh mẽ, thì việc sáng tạo những sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao, độc đáo, khác biệt là yếu tố sống còn.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội pháo hoa ở thành phố Đà Nẵng. Nguồn: SUN GROUP
Lễ hội pháo hoa ở thành phố Đà Nẵng. Nguồn: SUN GROUP

Sản phẩm độc đáo, hấp dẫn là "cháy hàng"

Mới ngày 22/3/2024, fanpage "Di tích nhà tù Hỏa Lò" đã thông báo cập nhật lịch tour Đêm thiêng liêng trong tháng 5 và nhắn gửi cộng đồng nhanh tay đặt chỗ, vậy mà nhiều bạn trẻ đã vội vã để lại dòng bình luận "sắp hết vé chưa?". Còn tại khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Trăng chiến khu với tần suất 3 chương trình/tháng đã trở thành sản phẩm tour đêm rất hấp dẫn, khi có tới vài chục đoàn khách đăng ký từ nay tới hết dịp nghỉ lễ 30/4, dù giá vé cho thời lượng 160 phút cũng không hề thấp.

Theo Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, trong năm 2023, di tích đón trung bình 2.000 du khách mỗi ngày, với khoảng 600 nghìn lượt người tìm hiểu cuộc chiến kiên trung sau song sắt lao tù của những chiến sĩ cộng sản. Điểm đến lịch sử này đã thu hút tới 327 nghìn lượt thích, 386 nghìn lượt theo dõi trang fanpage, trong đó, người trẻ luôn chiếm tỷ lệ áp đảo.

Chỉ trong năm 2023, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi- "Top 7 tour đường hầm nổi tiếng nhất thế giới" do South China Morning Post (Hồng Công, Trung Quốc) bình chọn, "Điểm đến ngầm dưới lòng đất hấp dẫn nhất thế giới" (theo hãng tin CNN, Mỹ), đã đón tới hơn một triệu lượt khách mà phân nửa trong số đó là khách nước ngoài. Chỉ một video về hành trình di chuyển trong lòng địa đạo của Joe Hattab, một du khách Tây Ban Nha, đã ghi nhận tới gần 40 triệu lượt xem và trở thành một trong những clip du lịch thu hút hàng đầu, tính từ đầu năm 2024.

Xu hướng du lịch đại trà, khai thác tài nguyên tự nhiên kiểu "hớt váng, ăn xổi" đã và đang dần thoái trào. Những hành trình độc-lạ- giàu trải nghiệm khác biệt, đậm đặc sắc màu văn hóa bản địa "lên ngôi". Theo lý giải của ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, những chuyển đổi nhận thức nói trên trong du lịch là bởi "xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là yếu tố bản sắc và sự khác biệt văn hóa của mỗi quốc gia. Trình độ học vấn, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày một nâng lên. Phong cách sống hiện đại, chú trọng phát triển cá nhân dẫn đến nhu cầu khám phá, trải nghiệm trực tiếp ngày một tăng cao. Phương tiện di chuyển ngày càng dễ dàng, tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận nhiều điểm đến mới lạ".

Ông Vũ Văn Tuyên, Tổng giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam nhận định: "Hoạt động tham quan di sản văn hóa tại Việt Nam được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ hai, chỉ sau du lịch nghỉ dưỡng". Theo ông, du lịch văn hóa là loại hình trung tâm chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm du lịch với những tiêu chí cần có, bao gồm: mang đậm dấu ấn vùng miền và ở tầm cao nhất là bản sắc quốc gia, độc-lạ-hấp dẫn, có thể tiếp cận được và giá cả phù hợp.

Khi "trăm hoa" vẫn… "tự đua nở" ảnh 1

"Sứ giá du lịch nhí" của văn hóa Huế ở làng làm hương truyền thống Thủy Xuân, TP Huế.

