Định hướng nghề nghiệp hiệu quả

Đã đến thời điểm các em học sinh lớp 12 chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Nhiều em không tránh khỏi lo lắng, mơ hồ khi phải lựa chọn trường đại học (ĐH) cũng như nghề nghiệp cho tương lai. Làm thế nào để định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp được hiệu quả?
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn lựa chọn ngành nghề tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM
Tư vấn lựa chọn ngành nghề tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM

Băn khoăn lựa chọn nghề nghiệp

Là học sinh lớp 10 của trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), em Nguyễn Quốc Bảo vẫn còn khá mông lung khi được hỏi về việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Có khả năng về các môn xã hội (văn, sử) nhưng gia đình lại muốn em theo học ngành công nghệ, vì vậy ngay từ khi vào lớp 10, em đã rất vất vả lựa chọn các môn tổ hợp để theo học.

Khác với Quốc Bảo, em Nguyễn Trung Anh, học sinh Trường THPT Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang ở giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và bước vào đại học. “Hiện tại em cũng chưa có dự định cụ thể gì cho nghề nghiệp tương lai, nhưng em đang dự định theo học ngành công nghệ thông tin và mong muốn được làm công việc có liên quan tới ngành này”, Trung Anh nói. Em cho biết mình lựa chọn ngành nghề theo đam mê của bản thân và nắm bắt xu thế chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, em rất tự tin với lựa chọn của mình. “Theo đuổi những công việc mà bản thân có tiềm năng phát triển sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện phát huy năng lực”, Trung Anh nói.

Không lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải làm trái ngành, trái nghề hoặc ra trường, chạy theo tâm lý đám đông, cứ nghề nào dễ kiếm tiền là làm việc. Hậu quả là lãng phí kiến thức được đào tạo, tốn kém tài chính của gia đình.

Trường hợp anh Lê Trọng Nghĩa (TP Nam Định), cử nhân ngành Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) khi ra trường lại bắt đầu với nghề chạy xe ôm công nghệ với mong muốn kiếm được công việc có thu nhập tốt và chủ động thời gian làm việc. Giờ đây, khi công việc này không còn đem lại thu nhập tốt, anh Nghĩa thấy tiếc vì trước đây đã từ chối công việc văn phòng để chạy xe ôm công nghệ. Thời điểm mới vào nghề, thu nhập bình quân của anh Nghĩa vào khoảng 500.000 - 600.000 đồng/ngày, nếu chịu khó có thể kiếm 12 - 15 triệu đồng/tháng.

“Ai cũng tưởng nghề này “ngon” và tôi đã phải bỏ những công việc khác để lao vào chạy xe công nghệ. Thực tế, không có thứ gì dễ dàng có được mà lại không phải đánh đổi. Nếu hồi đó tôi nhận việc văn phòng thì bây giờ không đến nỗi. Hiện tại, những tài xế cũ như tôi không còn được các ứng dụng xe công nghệ ưu ái nên công việc trở nên rất vất vả. Từ đầu năm 2023, thu nhập từ nghề chạy xe bắt đầu sụt giảm. Mỗi ngày, tôi phải chạy ngoài đường không dưới 10 giờ đồng hồ bất kể nắng mưa”, nam tài xế trẻ tuổi nói. Thu nhập giảm, công việc quá lao lực anh nghỉ ngang, liên tục thay đổi các công việc khác từ phục vụ, bán hàng, tiếp thị… để xoay xở cuộc sống.

Chị Nguyễn Thúy Lan (Đống Đa, Hà Nội) từng tốt nghiệp Học viện Tài chính, chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp ra trường, chị lại lựa chọn công tác tại lĩnh vực truyền thông - marketing. Chị Lan thừa nhận, thời điểm chọn ngành nghề trước khi vào bậc đại học, chị không có định hướng cụ thể, chủ yếu chọn trường hot, trường tốp đầu. “May mắn là kỹ năng ngoại ngữ ở bậc đại học cũng giúp ích cho công việc hiện tại của mình”, chị Lan nói.

Chị Lan, anh Nghĩa không phải là trường hợp duy nhất làm trái ngành, trái nghề hiện nay. Cứ đến mỗi mùa tuyển sinh, điều khiến phụ huynh, học sinh băn khoăn là làm sao chọn được ngành học phù hợp để sau 4 - 5 năm học tập, ra trường, con họ có thể tìm công việc đúng chuyên ngành.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, học đại học hiện nay đã có nhiều thay đổi, đó là đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực. Điều này tạo điều kiện tốt để sinh viên có một nền tảng rộng.

