Khi âm nhạc hàn lâm “cháy vé”

Trước đây, nếu nói đến yếu tố thương mại trong âm nhạc thì thể loại giao hưởng, thính phòng ít được quan tâm nhiều vì ai cũng biết đây là thể loại kén người nghe, “tệp” khán giả hẹp.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, những sự thay đổi trong vài năm gần đây trong công tác sản xuất, tổ chức biểu diễn, tiếp cận với công chúng, đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của thể loại nhạc thường được gọi là hàn lâm. Cần minh định rằng, âm nhạc dù có đề cao yếu tố chuyên môn đến đâu, vẫn luôn cần thị trường, phải “bán vé được” thì mới có sự lan tỏa rộng khắp.

Tuần rồi, ba đêm diễn “Symphony Anime 2023 Vietnam Arc” diễn ra tại Hà Nội (6 và 7/9) và TP Hồ Chí Minh (8/9) đã khiến nhiều khán giả “choáng ngợp”. Phải dùng từ “choáng ngợp” là vì cả ba đêm diễn, ngoài chất lượng chuyên môn ở mức cao nhất với ê-kíp sản xuất trong và ngoài nước, thì khán phòng không còn một chỗ trống và sự háo hức của khán giả cũng không thua gì các chương trình của nhạc trẻ. Sự sáng tạo và cả một chút mạo hiểm từ các nhà tổ chức và nhà sản xuất khi lựa chọn nhạc phim anime (phim hoạt hình của Nhật Bản) đã đem lại kết quả mỹ mãn.

Thực tế, các bản nhạc anime vốn có chất lượng nghệ thuật rất cao, được hâm mộ trên toàn thế giới, nên việc biểu diễn theo phong cách hàn lâm không hề có tính gượng ép. Trong khi đó, khán giả hâm mộ anime, nhất là thế hệ trẻ, gen Z… cũng đã thuộc làu những bản nhạc này, nên cũng sẵn sàng tiếp cận với phong cách thính phòng. Và trường hợp của Symphony Anime 2023 rõ ràng đã góp phần tạo ra một số lượng khán giả mới với âm nhạc hàn lâm. Những khán giả vừa mới, vừa trẻ chắc chắn sẽ nhận ra nhạc thính phòng không khó nghe như tưởng tượng và tất nhiên đây sẽ là nhóm tiềm năng, sẵn sàng bỏ tiền cho các sự kiện tiếp theo.

Cũng cần nhìn nhận, sự thành công của Symphony Anime 2023 tại Việt Nam không phải là một hiện tượng, mà nằm trong một chuỗi những giải pháp từ nhiều đơn vị, nhiều nơi, trong một thời gian dài với quyết tâm thay đổi diện mạo của nhạc thính phòng, vừa bảo đảm chuyên môn, nhưng cũng gần gũi với công chúng và có tính thương mại. Nhà sản xuất âm nhạc, nghệ sĩ kèn fagot Nguyễn Bảo Anh, người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức Symphony Anime 2023, được rất nhiều phóng viên theo dõi mảng văn hóa yêu mến bởi sự nhiệt tình trong việc cung cấp thông tin đến báo chí. Những thuật ngữ chuyên môn của âm nhạc hàn lâm, đều được ông Bảo Anh giải đáp, minh họa rất dí dỏm và dễ hiểu.

Giai đoạn còn đảm trách chức vụ Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, PGS, TS Tạ Quang Đông (hiện đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thường xuyên triển khai các hoạt động biểu diễn các nhạc cụ thính phòng tại các không gian công cộng. Một trong những nhạc cụ được “công chúng hóa” nhiều nhất chính là bộ kèn gõ, nhiều khán giả từ chỗ ngạc nhiên rồi nhanh chóng yêu thích khi chứng kiến kèn gõ không chỉ là nhạc cụ mang tính “nghi lễ” mà còn có thể chuyển tải được những giai điệu rất du dương. Đó cũng là tiền đề quan trọng cho những buổi biểu diễn kèn gõ thu hút rất nhiều khán giả, mà gần nhất là Ghibli in town đã cháy vé từ trước hai tuần khi được tổ chức hồi tháng 8. Có thể nói, tệp khán giả của âm nhạc hàn lâm đã được xây chắc và từng bước mở rộng, mở ra cơ hội cho nhiều chương trình âm nhạc hàn lâm có thể được tổ chức với màu sắc đa dạng và gần gũi với khán giả hơn nữa.