Giữ lấy điệu múa sênh tiền - mõ lộn

Hoành Sơn là một làng thuần nông thuộc xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, được biết đến là làng cách mạng trong lịch sử, giàu truyền thống văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Trong kho tàng văn hóa dân gian của làng, hiện đang lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa, trong đó phải kể đến điệu múa sênh tiền - mõ lộn.
0:00 / 0:00
0:00
Một điệu múa sênh tiền - mõ lộn.
Một điệu múa sênh tiền - mõ lộn.

1/Các cụ cao niên trong làng kể lại, không ai nhớ điệu múa sênh tiền - mõ lộn có từ bao giờ, nhưng chỉ biết điệu múa ấy được diễn xướng trong các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống của làng.

Ông Vũ Hữu Nghị, người luôn nặng lòng lưu giữ điệu múa sênh tiền - mõ lộn cho biết: Từ xưa được xem biểu diễn sênh tiền - mõ lộn luôn là niềm háo hức trông đợi. Tuy nhiên đã có một thời gian dài múa sênh tiền - mõ lộn đã không được diễn xướng trong các buổi giao lưu văn nghệ, lễ hội truyền thống của làng. Năm 2003, tôi và một số anh, chị em trong làng đã bàn nhau khôi phục lại điệu múa nhằm lưu giữ, phát huy, lan tỏa đến thế hệ trẻ.

Giới thiệu về điệu múa, ông Nghị cho biết: Múa sênh tiền - mõ lộn là điệu múa dân gian gồm 13 người trong đó có: 1 trống cái, 2 người mõ, 2 sênh tiền kéo, 2 sênh tiền mõ và 2 vai phụ. Ban nhạc hỗ trợ: sáo trúc, nhị đàn, đàn măng đô lin, đàn ghitar, hoặc đàn organ. Về y phục, sênh tiền mõ mặc áo đen, đai vàng, sênh tiền kéo mặc áo trắng, quần xanh, đai đỏ, đầu chít khăn mầu, chân đi giày vải.

Giữ lấy điệu múa sênh tiền - mõ lộn ảnh 1

Đội sênh tiền - mõ lộn trong lễ hội truyền thống.

2/Hiện nay, vào các dịp làng tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ, lễ hội truyền thống 6/3, điệu múa sênh tiền - mõ lộn lại được diễn xướng. Đây cũng là điệu múa thường được biểu diễn trước khi bắt đầu các hoạt động khác nên được coi như màn khai hội. Khi múa các thành viên xếp theo hình ngũ giác, lấy trống cái làm trọng tâm hoặc xếp theo hình dọc thành hai hàng, các thành viên nhịp nhàng điều khiển sênh tiền đưa lên, đưa xuống kết hợp với các động tác lắc cổ tay và chân nhún nhảy theo tiếng nhạc. Các điệu múa thể hiện tinh thần lao động hăng say, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Thời gian một lần múa kéo dài từ 10-15 phút.

Anh Bùi Trọng Phúc, thành viên đội sênh tiền - mõ lộn cho biết: Tôi đi làm ăn tại Hải Phòng, tuy nhiên mỗi dịp làng tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống của làng tôi lại về tham gia cùng với các thành viên trong đội múa sênh tiền - mõ lộn nhằm lưu giữ giá trị văn hóa của điệu múa đến thế hệ mai sau.

Chị Vũ Thị Ngọc, làng Hoành Sơn, xã Thụy Văn chia sẻ: Mỗi dịp làng tổ chức giao lưu văn nghệ, hoặc dịp lễ hội truyền thống của làng, tôi rất thích xem điệu múa sênh tiền - mõ lộn. Các thành viên trong đội trình diễn rất nhịp nhàng khiến người xem luôn thích thú, phấn khởi, tiếng nhạc, tiếng sênh tiền giúp chúng tôi quên đi vất vả của cuộc sống thường nhật.

Điệu múa sênh tiền - mõ lộn đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân làng Hoành Sơn. Đó không chỉ là nghệ thuật trình diễn mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người xem, nơi cố kết cộng đồng làng xã, nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương mà cha ông ta để lại.