Ca sĩ Balin:

“Hãy hát tiếng dân tộc mình”

Tiếng dân tộc thiểu số là thành phần quan trọng tạo nên bản sắc dân tộc. Ở Tây Nguyên, chàng trai trẻ Balin đã tìm ra cách độc đáo gìn giữ, phát huy tiếng Jrai của mình qua các ca khúc song ngữ (Jrai - Việt).
0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Balin (bên phải) cùng đồng nghiệp trong nắng gió cao nguyên.
Ca sĩ Balin (bên phải) cùng đồng nghiệp trong nắng gió cao nguyên.

Phóng viên (PV): Được biết, anh đã khá thành công khi cover các ca khúc đạt hàng chục triệu lượt xem trên YouTube. Lý do gì khiến anh chuyển hướng sáng tác bằng tiếng dân tộc?

Ca sĩ Balin: Trước kia tôi hát vì đam mê, hát bằng bản năng vốn có, khi cover các ca khúc được nhiều người biết đến, tôi rất vui, nhưng cũng nhận ra nếu cứ đi cover, dù hát hay đến mấy, cũng chỉ là cái bóng. Tôi mày mò học nhạc và những giai điệu cứ nhảy nhót trong đầu, thế là tôi tập sáng tác. Bài hát đầu tiên tôi viết về những điều đã đi qua. Sau khi hoàn thành phần melody, tôi chợt nhớ đến những làn điệu dân ca bằng tiếng Jrai ngày còn bé từng nghe người già hát. Chợt nhận ra, thế hệ mình không còn mấy ai để ý đến nữa. Thậm chí tiếng nói, chữ viết cũng dần mai một. Tôi điền một mạch những câu chữ bằng ngôn ngữ Jrai cho phần lời của bài hát. Sau khi khá ưng ý, tôi lại nhận ra rằng, nếu chỉ hát tiếng dân tộc Jrai của tôi thì sẽ chỉ những người Jrai nghe và hiểu, mà trên cộng đồng mạng đa dạng này lại có đầy đủ các dân tộc anh em, cả những kiều bào ở nước ngoài. Thế là tôi lại mày mò dịch sang tiếng Kinh (Việt). Ca khúc đầu tiên tôi viết ra đời như thế và mang tên tiếng Jrai là “R’Ngot A dơi” (Nhớ em).

PV: Sáng tác của anh thường hướng đến khán giả trẻ. Anh cảm nhận như thế nào về sự tiếp nhận của họ?

Ca sĩ Balin: Ca khúc “R’Ngot A dơi” đã được nhiều bạn trẻ yêu thích. Họ đã cover lại với niềm say mê. Trong những lễ hội, buổi tiệc, đám cưới của buôn làng, họ hay hát lại ca khúc đó như một điều rất đỗi thân quen khiến tôi vui lắm! Không chỉ người trẻ đâu nhé. Các già làng cũng rất thích nghe. Họ có lời khen ngợi và động viên tôi rằng, cháu hát như thế các ông, bà mới hiểu. Chứ ông bà ít học, tiếng Việt không biết nói, không biết nghe nên không hiểu bọn trẻ hát gì.

Giờ trong buôn làng, các bạn trẻ hầu như ai cũng có điện thoại thông minh nên việc tiếp nhận âm nhạc là phổ biến nhất. Âm nhạc là không biên giới. Họ sẽ thích ca khúc của tôi nếu nó hay (cười). Thật may là các bài hát song ngữ (Jrai - Việt) của tôi được các bạn trẻ yêu thích. Khi họ nghe thấy tiếng dân tộc mình rất hay, thú vị thì họ tự tin hơn, yêu tiếng dân tộc của mình hơn và sẵn sàng thể hiện nó ở mọi nơi, mọi lúc.

PV: Khi sáng tác song ngữ, những thuận lợi và khó khăn của anh là gì?

Ca sĩ Balin: Người Tây Nguyên rất yêu âm nhạc và âm nhạc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên cũng rất đa dạng, phong phú trong đó có dân tộc Jrai của tôi. Tôi được sinh ra ở vùng đất này, nơi những đứa trẻ lớn lên đã thấm nhuần những điệu dân ca. Hơn nữa, thuận lợi khi sáng tác song ngữ là tiếng Jrai rất dễ nghe, có cách phát âm rất nhẹ nhàng.

Cái khó đầu tiên là tôi phải tự mày mò học, do hoàn cảnh không thuận lợi, phải bươn chải mưu sinh do cha mất, mình mẹ phải nuôi mấy anh em nên tất cả tôi phải tự học. Còn khó khăn lớn nhất chính là việc viết và dịch. Do tiếng Jrai có rất nhiều thanh bằng, mà trong một bản nhạc thì nhiều nốt cao phải dùng thanh trắc. Khi dịch ra tiếng Việt cũng vậy, những chữ tiếng Việt đúng nghĩa với tiếng Jrai đôi khi không cùng dấu nên tôi phải tìm từ cùng dấu và sát nghĩa nhất, nên một bài song ngữ chỉ chuẩn tương đối về nghĩa giữa hai tiếng.

PV: Trước anh, ở Tây Nguyên đã có vài nhạc sĩ sáng tác song ngữ, anh có nhận xét gì về những sáng tác của họ khi so sánh với sáng tác anh?

Ca sĩ Balin: Hiện tại, tôi biết rõ có nhạc sĩ Phi Ưng người Ba Na, công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai thường xuyên sáng tác nhạc song ngữ. Trước đó có NSND Y Moan, nhạc sĩ Y Phon Ksor (người Ê Đê) ở Đắk Lắk, nhạc sĩ Krajan Plin, Krajan Djck (người K’Ho) ở Lâm Đồng... Các nhạc sĩ đi trước có chuyên môn cao, được học bài bản ở các trường nghệ thuật chuyên nghiệp và đặc biệt họ rất tài năng. Tôi không dám so sánh mình với họ, bởi hiện tại, ngoài niềm đam mê và vẫn còn đang học hỏi thêm thì những sáng tác của tôi chỉ chủ yếu đến từ cảm xúc.

PV: Thông điệp anh muốn chia sẻ trong các sáng tác song ngữ của mình?

Ca sĩ Balin: Ngoài những giá trị lưu truyền, gìn giữ tiếng dân tộc Jrai thì tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ dân tộc thiểu số mọi miền đất nước rằng: Đừng ngại mang tiếng mẹ đẻ của mình vào trong bài hát, đừng ngại hát tiếng của dân tộc mình, bởi tiếng mẹ đẻ rất đẹp, gắn liền với văn hóa của một dân tộc.

PV: Cảm ơn anh, chờ mong nữa nhiều ca khúc hay!

Ca sĩ Balin tên thật là Rơ Châm Blinh, sinh năm 1994 tại làng Mrong Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai. Anh nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài hát cover đạt hàng chục triệu lượt xem. Balin đã sáng tác hàng chục ca khúc song ngữ, trong đó phải kể đến những bài hát nổi bật như: “R’ngot Adơi” (Nhớ em), “Khắp Adơi na nao” (Yêu em mãi mãi), “Do cang adơi” (Vẫn đợi em)…