Nhà thơ Xuân Thiêm:

Giản dị từ câu thơ đến đời sống

Nhà thơ Xuân Thiêm là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, luôn tâm niệm, từ câu thơ đến đời sống đều phải hết mình, giữ được sự giản dị. Vừa nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, ông chia sẻ với Thời Nay về những năm tháng hoạt động cách mạng và viết văn, làm thơ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Xuân Thiêm và con gái.
Nhà thơ Xuân Thiêm và con gái.

Phóng viên (PV): Xin chúc mừng nhà thơ Xuân Thiêm được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật với trường ca “Xuôi dòng Nậm Na” và truyện thơ “Người trai Bình Định”. Hai tác phẩm này ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa ông?

Nhà thơ Xuân Thiêm: Cuốn truyện thơ “Người trai Bình Định” xuất bản năm 1959, đây là tập sách dẫn tôi vào con đường văn chương chuyên nghiệp. Trước đó, tôi đi công tác ở Khu V, được nghe Chính ủy kể chuyện suốt ba ngày về Anh hùng Ngô Mây (ở Bình Định) và Anh hùng Nguyễn Phú Vị (ở Hà Nội). Tôi được giao nhiệm vụ viết văn cơ, nhưng tôi đã viết theo thể loại truyện thơ về cả hai, song cuốn “Người trai Bình Định” đã được chọn in. Còn “Xuôi dòng Nậm Na” là trường ca kể lại một đoạn đời của Anh hùng quân đội Phan Tư, chiến sĩ thuộc Trung đội 51 - đơn vị được giao nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na, mở tuyến đường thủy phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ lòng quả cảm và tài trí thông minh, anh đã xung phong làm nhiều nhiệm vụ quan trọng, giúp Trung đội hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Ông viết trường ca, truyện thơ về người thật việc thật, là những anh hùng, những sự kiện lịch sử, hẳn phải có cách nào đó để tác phẩm không bị khô, làm giảm giá trị của thơ?

Nhà thơ Xuân Thiêm: Phải dồn tinh lực, cảm xúc vào mỗi câu mỗi chữ, thì tác phẩm mới dễ đi vào lòng người, được bạn đọc đón nhận. Điều quan trọng nữa là khi sáng tác phải luôn tôn trọng độc giả. Cũng xin chia sẻ thêm, năm 1999 tập thơ trữ tình “Giữa khoảng trời mây bông” được NXB Quân đội nhân dân in và phát hành. Đây là tác phẩm thể hiện sự chuyển biến trong sáng tác của tôi, định hình về thơ tôi. Ở tập này, tôi quan sát nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn.

PV: Từ ngày Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập (năm 1957), đến nay đã trải qua hơn 60 năm, ông đánh giá thế nào về sự lớn mạnh của Hội?

Nhà thơ Xuân Thiêm: Ngày xưa không nhiều nhà văn, nhà thơ, song mỗi người đều có khả năng gây dựng vị trí của mình trong lòng bạn đọc bằng tác phẩm. Bây giờ Hội Nhà văn đông hơn rất nhiều rồi, đó là điều rất tốt. Tôi mong các nhà văn, tác giả có thêm nhiều sáng tác hay hơn, chuyên nghiệp hơn. Ngày xưa, hoạt động văn học của tôi hình thành trong quá trình làm công tác tuyên huấn, báo chí, nhất là giai đoạn 30 năm liên tục sống trong quân ngũ. Là lính nên có chút liều mạng, tôi đã thử sức trên nhiều lĩnh vực: viết văn xuôi, kịch bản phim, nghiên cứu văn hóa dân gian, làm thơ, dịch thơ. Nhưng tôi thấy làm thơ là hạnh phúc nhất.

PV: Trong những năm tháng vừa hoạt động cách mạng, vừa thực tế sáng tác, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?

Nhà thơ Xuân Thiêm: Vào năm 1965-1966, tôi cùng anh em, đồng đội đi thực tế sáng tác ở đảo Bạch Long Vĩ, trong chuyến công tác vô cùng gian nan này, tôi đã sáng tác được 10 bài thơ, 10 lời thơ để nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc, hai kịch bản để nhà văn Hoàng Văn Bổn dựng kịch. Những năm đó, đế quốc Mỹ đánh bom vô cùng ác liệt, song tôi đã không thể ngờ nó lại ác liệt hơn sự tưởng tượng. Vậy mà chúng tôi vẫn cùng đồng đội bám trụ, chiến đấu, sáng tác. Đúng là trong hiểm nguy đã tạo cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc, chất xúc tác để có thể viết nhanh, ào ạt. Và bài thơ “Cô gái Bạch Long Vĩ” của tôi được đánh giá cao, nhờ thế nhiều người biết đến tôi hơn. Bài thơ cũng được in trong Tuyển thơ chống Mỹ giai đoạn 1965-1972. Giọng bài thơ này điềm đạm, thủ thỉ, da diết, đúng với cá tính của tôi. Có nhà thơ nhận xét khi đọc bài thơ này: không nói to mà vẫn đau, không ồn ào mà vẫn có sức lan tỏa thâm trầm. “Cô gái Bạch Long Vĩ” là cách kể chuyện tâm tình bằng thơ đặc trưng kiểu Xuân Thiêm.

PV: Ông còn giữ cho mình những ký ức về đời sống văn hóa, văn nghệ?

Nhà thơ Xuân Thiêm: Ngày đó, anh em văn nghệ sĩ thương nhau, đối đãi với nhau tốt lắm. Mỗi người đều vì lý tưởng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng và sống tình nghĩa, chia sẻ. Tôi kính nể những bậc thầy văn chương như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh… họ không chỉ có tài năng mà còn có lối sống giản dị, đức độ, là những nhân cách lớn. Bản thân tôi xác định cuộc đời mình phải cống hiến cho cách mạng, bằng nhiều hình thức khác nhau, sống giản dị cả từ câu thơ đến đời sống. Tôi đặt tên hai con là Phạm Thanh Tùng và Phạm Hồng Thi cũng là nhắc nhở con cái sống thanh sạch. Tôi tự hào vì có năm con trai, gái và các dâu rể của mình đều là những đảng viên, trí thức.

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Xuân Thiêm!

Nhà thơ Xuân Thiêm sinh năm 1928 tại Hưng Yên, tham gia cách mạng từ trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, từng làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện. Từ năm 1946 đến 1954, ông làm báo ở Hưng Yên, là thành viên Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Liên khu 3. Khi vào quân đội, ông tham gia phụ trách báo chí và sáng tác ở Đại đoàn 320. Năm 1955, ông về trại sáng tác của Tổng cục Chính trị. Năm 1957, khi Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra mắt, ông là thành viên của Ban biên tập đầu tiên. Nhiều năm sau là Trưởng phòng Văn hóa - văn nghệ quân đội và sau đó công tác tại Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.