Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ đạt kỷ lục mới với khoảng 780 tỷ USD (ảnh chụp tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng). Ảnh | TRẦN HẢI
Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ đạt kỷ lục mới với khoảng 780 tỷ USD (ảnh chụp tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng). Ảnh | TRẦN HẢI

Với độ mở ngày càng lớn của nền kinh tế, Việt Nam đã phải chịu nhiều áp lực lạm phát tăng cao, điển hình là giá xăng dầu, nguyên, vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và nhận định Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu".

Lạm phát vẫn dưới mục tiêu

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. Kết quả này cho thấy, mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4% gần như chắc chắn trong tầm tay.

Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều biến động, việc kiềm chế, kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng dưới 4% trong năm 2022 được đánh giá là một sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của các cơ quan điều hành.

TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên Học viện Tài chính, đánh giá: "Mặc dù thời gian qua, giá cả của nhiều hàng hóa, đặc biệt là xăng dầu, mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đều tăng, nhưng kiềm chế lạm phát của chúng ta tương đối tốt. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của nhiều bộ, ngành cũng như của cả nền kinh tế".

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng Cục Thống kê cũng cho rằng, đây là sự thành công trong kiểm soát lạm phát, giữ lạm phát thấp hơn so với mục tiêu. Lạm phát thấp giúp cho môi trường vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho đầu tư, cho sản xuất.

"Con số lạm phát này rất có ý nghĩa trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao. Trong khi lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn cao nhất trong 40 năm qua thì càng thấy được ý nghĩa tích cực của con số lạm phát 11 tháng là 3,02%" - ông Lâm nhận định.

Giá cả ổn định cũng tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng của người dân và nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng qua đã đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Giao thương thông suốt và tăng trưởng cũng có nghĩa là hàng hóa, sản xuất cũng gia tăng. Chỉ số công nghiệp toàn ngành đã tăng 8,6%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần 57.000 doanh nghiệp và hơn 137.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) Tyler Cheung cho rằng, kết quả này là nhờ Việt Nam kiểm soát tốt ba nhóm hàng lớn nhất trong rổ tính chỉ số giá CPI, thước đo lạm phát. Giá lương thực thực phẩm (chiếm 1/3 rổ tính CPI), đặc biệt là giá thịt heo và giá gạo được kiểm soát tốt nhờ Việt Nam có thể tự cung cấp, do đó tránh được rủi ro gia tăng lạm phát từ nhập khẩu như các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực đang gặp phải.

Dù năm 2022, chỉ số CPI đã có thể được kiểm soát tốt, nhưng theo các chuyên gia áp lực lạm phát vẫn còn đó.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, thời gian tới, tác động của đà tăng giá đầu vào sẽ rõ rệt hơn với CPI. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang trong lộ trình tăng lương và giá các dịch vụ hàng hóa Nhà nước quản lý như điện, giáo dục, y tế... Điều này khiến lạm phát của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong năm 2023.

TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, các cơ quan điều hành và địa phương nên tiếp tục kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm và không nên đồng loạt tăng học phí, giá dịch vụ y tế trên khắp cả nước. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục duy trì sự phối hợp hài hòa và linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, để vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vừa góp phần kiểm soát tốt lạm phát.

Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục

Cũng theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 673,82 tỷ USD, vượt con số 668,54 tỷ USD của cả năm 2021. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4%; có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, bức tranh xuất khẩu rất lạc quan khi 11 tháng năm 2022 đã có thêm 2 mặt hàng đạt trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD là phương tiện vận tải và phụ tùng cùng nhóm hàng thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay: "Một năm xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ở mức 31%, có thể nói là khá bất ngờ. Kết quả này đến từ nhu cầu thực phẩm sau dịch của các nước đều tăng một cách đáng kể, đồng thời, bên doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã có sự chuẩn bị và kiên trì theo đuổi các thị trường, sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu".

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu để sản xuất hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu cũng tăng cao (chiếm 93,6%). Trong 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước mức xuất siêu chỉ đạt 0,6 tỷ USD.

Thêm một tin vui đối với bà con và với lĩnh vực xuất khẩu, một nông sản Việt là quả bưởi tươi được xuất khẩu vào Mỹ - thị trường khó tính bậc nhất hiện nay. Bưởi là trái cây thứ bảy của nước ta được phép nhập khẩu vào Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Hiện tại, các ngành hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đang vào giai đoạn nước rút để về đích. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể đạt 55 tỷ USD, vượt mục tiêu Chính phủ giao.

Các chuyên gia dự báo, mặc dù tốc độ xuất nhập khẩu có chậm so với tốc độ ổn định cả năm, nhưng năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt kỷ lục mới với khoảng 780 tỷ USD. Đây là bước đệm để Việt Nam đạt con số kỳ vọng khoảng 1.000 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2025.

Kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023. Trong đó, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu", dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN. Fitch Ratings giữ xếp hạng Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB và dự báo tăng trưởng Việt Nam 2022 là 7,4%...

Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch. Xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, sa thải lao động.

Thực trạng thị trường chứng khoán, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đang thật sự thử thách niềm tin các nhà đầu tư. Doanh nghiệp phải đối mặt với các kênh dẫn vốn ngày càng eo hẹp.

Tại phiên họp Chính phủ trong tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Đồng thời, khai thác tốt thị trường nội địa, đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, đặc biệt là vấn đề vốn cho doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản...