Hãy là người lao động để viết về công nhân

Công nhân - người lao động là lực lượng quan trọng, góp phần làm nên diện mạo xã hội. Việc viết về mảng đề tài này trong đời sống hiện nay là một đòi hỏi nhiều thách thức dấn thân, thấu hiểu. Cuộc thi sáng tác về đề tài Công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp một số ban, bộ, ngành và Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện vừa được trao giải. Các tác giả đạt giải cao chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm vui nhận giải.
Niềm vui nhận giải.

Cuộc thi được phát động từ ngày 23/11/2021 đến 30/8/2023 nhằm động viên, tạo cơ hội để các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên, người lao động trong và ngoài nước sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống, việc làm của người công nhân; khích lệ, động viên công nhân hăng say lao động đổi mới, sáng tạo. Cuộc thi đã nhận được hơn 400 truyện ngắn và 86 tiểu thuyết dự thi. Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất.

Nhà văn Nguyễn Trí (Giải nhất với tiểu thuyết “Hoa xương rồng”):

“Phải hóa thân thành người lao động”

Công nhân và công đoàn là chủ đề mãi mãi quan trọng vì xu thế tất yếu của cuộc sống. Muốn đất nước đứng lên vững mạnh và đời sống người dân ngày một tiến lên thì công nghiệp hóa là tất yếu. Nhà văn muốn viết hay, chính xác về công nhân một cách trung trực, trước hết phải hóa thân thành người lao động, chứ không thể nghe kể hay nhìn mà có thể thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của giai cấp công nhân để viết nên những tác phẩm tốt được.

Nhà báo Trịnh Thị Phương Trà (Giải nhất với truyện ngắn “Con đường của Hạ”):

“Tôi đã gặp những ước mơ đơn sơ của công nhân môi trường”

Đây là một mảng đề tài lớn, nếu “cày xới” sâu thì sẽ rất thú vị. Tuy nhiên, viết về công nhân, tổ chức công đoàn không dễ nếu như không có kiến thức, vốn sống, không có trải nghiệm thực tế. Để viết truyện ngắn mà nhân vật chính là một phụ nữ quét rác, tôi đã đi thâm nhập thực tế, gặp gỡ, trò chuyện với các công nhân vệ sinh môi trường, tìm hiểu về công việc của họ, cuộc sống của họ, những ước mơ rất đơn sơ của họ. Có một chút khó khăn, khi tôi không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà báo, ngày ngày viết tin, bài trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Để có thể sáng tác truyện ngắn trong khoảng thời gian ít ỏi, tôi phải “tách mình” ra. Nghĩa là khi khép lại các tin, bài cho báo, ngồi trước máy tính, ngồi trước “Con đường của Hạ”, tôi phải viết văn, phải là một nhà văn. Nếu không tách ra được, thì rất có thể, “Con đường của Hạ” sẽ giống như một ký sự nhân vật, hoặc một bài viết người tốt, việc tốt, chứ không phải là một tác phẩm văn chương.

Nhà văn Tống Phước Bảo (Giải nhì với truyện ngắn “Nước mắt Mặc Nưa”):

“Nắm bắt sự thay đổi của đội ngũ”

Sự phát triển và thay đổi nào cũng bắt buộc phải tác động, ảnh hưởng đến mọi thứ. Khi đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì kéo theo sự thay đổi của cả xã hội chứ không riêng đội ngũ công nhân. Dĩ nhiên công nhân sẽ là tầng lớp đầu tiên phải thay đổi theo sự thích nghi vận hành từ lao động tay chân sang máy móc, từ không chuyên nghiệp, chuyên môn hóa phải nâng cấp bản thân lên những chuyên môn riêng biệt… Nhưng chúng ta thấy, công nhân bây giờ biết tư duy công nghiệp hơn, sản lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và thu nhập tính ra ổn định, khấm khá hơn.

Riêng với ngành nghề thủ công truyền thống thì cũng bắt đầu phải chuyển mình để phù hợp thời thế. Từ thủ công hoàn toàn, chúng ta có thể chuyển đổi sang bán thủ công. Những công đoạn nào máy móc làm được, chúng ta vận dụng để dần thay thế sức người và cho năng suất ra thành phẩm tốt hơn. Những công đoạn cần sự tỉ mỉ, đôi tay khéo léo hoặc kỹ thuật chuyên biệt thì chúng ta làm thủ công sẽ có tính độc đáo của sản phẩm truyền thống. Thay đổi để thích nghi, ứng biến để hoàn thiện. Chỉ có điều này mới phù hợp để phát triển cùng sự hiện đại hóa và công nghiệp hóa của ngày nay.

Nhà thơ Phạm Đức Long (Giải ba với tiểu thuyết “Gái nông trường”):

“Là công nhân nông trường suốt mấy mươi năm”

Sau năm 1975, những vùng đất còn hoang vu như ở Tây Nguyên, Nam Bộ, nhiều đơn vị khai thác tiềm lực của đất nước và nhân lực của người dân, mở mang rất nhiều nông trường quốc doanh trên những vùng đất mới, góp phần thúc đẩy sản xuất, giữ vững an ninh nông thôn vùng sâu, vùng xa, đưa tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp… Các giai đoạn này, vai trò của nông trường quốc doanh là rất lớn. Và những người công nhân nông trường ngày ấy chính là những con người đi khai hoang với biết bao nỗi niềm vừa hân hoan mong chờ một cuộc sống mới, lại vừa không khỏi khắc khoải nỗi niềm vì rời xa bản quán. Đấy là nơi tôi được làm nghề trong mấy mươi năm, nên ngoài vốn sống thực tế thì những con người, những số phận của những cô gái nông trường ngày ấy đã trở thành những hình tượng ám ảnh, nên lúc đặt bút cứ thế tự nhiên viết ra”.

Tác giả Viên Nguyệt Ái (Giải khuyến khích với truyện ngắn “Bán mặt trong lòng đất”):

“Viết bằng lời kể của mẹ”

Không ít người cho rằng đề tài công nhân, công đoàn khá khô cứng, và khó thể hiện bằng văn chương. Chính bởi thế, có thể một số tác giả sẽ ngập ngừng, chưa thật đủ đầy tự tin khi chấp bút, trong đó có tôi. Việc viết được về đề tài này đòi hỏi các tác giả phải thực tế sáng tác, tiếp cận tích cực, xâm nhập sâu và thậm chí dấn thân trải nghiệm như một người trong cuộc để có chất liệu viết tốt nhất, khách quan và chuẩn xác.

Nhưng, không phải ai cũng có cơ hội để làm điều này, như tôi, bởi căn bệnh liệt toàn thân nên bằng trí tưởng tượng và qua lời kể của mẹ mình - một công nhân môi trường, tôi viết nên tác phẩm. Cơ sở cho tôi bám vào đó chính là sự gần gũi của đề tài này, bởi những người công nhân lao động dường như hiện diện khắp mọi ngóc ngách đời sống, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh của họ. Vì sự giản dị, đời thường ấy, tôi cho rằng ở góc độ cảm hứng và tinh thần thì các tác giả có thể ghi nhận, đồng cảm, viết về những con người ấy và công việc của họ.