Khẳng định vị thế về đầu tư và thương mại

Với vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư, chính trị ổn định và nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế hấp dẫn trong chuỗi thương mại và đầu tư của nhiều quốc gia lớn trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Môi trường đầu tư ở Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: HẢI ANH
Môi trường đầu tư ở Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: HẢI ANH

Từ ngày 18 đến 21/3, 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong một loạt lĩnh vực công nghệ, năng lượng, hàng không, thực phẩm sẽ tới Việt Nam nghiên cứu thị trường, mở rộng đầu tư. Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ có số lượng lớn nhất từ trước tới nay đến Việt Nam.

Những kỷ lục mới

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đánh giá cơ hội cho các công ty Mỹ tại Việt Nam là rất lớn. Việt Nam và Mỹ có rất nhiều cam kết về tăng cường quan hệ kinh tế song phương sau khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ. Chính vì vậy, năm nay, USABC sẽ phá kỷ lục của chính mình về số lượng các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư và thương mại giữa hai bên.

“Trong năm ngoái, chúng tôi đã có 51 doanh nghiệp tham gia và chúng tôi có thể có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn trong năm nay. Đây là sứ mệnh song phương lớn của chúng tôi, nơi chúng tôi sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ có các cuộc hội thảo và cuộc gặp cấp kỹ thuật với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Cuối cùng, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trao đổi về các vấn đề lương thực và nông nghiệp. Và tôi nghĩ, chúng tôi có thể sẽ phá kỷ lục một lần nữa về số lượng công ty quan tâm đến Việt Nam”, ông Ted Osius cho biết.

Hiện, các doanh nghiệp Mỹ dành nhiều sự quan tâm đến Việt Nam ở ba lĩnh vực gồm công nghệ, năng lượng và chăm sóc sức khỏe. Trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ cam kết giúp Việt Nam phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn vốn là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều yếu tố, chẳng hạn lực lượng lao động có trình độ, sự sẵn sàng của những đối tác trong nước, nguồn năng lượng ổn định. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez cho biết, có 15 công ty chuẩn bị đầu tư số tiền tương đương 8 tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ lần này có thể sẵn sàng đầu tư 1 hoặc 2 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế tại Việt Nam. Đây là những cam kết được kỳ vọng sẽ sớm được hiện thực hóa nhằm thúc đẩy tiềm năng giữa hai bên.

Theo ông Ted Osius, sở dĩ các doanh nghiệp Mỹ quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam, bởi Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự ổn định, cởi mở, luôn chào đón người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ. Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và sẵn sàng giải quyết những thách thức.

Trở thành mắt xích đổi mới sáng tạo của Canada

Không chỉ với Mỹ, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ quốc gia Bắc Mỹ khác. Một trong những cam kết của Canada trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là thúc đẩy các mối quan hệ mạnh mẽ về thương mại và đầu tư với khu vực ASEAN. Kế hoạch này đang được xúc tiến thông qua việc Chính phủ Canada đã mở Phái bộ thương mại tại Indonesia, Văn phòng Nông nghiệp nông sản tại Philippines và chuẩn bị mở Văn phòng Đổi mới sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh vào mùa thu này.

Ông Nathan Andrew Nelson, Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển xuất khẩu Canada tại Việt Nam cho biết, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada trong năm 2023 đã đạt hơn 10 tỷ USD. Việt Nam hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và giá trị thương mại của hai nước liên tục tăng hơn 50% kể từ năm 2015. Mục tiêu của Canada là tăng cường thương mại với Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta có thể tăng gấp đôi giá trị thương mại trong vài năm tới. Chúng tôi hiện có khoản đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Ông Nathan Andrew Nelson cũng cho rằng, Việt Nam sẽ là một trong những ngôi sao sáng trong vòng từ 5 đến 10 năm tới. Vì vậy, việc hỗ trợ các công ty Canada vào làm ăn ở Việt Nam và ngược lại là giúp các công ty của Việt Nam đầu tư sang Canada mở ra những triển vọng rất sáng sủa cho tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa hai bên.

Đặc biệt, với vai trò là một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp Canada trong các hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài nước thông qua các giải pháp về kiến thức thương mại, vốn, bảo hiểm rủi ro và kết nối toàn cầu, việc Cơ quan Phát triển xuất khẩu Canada mở Văn phòng thường trực tại Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho các công ty Canada, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới, đầu tư vào thị trường này.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp Canada, thông qua văn phòng này, sẽ phối hợp với đối tác ở Việt Nam, mở ra triển vọng hợp tác mới trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như các lĩnh vực kinh tế giá trị gia tăng cao”. Còn theo bà Jan De Silva, đồng Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Canada - ASEAN: Việc mở Văn phòng Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo và số hóa đang phát triển nhanh chóng tại ASEAN. Việc có mặt ở đó sẽ giúp chúng tôi hiểu biết sâu sắc hơn về khu vực để có những cách đóng góp tốt nhất.

Việt Nam cũng là một đối tác quan trọng của Canada trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi mang lại nhiều cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ của nước này tiếp cận thị trường nội địa cũng như của ASEAN. Ông Remy Franzoni, Chủ tịch Tập đoàn tư vấn doanh nghiệp Engram khẳng định, việc mở văn phòng này là điều mà chúng tôi chờ đợi từ lâu. Canada đang dồn các nguồn lực để triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây cũng là sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi và Việt Nam có thể hưởng lợi từ điều này.