Tăng tính minh bạch tuyển sinh đầu cấp

Theo đại diện ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng mạnh. Dự kiến số lượng học sinh vào lớp 1 tăng 7.000; học sinh vào lớp 6 tăng 58.000; học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 (so với năm học 2023-2024).
0:00 / 0:00
0:00
Tăng tính minh bạch tuyển sinh đầu cấp

“Cuộc đua” tuyển sinh đầu cấp

Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.875 trường học và 2,3 triệu học sinh mầm non, phổ thông. Cùng với đó, Thủ đô còn có khoảng 1 triệu sinh viên đang theo học tại 120 trường đại học, cao đẳng. Trung bình mỗi năm Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh; tương ứng phải xây 30 - 40 trường mới có thể đáp ứng đủ chỗ học. Năm học 2023 - 2024, Hà Nội đã xây mới 36 trường học các cấp.

Mong muốn cho con theo học trường công lập nhưng anh Nguyễn Trọng Đạt, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại quận Đống Đa (Hà Nội) vẫn không quên được hình ảnh phụ huynh, học sinh chật vật tìm trường vào mùa tuyển sinh năm ngoái. “Mặc dù muốn con vào được trường công học để có mức học phí phù hợp với kinh tế gia đình, song khi nghĩ lại thời điểm tuyển sinh năm học 2023 - 2024 tôi vẫn lo. Gia đình phải tính toán trước để con học trường nào cho phù hợp, đề phòng thêm cả phương án con trượt trường công nữa. Bởi vì nhìn vào số lượng học sinh năm nay tăng, sự cạnh tranh đương nhiên là quá lớn”, anh Đạt băn khoăn.

Nỗi lo về sức ép tuyển sinh đầu cấp còn đến với chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, phụ huynh tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) có con năm nay vào tuổi học mầm non. “Nếu trường công lập không được xây mới trong khi đó học sinh ngày càng đông thì hiện tượng các phụ huynh phải chen chúc, bốc thăm giành giật suất học cho vào trường mầm non công lập sẽ lại diễn ra”, chị Oanh chia sẻ.

Năm học 2024-2025, Hà Nội dự kiến tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1, 160.000 học sinh vào lớp 6, 81.200 học sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, 51.800 học sinh vào các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường nghề có giảng dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Đối với lớp 1 và 6, các nhà trường tiếp tục duy trì hai hình thức tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp. Với mục tiêu tăng minh bạch, nghiêm túc và giảm vất vả cho gia đình học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến khích phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến thông qua Cổng thông tin tuyển sinh tại địa chỉ http://tsdaucap.hanoi.gov.vn. Những năm qua, tỷ lệ hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tuyến ở các cấp học đều đạt hơn 80%, trong đó có nhiều trường, nhiều địa phương đạt 90% đến 100%. Điều này cho thấy ưu thế của hình thức này.

Dù hình thức tuyển sinh trực tuyến đã áp dụng vài năm nay, nhưng với không ít phụ huynh thì khá mới bởi lần đầu có con đi học hoặc nhiều năm mới có con chuyển cấp. Nhằm giúp phụ huynh học sinh làm quen, tránh sai sót khi điền dữ liệu, vào nửa đầu tháng 6 tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức cho phụ huynh tập dượt hai lần trên hệ thống. Phụ huynh lưu ý mốc thời gian này để không bỏ lỡ cơ hội tập dượt với hệ thống trước khi chính thức đăng ký.

Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh phải đăng nhập vào hệ thống đăng ký tuyển sinh trực tuyến đúng thời gian quy định của từng độ tuổi, để bảo đảm được hệ thống ghi nhận đăng ký thành công. Cụ thể, nếu có con vào lớp 1, phụ huynh đăng ký từ ngày 1 đến hết ngày 3/7; nếu con vào trường mầm non thì đăng ký từ ngày 4 đến hết ngày 6/7; nếu con vào lớp 6 thì đăng ký từ ngày 7 đến hết ngày 9/7. Trong trường hợp chưa đăng ký trực tuyến thành công, phụ huynh học sinh trực tiếp đến trường làm thủ tục từ ngày 13 đến ngày 18/7.