Bà Thủy khuyên các em học sinh, sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, tự học để có thể học tập suốt đời. Các em hãy học vì sự phát triển của chính bản thân, phải đóng góp cho gia đình, làm thay đổi những gì còn chưa tốt cho xã hội thay vì chỉ học để có bằng cấp. Ngoài ra, nếu các em học thêm yếu tố về công nghệ, học kỹ năng mềm có thể áp dụng trong lĩnh vực theo đuổi, đào sâu nghiên cứu chuyên sâu thì khi bước ra xã hội có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn rất nhiều. “Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất cho mỗi học sinh, sinh viên phương pháp để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề”, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Định hướng nghề nghiệp hiệu quả ảnh 1

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh phổ thông. Ảnh: AN NHƯ

Cơ sở cho việc chọn hướng học tập nghề nghiệp

Chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) đã đề cập rõ rệt hơn về công tác hướng nghiệp. Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Ở giai đoạn giáo dục cơ bản - cấp tiểu học, THCS (từ lớp 1 đến lớp 9), học sinh được trang bị tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp - cấp THPT (từ lớp 10 đến lớp 12), lại là giai đoạn nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT cũng quy định, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân. Vậy trong thực tế, các em học sinh và gia đình đang lựa chọn nghề nghiệp theo hướng nào?

PGS, TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 12 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống – NXB Giáo dục Việt Nam) cho biết, quán triệt những yêu cầu cần đạt của mạch nội dung hướng nghiệp trong chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 12, sách giáo khoa đã có những nội dung nhằm hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh trước ngưỡng cửa đại học và công việc trong tương lai. Trong đó, các em có thể tìm hiểu về xu hướng phát triển nghề nghiệp ở xã hội hiện đại và rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các em cũng được giúp lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp.

Để đưa ra lời khuyên cho học sinh lớp 12 khi lựa chọn công việc phù hợp, PGS, TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân là vô cùng quan trọng, góp phần giúp các em thành công và hạnh phúc trong cuộc đời. Vì vậy, các em cần nắm được xu hướng phát triển nghề nghiệp trong xã hội hiện đại và phân tích được những thông tin cơ bản về thị trường lao động, nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; đồng thời phân tích được các thông tin nghề nghiệp, thông tin về các cơ sở đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở tự xác định những phẩm chất, năng lực, hứng thú, sở trường của bản thân phù hợp với ngành, nghề nào đó, các em học sinh cũng cần tham khảo ý kiến của gia đình, thầy cô giáo, chuyên gia… làm cơ sở cho việc chọn hướng học tập nghề nghiệp để đưa ra được các quyết định lựa chọn nghề, nhóm nghề hoặc lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp.

Tiếp đó, các em cần xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện một số phẩm chất, năng lực phù hợp nghề định lựa chọn; đồng thời chuẩn bị tâm lý thích ứng với môi trường làm việc hoặc học tập tương lai, tâm thế sẵn sàng bước vào thế giới nghề nghiệp, sẵn sàng tham gia và hòa nhập với lực lượng lao động xã hội. “Các em cũng cần có bản lĩnh vượt qua những trở ngại trong quá trình thực hiện đam mê, theo đuổi nghề yêu thích để có thể tự tin về bản thân và tự tin với định hướng nghề nghiệp của mình”, PGS, TS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống và Xã hội, cho rằng, hiện nay, hầu hết các ngành nghề sinh viên theo học đều khó tìm được việc làm hoặc có tìm được việc làm nhưng nguồn thu nhập bấp bênh. Nếu trước đây, phần lớn doanh nghiệp phụ thuộc vào người lao động, thì nay với thời đại công nghệ, máy móc phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp cơ cấu lại theo lao động số hóa và lao động sức người ngày càng bị thu hẹp. PGS, TS Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh, thời gian sắp tới chắc chắn thị trường lao động sẽ được điều chỉnh, cung cầu sẽ cân bằng nhau. Tuy nhiên, chính vì thị trường lao động thay đổi, người lao động cần thích ứng với những yêu cầu mới, tích lũy nhiều kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết để có thể chuyển từ nghề này sang nghề khác, không gò bó mình vào chỉ một nghề, hoặc chỉ với nghề được đào tạo.