Ảnh: Nguyễn Xuân Thao

Khắc phục tình trạng sao chép mô hình sản phẩm

Từ nhiều năm nay, hoạch định hành trình bám theo các sự kiện văn hóa được diễn ra vào thời gian và địa điểm cố định đã trở thành thói quen của nhiều du khách trong và ngoài nước, khi có kế hoạch khám phá Việt Nam. Đà Nẵng từng thu hút tới cả triệu du khách trong Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2019, hay hơn 200 nghìn du khách lên với Đà Lạt trong một tuần diễn ra Liên hoan phim Việt Nam năm 2023… Đây là những con số rất ấn tượng.

Một số địa phương khác cũng đã cố gắng tạo điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nền tảng để đồng hành cùng các đơn vị nhà nước và tư nhân duy trì tính định kỳ của một số sự kiện văn hóa-giải trí đã trở thành thương hiệu đặc sắc. Có thể kể đến Lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội tại Hà Nội; tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh cũng mới có Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo và Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ba thành phố trong mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO là Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đều đã và đang xây dựng những chuỗi hoạt động chuyên biệt trong các lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật dân gian và âm nhạc.

Nhiều sân khấu nghệ thuật truyền thống cùng những show diễn thực cảnh quy mô đã trở thành điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách, trong lộ trình khám phá một miền đất, một địa danh. Cái bắt tay đầy hào hứng giữa du lịch và văn hóa cũng đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới lạ, từ du lịch văn học tới du lịch ẩm thực, từ du lịch danh nhân tới du lịch sự kiện, từ du lịch nông nghiệp tới du lịch làng nghề, từ du lịch tâm linh đến du lịch về nguồn, từ hành trình xanh "nói không với rác thải" tới lựa chọn điểm đến đạt tiêu chí "giảm phát thải tối đa hướng tới Net Zero". Và cũng không thể quên danh sách 130 nhà hàng, quán ăn xuất hiện trong ấn bản Michelin Guide đầy quyền lực sẽ lọt vào tầm ngắm của mọi du khách toàn cầu chung niềm đam mê ẩm thực Việt.

Tuy nhiên, như nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tuy "trăm hoa đua nở" như thế nhưng "sản phẩm du lịch văn hóa vẫn còn chậm đổi mới, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các địa phương, vùng miền. Thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, cũng như liên kết giữa các địa phương với nhau trong quá trình khai thác các tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững". Ông Tuấn cũng nhấn mạnh khó khăn trong việc bảo đảm sự hài hòa giữa khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn trong lĩnh vực du lịch văn hóa.

Trong thực tế, để du lịch văn hóa trở thành đòn bẩy kích cầu tiêu dùng văn hóa, mỗi sản phẩm phải đề cao tính bản địa nguyên gốc, tính độc bản và gắn chặt với sinh cảnh, môi trường đặc thù của từng điểm đến. Mạch nguồn văn hóa được lưu giữ và trao truyền qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử là mỏ tài nguyên với trữ lượng vô tận để du lịch khai thác và cho ra đời những sản phẩm sáng tạo xứng tầm. Nhưng để khai thác mạch nguồn ấy đúng cách, khai thác một cách bền vững, lại rất cần sự am hiểu, nghiên cứu sâu sắc của những người tham gia xây dựng sản phẩm du lịch, vừa bảo đảm cộng đồng cư dân tại điểm đến đồng thuận, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa đem lại nguồn lợi kinh tế. Có điều, chậm lại để làm nghiên cứu một cách bài bản là thử thách rất lớn đối với người sáng tạo sản phẩm du lịch văn hóa trong bối cảnh nhịp sống xã hội nói chung ngày một gấp gáp hơn, nhu cầu thụ hưởng cũng cao hơn, dẫu ai cũng biết rằng khi những "hạt vàng" văn hóa mang lại giá trị kinh tế, đó sẽ là động lực để mỗi cá nhân liên quan và cả cộng đồng liên quan có thêm nỗ lực gìn giữ và bảo tồn.