Khai thác thế mạnh lao động xuất khẩu về nước

Lao động Việt Nam đi xuất khẩu có ưu thế về ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc. Tận dụng lực lượng lao động này khi về nước không những bù đắp được thiếu hụt về đội ngũ nhân công có tay nghề, có trình độ hiện nay tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mà còn góp phần giảm số lao động cư trú bất hợp pháp tại các nước sở tại.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp FDI đang rất cần nguồn nhân lực có tay nghề, biết ngoại ngữ.
Các doanh nghiệp FDI đang rất cần nguồn nhân lực có tay nghề, biết ngoại ngữ.

Người lao động thiếu thông tin

Từng có hơn 10 năm làm về lĩnh vực thợ hàn tại Hàn Quốc, trở về nước từ đầu năm 2020 nhưng đến nay anh Nguyễn Trung Kiên (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) vẫn loay hoay chưa tìm được công việc phù hợp. Anh đã đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc hai đợt (một đợt

5 năm và gần nhất là 2 năm) với công việc hàn cơ khí. Công ty anh Kiên làm hoạt động trong lĩnh vực thiết bị năng lượng mặt trời và thiết bị xây dựng nên không quá yêu cầu tính thẩm mỹ, chỉ yêu cầu các sản phẩm làm ra phải chắc chắn, bảo đảm chất lượng. Trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như tự tin giao tiếp trong xưởng và giao tiếp thông thường bằng tiếng Hàn.

Khi về nước, thời gian đầu, anh Kiên rất khó khăn trong tìm việc làm vì với lao động phổ thông đã hơn 30 tuổi như anh thì khó có công ty nào nhận. Đặc biệt, tại Việt Nam còn thiếu nhiều kênh kết nối giữa lao động xuất khẩu về nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thời điểm đó ảnh hưởng bởi dịch nên nhiều công ty thu hẹp sản xuất, việc tìm kiếm việc làm càng khó khăn hơn. Cũng chính bởi vậy nên anh đành xin vào làm tại một công ty cơ khí. Tuy nhiên, công việc khá vất vả và độc hại, nên anh muốn tìm một công việc giống với công việc anh đã từng làm bên Hàn Quốc là kỹ thuật hàn.

Thời gian làm việc tại Hàn Quốc, anh Kiên cho biết, trung bình mức lương hằng tháng khoảng hơn 40 triệu đồng, thế nhưng khi về Việt Nam, anh chỉ mong muốn nhận được mức lương từ 13-15 triệu đồng mỗi tháng. Có nhiều năm đi làm xa quê, anh Kiên hy vọng sẽ sớm tìm được một công việc gần nhà, để có nhiều thời gian hơn cho gia đình, thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp tuyển dụng công nhân hàn xì đều ở xa khu vực anh đang sinh sống.

“Có một vài công ty đáp ứng được kỳ vọng về mức lương và điều kiện làm việc nhưng đều ở xa, nếu vậy dù lương có cao hơn một chút, nhưng chi phí đi lại, ăn ở, thì số tiền dư ra cũng không còn được bao nhiêu. Những người chưa lập gia đình có thể đi xa, còn khi đã có tuổi, có gia đình, từng đi làm xa lâu ngày thì chỉ muốn được làm gần nhà để ở cùng người thân”, anh Kiên chia sẻ.

Lao động này cũng cho rằng, một trong những khó khăn khi tìm việc sau khi hồi hương là bản thân đã bước qua ngưỡng tuổi “đẹp” để xin việc. “Những người có trình độ cao thì không nói, nhưng nếu với lao động phổ thông, doanh nghiệp vẫn thích tuyển những người trẻ dưới 30 tuổi, còn khi đã ngấp nghé 40 tuổi, thì cơ hội nghề nghiệp cũng ít hơn, tìm kiếm công việc phù hợp cũng khó khăn hơn nhiều”, anh Kiên nói.

Tương tự, chị Hà Thị Mai (Hà Tây, Hà Nội) cũng vừa trở về từ Hàn Quốc sau hơn 10 năm đi xuất khẩu lao động. Về nước từ cuối năm 2020, chị Hà tìm được việc chủ yếu do một vài người quen giới thiệu chứ chưa qua kênh quy mô, chính thống của Nhà nước. Nhưng gần đây, khối lượng công việc ít, hiện chị vẫn đang nghỉ để tìm kiếm một công việc ổn định, lâu dài hơn.

Từng có kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc hơn 10 năm với các công việc văn phòng, trợ lý với vốn tiếng Hàn tốt, nên chị Mai mong muốn tìm được công việc liên quan đến phiên dịch tại xưởng cho các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam song cũng gặp không ít khó khăn. “Hầu hết các doanh nghiệp đều yêu cầu các vị trí phiên dịch xưởng có Topik 4, 5, nhưng vừa học vừa làm, nên tôi chỉ có thể giao tiếp và viết được, lại không thi lấy bằng nên không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp”, chị Mai cho biết.