Căng thẳng chỗ học

So với năm học trước, quy mô học sinh đầu cấp ở các độ tuổi đều tăng. Với mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho học sinh, ngành GD&ĐT Hà Nội cam kết chủ động dự báo tình hình, xây dựng bổ sung phòng, trường học và điều chỉnh tuyến tuyển sinh theo số lượng học sinh cụ thể ở từng địa bàn.

Quận Hà Đông dự báo số lượng học sinh vào mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2024-2025 tăng 3.000 học sinh so với năm học trước. Trưởng phòng GD&ĐT quận Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, quận đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm 7 đơn nguyên cho các trường; xây thêm một trường THCS ở phường Hà Cầu nhằm giảm tải cho trường THCS hiện có ở phường này và ở một số phường lân cận như Nguyễn Trãi, Phú La, Quang Trung…

Toàn quận Hà Đông hiện có 138 trường học. Với số lượng học sinh hằng năm đều tăng, nên nhiều năm qua, quận đều xây thêm trường học và điều chỉnh tuyến tuyển sinh ở các phường để bảo đảm mọi học sinh có chỗ học và không phải di chuyển quá xa. Dương Nội là phường hiện có nhiều trường nhất với 16 trường công lập, nếu tính cả trường tư thục là 21, song dự báo số lượng học sinh địa bàn này tiếp tục tăng nên quận dự kiến sẽ điều chỉnh tuyến tuyển sinh tại địa bàn này. Quận dự kiến sẽ tổ chức phân tuyến lại cho khoảng 50% số phường.

Cho dù, học sinh đầu cấp của Hà Nội tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn mỗi năm nhưng một số quận, huyện lại rơi vào tình trạng thiếu học sinh nếu tuyển sinh đúng địa bàn. Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, sự gia tăng dân số cơ học gây nên tình trạng quá tải cục bộ tại các trường thuộc Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, ở một số quận nội thành, nếu tuyển sinh đầu cấp theo địa bàn phường, nhiều trường thiếu học sinh. Điều này được lý giải bởi sự già hóa dân số ở vùng lõi của Hà Nội, tỷ lệ sinh thấp, không có chung cư cao tầng được xây dựng ở trung tâm.

Từ thực tế này, ông Cương nhấn mạnh việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp cần được điều chỉnh sao cho hợp lý hơn, không để tình trạng nơi tuyển sinh không đủ, lãng phí cơ sở vật chất, nơi cha mẹ phải bốc thăm để có một suất học công lập cho con. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh, hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao; bảo đảm số học sinh trên một lớp đúng quy định góp phần đẩy mạnh kế hoạch công nhận trường chuẩn quốc gia.

Đây là năm thứ hai thực hiện việc bỏ sổ hộ khẩu giấy theo quy định tại Luật Cư trú, thông tin từ cơ quan công an các cấp cũng cho biết sẽ hỗ trợ các nhà trường, không để xảy ra tình trạng vướng mắc về sử dụng dữ liệu thông tin cư trú khi đăng ký tuyển sinh. Trong trường hợp cần xác định lại thông tin cư trú của học sinh, nhà trường liên hệ với công an địa phương để giải quyết, không gây phiền hà cho phụ huynh.

Liên quan nội dung này, Sở lưu ý các trường không yêu cầu cha mẹ học sinh phải cung cấp giấy xác nhận thông tin cư trú. Các trường có trách nhiệm thông báo công khai chỉ tiêu tuyển sinh và tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Sở sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh của 30 quận, huyện, thị xã (trong đó có tuyến tuyển sinh của từng trường) vào ngày 18/5 để phụ huynh học sinh nắm rõ.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, để giải bài toán tuyển sinh đầu cấp phải xuất phát từ việc bổ sung trường, lớp. “Việc mở trường ở các khu ngoại thành để thu hút học sinh, giãn bớt mật độ dân số ở các vùng nội thành cũng là một trong số các giải pháp có thể thực hiện”, ông Lâm đề xuất.

Được biết, năm học 2024-2025, Hà Nội đã dành ngân sách hơn 21.000 tỷ đồng cho tất cả các trường công lập nâng chuẩn, xây dựng trường mới và xây bổ sung phòng học, trong đó có 8 trường liên cấp từ tiểu học đến THPT có quy mô hiện đại, rộng từ 5 ha trở lên.