Gỡ thẻ vàng phải đi liền phát triển bền vững

Mục tiêu gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) vào năm ngoái đã không đạt được. Dự kiến vào tháng 10 tới đây, Đoàn Thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam để kiểm tra lần thứ tư. Liệu thẻ vàng có được gỡ vào lần đánh giá này?
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác hải sản. Ảnh: Việt Tiến
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác hải sản. Ảnh: Việt Tiến

Trong khuôn khổ phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào ngày 15/8 vừa qua, câu hỏi nóng hổi trên lại được đặt ra với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Ðo độ sẵn sàng của ngành thủy sản

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong việc thực hiện các quy định của pháp luật gắn với khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng.

Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển: Tính đến nay, thiết bị giám sát hành trình (VMS) lắp đặt trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý.

Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm: Giảm đáng kể các vụ việc tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; từ năm 2020 đến nay đã xử phạt hơn 4.000 vụ, tổng số tiền xử phạt khoảng 110 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố đã tăng cường xử phạt các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm về VMS… Điển hình, ngày 25/4/2023, tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định xử phạt đối với một chủ tàu cá về 27 hành vi vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hơn 2,8 tỷ đồng và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung theo quy định.

Việc thực hiện kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) về tổng thể cũng đã có sự cải thiện tốt hơn so trước.

Về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác theo khuyến nghị của EC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase. Theo đó, đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017. Đến tháng 12/2022, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên (giảm 9.789 chiếc so năm 2019); trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15 m (giảm 1.206 chiếc so năm 2019)…

Bên cạnh những kết quả tích cực, còn không ít tồn tại, hạn chế. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại một số địa phương còn yếu, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ; số lượng tàu cá còn lớn dẫn đến cường lực khai thác chưa cân bằng với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; thực hiện việc đăng ký tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS chưa hoàn thành theo quy định; tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm tỷ lệ cao,…

Mục tiêu cuối cùng

Gỡ thẻ vàng thủy sản là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Tại Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác IUU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động, quyết liệt trong hành động để hoàn thành việc khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC, chuẩn bị chu đáo nội dung và điều kiện để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ tư. Phải kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Trước đó, ngày 13/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg Ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định". Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Kế hoạch là khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh. Hiện nay, mới chỉ có 9/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập tổ chức kiểm ngư địa phương.

Tại phiên chất vấn ngày 15/8 mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trữ lượng trung bình nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 3,95 triệu tấn, trong khi sản lượng khai thác khoảng 3,68 triệu tấn (năm 2022), vượt quá giới hạn cho phép khai thác. EC cho rằng, với cường độ khai thác đó, tài nguyên thủy sản sẽ bị suy giảm nhanh chóng. Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, cùng với khai thác thì phải nuôi trồng. Đây là biện pháp giải quyết cho bà con giảm khai thác hoặc tự nguyện giảm khai thác. Khi đẩy mạnh được nuôi trồng, sẽ giảm được đội tàu khai thác. Tuy nhiên, vấn đề này đang vướng quy hoạch về không gian biển. Quá trình xây dựng các quy định về chống khai thác IUU chúng ta đều có tham vấn từ phía EC, nhưng họ chưa tin tưởng việc thực thi ở các địa phương. Gần 60% số vụ việc vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan thực trạng tàu cá vi phạm trên biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không vừa không đủ sức răn đe, vừa không có sự chuyển đổi. "Ta hay nghĩ rằng người ta nghèo mà phạt nặng quá thì tội nghiệp người ta. Nhưng chúng ta không biện minh cái nghèo với EC được nữa. Họ cần chúng ta hành động", Bộ trưởng Hoan giải trình.

Thời hạn tháng 10 đang tới gần, ngành thủy sản Việt Nam thể hiện quyết tâm hành động để gỡ được thẻ vàng. Mục tiêu cuối cùng của Việt Nam là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Đó là cách gỡ thẻ vàng bền vững nhất. Thông điệp này được người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định tại phiên giải trình.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn, thì câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân đánh bắt chưa thể chấm dứt.