Một trong những khó khăn khác chị Hà Thị Mai gặp phải khi tìm việc là sự thiếu hụt thông tin: “Tôi chỉ tìm kiếm trên mạng, Facebook hoặc qua người quen giới thiệu, nên cũng không biết được nhiều thông tin tuyển dụng, thậm chí không biết chỗ nào đang tuyển để nộp đơn xin việc”, chị Mai nói.

Khai thác thế mạnh lao động xuất khẩu về nước ảnh 1

Chủ sử dụng lao động người Hàn Quốc trực tiếp phỏng vấn các ứng viên.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, sinh năm 1996 cũng mong muốn tìm cho mình một công việc phù hợp sau thời gian làm việc tại Nhật Bản. Theo đó, Thắng đi xuất khẩu lao động từ năm 2017 và về nước vào tháng 3/2022. Công việc của Thắng là gia công kim loại, thu nhập mỗi tháng dao động khoảng từ 25 - 30 triệu đồng. Trở về Việt Nam, Thắng mong muốn tìm được công việc đúng ngành nghề bên Nhật Bản ở các doanh nghiệp FDI, cụ thể là vị trí nhân viên kỹ thuật, mức lương dao động từ 10-20 triệu đồng. “Với 5 năm học hỏi cách làm việc, văn hóa của người Nhật, về Việt Nam tôi tự tin làm được công việc với mức thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng”, Thắng khẳng định.

Cũng theo Thắng, nhiều lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng đều có tâm lý muốn ở lại Nhật Bản làm việc tiếp, bởi chưa biết khi trở về nước có tìm được việc làm phù hợp hay không.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản tăng cao. Nếu các cơ quan chức năng chỉ đưa ra hình thức xử phạt mà không xây dựng được một chương trình tuyển dụng, tạo việc làm khi người lao động về nước thì khó giảm được số lao động bỏ trốn tại Nhật Bản nói riêng và các thị trường xuất khẩu lao động nói chung.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, từ đầu năm đến thời điểm giữa tháng 6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người. Cụ thể, Nhật Bản có 32.053 lao động, Hàn Quốc là 1.209 lao động. Còn tính từ năm 1992, hơn 350.000 lượt người lao động tới Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh IM Japan, thu nhập 1.200 - 1.400 USD và có hơn 120.000 lượt lao động sang Hàn Quốc làm việc (hiện 90% số lao động đang làm việc theo chương trình EPS), thu nhập cao, trung bình 1.400 - 1.800 USD/tháng.

Doanh nghiệp vất vả tìm người

Thực tế, cung và cầu giữa lao động xuất khẩu về nước và các doanh nghiệp chưa thật sự gặp nhau trên thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp đang rất vất vả tìm lao động có kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản vì đối tượng lao động này vừa có nghề, vừa có “tiếng”.

Bà Hoàng Thị Chín, Phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Sản phẩm Ricoh Iamging (Việt Nam) chuyên sản xuất phụ kiện, ống kính máy ảnh cho biết, hiện doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 lao động phổ thông, độ tuổi từ 18-35 cùng nhiều vị trí khác như nhân viên kỹ thuật sơn, nhân viên kỹ thuật sửa chữa, nhân viên IQC, IT, phiên dịch tiếng Anh, tiếng Nhật. Ngoại trừ lao động phổ thông, thì các vị trí khác đều yêu cầu ứng viên có ngoại ngữ tiếng Nhật hoặc tiếng Anh cùng trình độ chuyên môn chắc, mức lương sẽ được thỏa thuận theo năng lực của ứng viên.

Bà Hoàng Thị Chín cho biết, dù đã tuyển dụng qua nhiều kênh, thậm chí trả phí cho một số kênh tuyển dụng chuyên nghiệp song vẫn rất khó để tìm được ứng viên phù hợp. “Một số ứng viên có kỹ thuật nhưng nếu ngoại ngữ kém cũng không đáp ứng được yêu cầu và ngược lại nhiều ứng viên ngoại ngữ tốt nhưng lại không có chuyên môn về lĩnh vực mà công ty sản xuất. Nhiều lao động từng xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, có trình độ tiếng Nhật khá tốt, nhưng phần lớn lại chỉ thành thạo phần nói, phần đọc, viết rất hạn chế, nếu không có chuyên môn về các mảng kỹ thuật đang tuyển thì công ty cũng chỉ có thể nhận vào làm lao động phổ thông”, bà Chín cho hay.

