Kiên Giang nhọc nhằn chống hạn, mặn

Thời gian qua, nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhiều tuyến kênh, hồ nước ngọt ở Kiên Giang cạn kiệt, trơ đáy, gây ra sụt lún, sạt lở nhiều nơi. Người dân ven biển và biên giới thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tỉnh đang nỗ lực huy động các lực lượng cùng người dân “gồng mình” qua mùa hạn, mặn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cấp nước ngọt cho ngư dân.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cấp nước ngọt cho ngư dân.

Chắt chiu từng lít nước ngọt

Từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, tỉnh Kiên Giang hầu như không xuất hiện mưa. Theo dự báo, từ nay đến giữa tháng 5 vẫn tiếp tục thời kỳ cao điểm nắng nóng. Thời kỳ nắng nóng đỉnh điểm tập trung vào từ nửa cuối tháng 4 này.

Những ngày này, người dân xóm Cao Miên, ấp Rọ Ghe, xã Đông Hưng A, huyện An Minh phải đi mua từng thùng nước sạch về sinh hoạt hằng ngày do nước dưới kênh bị nhiễm mặn, nước ngọt từ nhà máy không đến được. Cứ 2 ngày một lần anh Danh Sáu, ở xóm Cao Miên, ấp Rọ Ghe phải dùng vỏ máy mua nước cách nhà khoảng 1 km. 6 thùng B (mỗi thùng 20 lít) và 1 thùng phi nhựa 60 lít, tức gần 200 lít nước ngọt mua với giá 50 nghìn đồng, anh Danh Sáu cho biết: “Trước Tết tôi có 9 lu xi-măng dự trữ nước mưa dùng cho ăn uống, còn việc tắm, giặt thì sử dụng nước ao, đìa. Tuy nhiên, năm nay, do nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập, hiện tôi chỉ còn 2 lu chứa nước mưa để uống, còn nước trong ao đìa, dưới kênh độ mặn lên đến gần 40 phần nghìn, không thể sinh hoạt được nên phải đi mua nước từ những hộ dân có đồng hồ nước với giá cao”.

Gia đình chị Phạm Thị Mỹ Khanh, ngụ cùng xã Đông Hưng A cũng không tiếp cận được nguồn nước do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Kiên Giang cung cấp. Nhà 5 người, để có nước sạch sinh hoạt, 2 ngày/lần chồng chị phải đi mua nước lại của người khác. Với 6 can, mỗi can 30 lít chỉ dùng để tắm giặt, rửa chén, dùng tiết kiệm 2 ngày là hết nước. Chị Khanh cho biết, gia đình cũng có 9 lu xi-măng trữ nước mưa nhưng cũng không đủ dùng cho nấu ăn, nước uống trong đợt nắng nóng này.

Chủ tịch UBND xã Đông Hưng A Hồ Minh Song cho hay, toàn xã có 2.094 hộ dân. Năm 2020, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Kiên Giang đã kéo nước sạch về các tuyến kênh, rạch chính như: Kênh Chống Mỹ, rạch Rọ Ghe, rạch Xẻo Đôi, rạch Thuồng Luồng, với tổng số 1.350 hộ/2.094 hộ, đạt 64,4% số hộ có nước sạch sử dụng. “Hiện còn 744 hộ dân phân tán trên địa bàn 8 ấp của xã Đông Hưng A vẫn chưa có nước sạch, đang chờ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Kiên Giang đầu tư vào giai đoạn 2. Riêng ấp Rọ Ghe có 352 hộ thì 120 hộ không có đồng hồ nước”, ông Song nói.

Hệ lụy sạt lở

Không chỉ địa bàn ven biển, hơn nửa tháng nay nhiều hộ dân các huyện, thành phố tuyến biên giới của tỉnh Kiên Giang như huyện Giang Thành, TP Hà Tiên rơi vào cảnh thiếu nước ngọt sử dụng. Ông Trần Văn Hùm, ngụ phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên cho biết, 6 giờ 30 phút hằng ngày, ông đều đẩy xe chở 10 can nhựa (loại 30 lít/can) lấy nước ngọt cho 3 người trong gia đình dùng. “Cảnh này đã diễn ra từ sau Tết đến nay, 10 can nước chỉ sử dụng tối đa trong một ngày rưỡi. Không có nước máy, bà con xoay qua nước giếng, nhưng năm nay hạn quá nên nước giếng cũng cạn luôn”, ông Hùm than thở.

Do nắng nóng kéo dài, mực nước trên các kênh của khu vực vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang dài khoảng 60 km đã cạn nước. Mực nước trong vùng đệm thấp so mặt đường đến 5 m, gây sụt lún, sạt lở nhiều nơi. “Nhà tôi thuê đất cất tạm để bán rau củ, quả bị sụt hoàn toàn. Trước đó, nhận thấy căn nhà hơi nghiêng, cả nhà tôi đã di chuyển đồ đi nơi khác, đến sáng hôm sau thì toàn bộ nhà bị sập. May mắn là cả nhà ra ngoài sớm, không ai bị thương tích”, chị Trương Hồng Nga, ngụ xã An Minh Bắc kể.

Tính đến 22/4, trên địa bàn huyện U Minh Thượng có 379 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài hơn 9,2 km đường. Sạt lở làm thiệt hại 35 căn nhà... Địa phương phải lắp đặt 98 đèn chiếu sáng, mở 34 đường tạm và giăng dây cảnh báo sạt lở ở 363 điểm để cảnh báo các phương tiện lưu thông. Đặc biệt, tại 20 ấp của huyện U Minh Thượng, với 37 tuyến đường có đặt biển cấm, giảm tải trọng, cấm lưu thông...

Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã nhiều lần điều tàu và cán bộ, chiến sĩ chở nước ngọt từ thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cấp miễn phí cho bà con, lực lượng vũ trang trên các đảo của Kiên Giang, Cà Mau và tàu cá của ngư dân đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Tây Nam. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: “Chúng tôi chở nước ngọt đến các đảo cấp miễn phí cho dân; đồng thời tặng hàng nghìn bình nước lọc và nhiều phần quà ý nghĩa khác cho ngư dân, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên các đảo”.