Theo AP, lễ ký kết giữa Bộ trưởng Đường bộ và phát triển đô thị Iran Mehrdad Bazrpash và Bộ trưởng Cảng biển và vận tải Ấn Độ Sarbananda Sonowal đã diễn ra tại thành phố Chabahar. Buổi lễ được truyền thông nhà nước Iran truyền hình trực tiếp. Phát biểu ý kiến tại lễ ký, Bộ trưởng Bazrpash nhấn mạnh, cảng Chabahar có thể đóng vai trò là đầu mối trong phát triển vận tải của khu vực. Ông cũng bày tỏ vui mừng với việc ký thỏa thuận này, đồng thời nhấn mạnh hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của Ấn Độ.
Về phần mình, Bộ trưởng Sonowal nêu rõ, Iran và Ấn Độ đang tìm cách phát triển cảng Chabahar, có tính đến lợi ích của hai bên trong việc cùng nhau tiếp cận thị trường khu vực. Hợp đồng dài hạn này tượng trưng cho sự tin tưởng lâu dài và quan hệ đối tác hiệu quả giữa hai nước.
Theo Bộ Đường bộ và phát triển đô thị của Iran, cảng Chabahar nằm trên Ấn Độ Dương, gần biên giới phía đông nam của Iran giáp Pakistan. Thỏa thuận mới sẽ cho phép Ấn Độ sử dụng cảng này trong 10 năm. Trong khuôn khổ của thỏa thuận, Công ty liên doanh India Ports Global Limited (IPGL) Ấn Độ sẽ đầu tư 370 triệu USD cho việc cung cấp trang thiết bị và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của cảng Chabahar.
Năm 2013, Ấn Độ cam kết đầu tư 100 triệu USD phát triển cảng Chabahar. Biên bản ghi nhớ về phát triển cảng Chabahar của Ấn Độ đã được ký vào tháng 5/2015. Sau đó, hợp đồng được ký kết vào ngày 23/5/2016, tại Tehran (Iran) trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Iran.
Cảng Chabahar được xem là một mắt xích chiến lược trên tuyến vận tải nối Ấn Độ Dương, vịnh Ba Tư với biển Caspi và đi tiếp đến Bắc Âu, qua thành phố St.Petersburg ở Nga. Chabahar là cảng nước sâu gần với Ấn Độ nhất, có vị trí thuận lợi để các tàu chở hàng lớn tiếp cận dễ dàng và an toàn. Cảng Chabahar cũng mang đến cho Ấn Độ một tuyến đường thay thế để giao thương với Afghanistan và Trung Á, trong bối cảnh Pakistan từ chối cho phép Ấn Độ tiếp cận các khu vực này bằng đường bộ. Điều này cũng góp phần mở ra những cơ hội kinh tế đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, cảng Chabahar cũng là một phần của Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC) đang được thiết lập, khi hoàn thành sẽ nối Ấn Độ với Trung Á, vùng Vịnh và châu Âu. Ước tính các chuyến hàng đi qua INSTC sẽ mất ít hơn khoảng 15 ngày so tuyến qua kênh đào Suez. Do đó, cảng Chabahar cũng được coi là cửa ngõ để khai thác tiềm năng thương mại của Ấn Độ với các nước châu Âu.
Đây là lần đầu Ấn Độ tiếp quản quyền quản lý một cảng ở nước ngoài. Điều này cũng sẽ có tác động thúc đẩy thương mại giữa Ấn Độ, Iran và Afghanistan khi các nỗ lực tiếp tục khai thác trực tiếp tiềm năng ở Trung Á (không bao gồm nước láng giềng Pakistan). Ấn Độ và Iran dự kiến cảng này sẽ là trung tâm chính của INSTC - dự án vận tải đa phương thức dài 7.200 km nhằm vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu.
Trong bối cảnh các tuyến hàng hải đi qua kênh đào Suez đang gặp nguy hiểm vì các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa cũng như các vụ tấn công của cướp biển Somalia, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar nêu rõ: “Đối với một nền kinh tế lớn như Ấn Độ, chỉ có một hoặc hai hành lang kết nối là chưa đủ”. Do đó, việc phát triển cảng Chabahar không chỉ nhằm tăng cường thương mại khu vực mà còn giúp cả Ấn Độ và Iran bớt phụ thuộc vào những tuyến hàng hải truyền thống, vốn dễ bị tổn thương trước những biến động của tình hình quốc tế, chẳng hạn như cuộc xung đột Israel-Hamas hiện nay.