Bà Phạm Thị Luân, Công ty TNHH Visang Việt Nam chuyên đào tạo tiếng Hàn trực tuyến và kết nối nhân sự thành thạo tiếng Hàn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho biết, đang có nhu cầu tuyển dụng hai vị trí gồm trợ giảng tiếng Hàn và nhân viên vận hành lớp học. Số lượng tuyển cho hai vị trí này không nhiều, nhưng dù thông qua nhiều kênh tuyển dụng khác nhau đến nay vẫn chưa tìm được ứng viên phù hợp.

Đối tượng ưu tiên tuyển dụng của công ty là người thành thạo về tiếng Hàn hoặc có kinh nghiệm trong giáo dục tiếng Hàn, nên những lao động từng làm việc ở Hàn Quốc về nước sẽ có một lợi thế lớn vì đã có những hiểu biết và trải nghiệm nhất định về văn hóa, nhưng điểm khó là nhiều ứng viên khả năng giao tiếp, nghe nói tốt, nhưng khả năng viết hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu”, bà Luân cho biết.

Theo bà Phạm Thị Luân, hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết tiếng Hàn của các công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam là tương đối lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang khó khăn trong tuyển dụng, do các ứng viên có nhu cầu tìm việc liên quan lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chủ yếu ở các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang hay các tỉnh, thành phố nhỏ hơn… Do đó việc tìm kiếm ứng viên gặp nhiều khó khăn hơn.

Khai thác thế mạnh lao động xuất khẩu về nước ảnh 2

Đông đảo người đi xuất khẩu lao động về nước tham gia phiên giao dịch việc làm ngày 21/7.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thừa nhận, sẽ rất khó để có sự tiệm cận giữa cung và cầu lao động, đây là quy luật chung của thị trường. Song để kết nối lao động với doanh nghiệp nói chung và lao động xuất khẩu nước ngoài về nước nói riêng, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp cùng các địa phương lân cận tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc về nước làm việc. “Sau dịch Covid-19, một lượng rất lớn lao động quay trở về nước, băn khoăn lớn nhất của người lao động là liệu có tìm được công việc phù hợp tay nghề, trình độ và mức lương thỏa đáng hay không? Khi trực tiếp trao đổi ý kiến với người lao động, có thể thấy nhiều người còn băn khoăn khi thu nhập tại nước bạn lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng khi về Việt Nam mức lương lại thấp hơn nhiều, nếu mãi loay hoay tìm mức lương tương đương là rất khó. Khi về nước, người lao động phải chấp nhận mặt bằng lương chung trong nước. Đây cũng là rào cản tâm lý của nhiều lao động khi về nước”, ông Thành cho biết.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lưu ý: “Người lao động trở về từ nước ngoài đôi khi còn thiếu những thông tin về thị trường lao động trong nước, do đó khi tìm kiếm việc làm, để tránh bị lừa đảo hay các “bẫy việc làm”, người lao động có thể tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố để được hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp uy tín”.

Cầu nối hữu ích

Mới đây, ngày 21/7, tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến giữa ba tỉnh: Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Nam.

Tại phiên giao dịch việc làm, chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Huế, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH AG TECH cho biết, công ty có kế hoạch tuyển dụng nhân viên phiên dịch và nhân viên quản lý. Do đó tại phiên giao dịch việc làm công ty mong muốn sẽ tìm được lao động gắn bó với công ty và đáp ứng được những yêu cầu đề ra của công ty. Qua trao đổi, phỏng vấn trực tiếp, chị Huế đánh giá rất cao năng lực của các lao động tham gia phỏng vấn. “Tôi đánh giá rất cao các ứng viên đã tham gia phỏng vấn, hầu hết ứng viên đều có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn. Cùng đó, các bạn đều làm các ngành liên quan chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành của công ty”, bà Huế cho hay.

Mong muốn tuyển dụng thêm 20 cộng tác viên để phát triển sản phẩm của công ty, bà Trần Huyền Linh, đối tác phát triển sản phẩm thị trường Công ty TNHH Coway Vina cho rằng, đội ngũ người lao động trở về từ Hàn Quốc có ưu thế rất lớn khi tham gia phát triển sản phẩm của công ty cũng như tiếp cận với khách hàng là người Hàn Quốc. “Công ty phát triển Coway tại Việt Nam là chính, do đó khi các bạn có trình độ tiếng Hàn sẽ thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sản phẩm vì thông tin và chương trình đào tạo của công ty mẹ bằng tiếng Hàn Quốc rất nhiều. Cùng đó, các bạn hiểu được thương hiệu, chất lượng của sản phẩm Hàn Quốc nên cách tiếp cận, truyền tải tới khách hàng tại Việt Nam sẽ có lợi hơn so các bạn đang làm tại Việt Nam”, bà Linh cho hay.

