Khi Lep’ dừng cuộc chơi

Sau 8 năm hình thành và phát triển, cuối cùng thương hiệu thời trang “made in Việt Nam” có cái tên Lep’ đã thông báo đóng cửa toàn hệ thống. Quyết định này không chỉ khiến nhiều người tiếc nuối mà còn đặt ra câu hỏi: Tương lai của các thương hiệu thời trang Việt Nam liệu sẽ đi về đâu?
0:00 / 0:00
0:00
Khi Lep’ dừng cuộc chơi

Trong bức thư gửi đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội, Giám đốc điều hành của nhãn hàng cho biết, ngoài lý do cá nhân, Lep’ đã không còn theo kịp thị trường đang thay đổi chóng mặt mỗi ngày giữa muôn vàn phong cách thời trang mới với các sản phẩm mới, rẻ, đẹp.

Lep’ được biết đến là một thương hiệu dành cho phái nữ với các thiết kế chủ yếu là váy, áo dài hoa đầy nữ tính xoay quanh các tông mầu ngọt ngào. Người phụ nữ của Lep’ là những cô nàng dịu dàng, yểu điệu và mơ mộng. Trong 4 năm đầu tiên, Lep’ đã có 17 chi nhánh ở đủ 3 miền, đồng thời tung ra khá nhiều chiến dịch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội với những thông điệp ý nghĩa nhằm cổ vũ phụ nữ sống hạnh phúc, yêu bản thân. Không chỉ vậy, Lep’ còn sở hữu cộng đồng khách hàng yêu mến với Fanpage hơn 1 triệu người theo dõi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Lep’ đã đánh mất chất “nàng thơ” vốn có, thay vào đó các thiết kế được nhận xét “sến”, rườm rà, giá sản phẩm cao gây nhàm chán với nhóm khách hàng trung thành.

Hai năm trở lại đây, tình hình kinh doanh chung của ngành thời trang là sụt giảm trầm trọng doanh số, bên cạnh lý do về việc cắt giảm chi tiêu còn có một lý do rất quan trọng là xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến, đặc biệt là từ các sàn thương mại đến từ Trung Quốc và cơn lốc hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam. Ngoài ra, việc các thương hiệu thời trang nhanh quốc tế như Zara, Mango, H&M liên tục mở rộng tại các tỉnh, thành cũng tạo sức ép lớn cho các thương hiệu nội địa. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Lep’ đóng cửa toàn bộ hệ thống không phải là dấu chấm hết mà là khởi đầu của những cơ hội và hướng đi mới. Có thể đây là thời điểm để Lep’ tái cấu trúc, định hình lại chiến lược kinh doanh bởi trong bức thư tạm biệt, Lep’ cho biết sẽ cân nhắc về những bước đi tiếp theo cho thương hiệu.

Bạn có biết?

- Không chỉ riêng Lep’, trước đó, hai thương hiệu Việt khác là Catsa (13 năm) hay Elpis (10 năm) cũng đều thông báo đóng cửa hàng và dừng hoạt động kinh doanh. Việc không bắt kịp thị trường và đối mặt nguy cơ tụt hậu giữa guồng quay phát triển liên tục không phải là hiện tượng chỉ có các thương hiệu tại Việt Nam gặp phải mà còn là nỗi lo chung của toàn ngành thời trang trên thế giới, bao gồm cả các tập đoàn lớn mạnh như Kering hay LVMH. Từ khi có TikTok Shop hay các nền tảng thương mại điện tử khác như Taobao, Temu hay Shein cuộc cạnh tranh kinh doanh diễn ra khốc liệt hơn khi các doanh nghiệp thường xuyên tung mã giảm giá trên livestream. Nhà bán hàng muốn tồn tại buộc phải hạ giá đến mức tối đa để cạnh tranh lẫn nhau. Đó là nguyên do khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn con đường nhập hàng từ Trung Quốc để thay đổi nhãn mác, bán lại kiếm lời còn không sẽ tự đóng cửa.

- Theo giới chuyên môn, việc nhận ra điểm yếu và quyết định dừng lại không phải là một thất bại mà là một bước đi khôn ngoan của Lep’. Điều này phản ánh sự trưởng thành và nhận thức rõ về thị trường của các thương hiệu. Đáng chú ý, ngay sau khi thông báo đóng cửa, Lep’ đã tung ra bộ sưu tập áo dài mới với số lượng có hạn và mức giá hợp lý, thu hút nhiều khách hàng mua sắm. Đây là một thí dụ điển hình cho sự khéo léo trong quản lý kinh doanh của Lep’.