Italy kiềm chế tác động của giá năng lượng tăng cao

Chính phủ Italy vừa thông qua dự thảo ngân sách năm tài khóa 2023, trong đó dành một khoản lớn cho việc kiềm chế tác động của giá năng lượng tăng cao. Với kết quả này, người dân “đất nước hình chiếc ủng” có thể phần nào vơi bớt nỗi lo lạm phát.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp năng lượng sẽ được Chính phủ Italy giảm thuế. Ảnh: BLOOMBERG
Các doanh nghiệp năng lượng sẽ được Chính phủ Italy giảm thuế. Ảnh: BLOOMBERG

Thông qua ngân sách năm 2023

Chính quyền của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2023, trong đó dành 35 tỷ euro (35,8 tỷ USD) vào việc kiềm chế tác động của giá năng lượng cao và cắt giảm thuế cho những người làm công ăn lương, lao động tự do. Trong dự thảo ngân sách mới, Chính phủ Italy dự kiến chi 21 tỷ euro để giúp các công ty và gia đình thanh toán tiền điện và khí đốt, đồng thời cắt giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số mặt hàng thiết yếu như sữa, bánh mì, các sản phẩm dành cho trẻ em…

Một phần của kế hoạch ngân sách còn nâng mức đánh thuế đối với những người kinh doanh tự do có thu nhập hằng năm từ 65.000 euro hiện nay lên 85.000 euro. Với việc thông qua ngân sách năm 2023 một cách đoàn kết và suôn sẻ trong chính phủ, nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy hy vọng việc tăng chi tiêu sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phục hồi nhanh hơn và người dân yên tâm làm việc trong thời buổi bão giá bao phủ toàn cầu.

Bộ Tài chính Italy cho biết, hơn 33% khoản hỗ trợ bổ sung trên sẽ được dùng để gia hạn chương trình giảm thuế cho các doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng đến cuối năm 2022. Bên cạnh đó, chính sách cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu cũng được gia hạn đến hết tháng 12 tới. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ và bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp, Italy cho phép các công ty thanh toán hóa đơn năng lượng bằng hình thức trả góp 36 đợt theo một chương trình bảo lãnh của nhà nước, trong trường hợp không trả được nợ. Quốc gia ven bờ Địa Trung Hải cũng sẽ bỏ đánh thuế đối với các khoản thu nhập tăng thêm của người lao động để hỗ trợ người dân thanh toán hóa đơn năng lượng, với mức hỗ trợ tối đa 3.000 euro/ người.

Chính phủ Italy cũng vừa công bố gói hỗ trợ mới trị giá 9,1 tỷ euro nhằm giúp người dân và các doanh nghiệp trong nước vượt qua bão giá năng lượng. Khoản hỗ trợ mới này sẽ bổ sung cho gói 66 tỷ euro mà chính quyền của cựu Thủ tướng Mario Draghi phân bổ trong năm nay nhằm giúp giảm áp lực chi trả hóa đơn năng lượng tăng vọt cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ chương trình tăng sản lượng khí đốt và nguồn dự trữ năng lượng cho mùa đông sắp tới.

Italy kiềm chế tác động của giá năng lượng tăng cao ảnh 1

Tình trạng bão giá đang lan rộng tại Italy. Ảnh: THE LOCAL

Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Một kế hoạch khác của Chính phủ Italy được đánh giá có thể sẽ làm tăng nợ công nhưng lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân. Đó là, chính quyền tăng nguồn vay tài chính nhằm bổ sung nguồn lực giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế Giancarlo Giorgetti cho biết, điều này giúp Italy có thêm 21 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân vượt qua cơn bão giá năng lượng. Theo ước tính của Bộ Tài chính, các biện pháp hỗ trợ trên sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Italy tăng lên 5,6% so mức 5,1% như dự báo trước đó. Ngoài ra, Chính phủ Italy cũng thu được khoảng ba tỷ euro từ khoản thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty năng lượng được hưởng lợi từ giá dầu và khí đốt tăng. Với tỷ lệ từ 33% trở lên, mức thuế trên sẽ tuân theo một khung do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.

Một nguồn tài chính nữa là rút ngắn chương trình trợ cấp lương cho người dân lên tới chín tỷ euro trong năm 2023, tiến tới bãi bỏ hoàn toàn chương trình này vào năm 2024. Dự thảo ngân sách này sẽ cần phải được cả hai viện trong Quốc hội Italy thông qua trước khi gửi tới giới chức Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm nay để kiểm tra xem liệu các quy định trong ngân sách của quốc gia bên bờ Địa Trung Hải có tuân thủ quy tắc tài chính của khối hay không.

Italy cũng vừa được EC giải ngân gói hỗ trợ thứ hai trị giá 21 tỷ euro. Gói hỗ trợ này được EC trích từ Quỹ phục hồi hậu đại dịch NextGenerationEU, giúp Italia tiếp tục triển khai Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (NRRP) sau dịch Covid-19.