Có thể khẳng định, việc tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến giữa ba tỉnh: Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Nam là hoạt động thiết thực trong bối cảnh nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp cũng như người lao động đang bức thiết. Chương trình đã mở ra các cơ hội việc làm cho người lao động sau khi về nước và giúp các doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của công ty.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế đang dần hồi phục sau Covid-19. Ngay từ đầu năm, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động. Tính đến ngày 15/7/2022, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 137.326 lao động, đạt 85,8% so với kế hoạch; ước tăng 13,5% so với cùng kỳ 2021.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giao dịch việc làm, phỏng vấn kết nối trực tuyến giữa các điểm/sàn vệ tinh trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như sàn giao dịch việc làm các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Đây là cơ hội cho người lao động nói chung cũng như lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước có được cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình, nhằm ổn định cuộc sống.

“Trong những năm qua đã có hơn 100.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước. Qua thời gian làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, những người lao động này không chỉ có tay nghề cao mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công hoặc đảm nhiệm những vị trí làm việc quan trọng trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn có nhiều lao động khác gặp khó khăn trong tìm kiếm một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm. Do vậy, việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc nói chung và ở Hàn Quốc nói riêng có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh.

Phiên giao dịch việc làm tổ chức ngày 21/7 vừa qua đã thu hút 53 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản cùng gần 200 người lao động, thực tập sinh đã từng làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, thông qua phiên giao dịch việc làm các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng được những lao động tốt đáp ứng yêu cầu công việc. Người lao động cũng tìm được công việc phù hợp. Gửi gắm tâm tư tới những lao động chuẩn bị sang Hàn Quốc làm việc, ông Hồng mong muốn người lao động sẽ chăm chỉ làm việc, trau dồi kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tiếng Hàn, tích lũy vốn cũng như kiến thức để sau này trở về quê hương khởi nghiệp, làm giàu tại quê hương hoặc tìm được những công việc có mức thu nhập cao sau khi về nước.

Khai thác thế mạnh lao động xuất khẩu về nước ảnh 3

Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động về nước.

Bà Kim Yoon Hye, Ủy viên Lao động và việc làm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, trong số 16 quốc gia đang phái cử người lao động sang Hàn Quốc làm việc, Việt Nam là quốc gia có số lượng người lao động đưa sang làm việc đông nhất, khoảng 130.000 người. Quan hệ giao lưu nhân lực giữa Việt Nam và Hàn Quốc tới nay đã được 30 năm, trong quãng thời gian đó, nguồn nhân lực đi làm việc tại Hàn Quốc và trở lại Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng. Nguồn nhân lực này có tìm được công việc ổn định cuộc sống ở quê nhà cũng là một vấn đề quan trọng đặt ra.

Với vai trò là Ủy viên Lao động và việc làm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, bà Kim Yoon Hye hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như người lao động tại Hàn Quốc trở về có nhiều phiên giao dịch việc làm, từ đó có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau hơn nữa.

Ông Nishizawa Hidekazu, Trưởng Văn phòng IM Japan tại Việt Nam cho biết, Chương trình IM Japan đã được triển khai từ 30 năm trước. Chương trình đào tạo của IM Japan thường kéo dài từ 3-5 năm, mặc dù thời gian không dài nhưng trong khoảng thời gian này, các lao động trẻ được học hỏi kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng, phát huy tại quê nhà, xây dựng sự nghiệp sau khi về nước. “Tôi mong muốn các công ty tham gia phiên giao dịch việc làm hôm nay sẽ tham khảo và tuyển dụng thực tập sinh của IM Japan vì các thực tập sinh trong quá trình học tập tại Nhật Bản đã được học kiến thức, cách làm việc, cách suy nghĩ của người Nhật Bản. Chúng tôi nghĩ rằng những kiến thức, kinh nghiệm này sẽ được người lao động áp dụng hiệu quả vào các công ty, không chỉ có công ty Nhật Bản”, ông Nishizawa Hidekazu nhấn mạnh.

Tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ngày 21/7, bà Kim Yoon Hye, Ủy viên Lao động và việc làm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: “Tôi đánh giá nguồn nhân lực trở về từ Hàn Quốc là nguồn nhân lực rất quý báu. Hầu hết họ đều biết tiếng Hàn Quốc cũng như học hỏi được kỹ thuật bên Hàn Quốc trong quá trình lao động, làm việc. Thông qua phiên giao dịch việc làm hôm nay tôi cũng nghĩ rằng, đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc có thể tìm được nhân lực phù hợp nhu cầu của công ty mình”.