Đường bộ khan vé, kiểm soát giá thế nào?
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, theo sự phân công giữa các bến xe trên địa bàn Hà Nội, Bến xe Giáp Bát sẽ tăng cường 45 xe phục vụ giao thông Tết, với 16 xe đi tuyến Thái Bình, 10 xe đi tuyến Nam Định và 11 xe tăng cường tuyến đi Thanh Hóa. “Chúng tôi sẽ chỉ đăng tài cho các xe có đủ điều kiện hoạt động vào bến xếp khách. Đồng thời, tiến hành nhập đầy đủ và chính xác các xe ra vào bến, kể cả các xe trong danh sách tăng cường; phối hợp với bộ phận bán vé tăng cường soát vé bảo đảm 100% số hành khách có vé khi xuất bến nhằm hạn chế tình trạng nhà xe tự ý tăng giá”, ông Thành nhấn mạnh.
Một vấn đề quan trọng nữa là giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc cục bộ tại bến xe những ngày cao điểm, Bộ phận điều hành Bến xe Giáp Bát có kế hoạch phối hợp với phòng ban bố trí nhân lực hợp lý tại khu vực xếp khách A1, cổng điều tiết và đường xe xuất bến. Tăng cường công tác điều hành, phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên bến, không cho các xe không có hợp đồng, xe bị đình tài, xe không đủ điều kiện vào bến hoạt động...
Tại Bến xe Nước Ngầm (Công ty CP Đầu tư phát triển ngành nước và môi trường), Giám đốc Nguyễn Văn Lập đưa ra dự báo, lượng khách trong đợt này có thể tăng lên 150%. Do đó, đơn vị sẽ linh động tăng cường xe vào thời điểm thích hợp, bảo đảm các tuyến đông khách, xe sẽ chạy liên tục. Tại Bến xe Gia Lâm, lượt xe dự kiến tăng cường là 810 xe, tăng 115% so với ngày thường, chủ yếu tập trung ở các tuyến Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Hà cho biết, từ tháng 12 vừa qua, đã có nhiều tổ công tác liên ngành hoặc độc lập của Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát Giao thông bắt đầu ra quân cao điểm nhằm thực hiện Kế hoạch số 11559/SGTVT-QLVT về việc “Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động kinh doanh vận tải bảo đảm trật tự, an toàn khi tham gia giao thông trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020”.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo kế hoạch của Bến xe Miền Đông, thời gian bán vé Tết bắt đầu từ ngày 25-12-2019 và kết thúc vào ngày 20-1-2020 với hình thức bán vé trực tiếp tại bến xe và bán qua trang mạng trực tuyến. Tuy nhiên, vài năm gần đây hành khách thường có tâm lý mua vé của các hãng có thương hiệu nên đã liên hệ mua trực tiếp tại các DN vận tải. Qua ghi nhận, hãng xe Phúc Thuận Thảo chạy tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi Tuy Hòa (Phú Yên) đã hết vé trong các ngày 24-28 Tết. Hãng xe Chín Nghĩa đã hết vé từ ngày 25-29 Tết đi Quảng Ngãi. Tương tự, nhà xe Cúc Tư chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Phú Yên cũng thông báo hết vé xe từ ngày 25 đến 28 Tết. Đại diện hãng xe Phương Trang cho biết, vé từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền trung vào những ngày cận Tết đã hết vé từ thời điểm giữa tháng 12-2019. Thậm chí, một số nhà xe thường xuyên chạy các tuyến miền trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi đã bán trước vé từ thời điểm tháng 11 trực tiếp cho hành khách quen bằng hình thức đặt cọc. Đến gần thời điểm Tết, các nhà xe này sẽ chốt lại lịch đi xe và thu số tiền còn lại của hành khách.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Tổng giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: Dự báo lượng hành khách đi lại dịp Tết Canh Tý sẽ tăng 2% so với Tết Kỷ Hợi, trong đó hành khách sẽ tăng cao vào các ngày 24, 25, 26, 27 và 28 tháng chạp. Lượng hành khách đến bến đi lại dự kiến cao nhất vào ngày 28 Tết với khoảng 55 nghìn hành khách, chủ yếu vẫn là các tuyến miền trung, miền bắc và Tây Nguyên. Với lượng hành khách tăng cao, Ban giám đốc Bến xe Miền Đông cam kết, bến xe sẽ bảo đảm đủ phương tiện với 15 nghìn xe phục vụ hành khách trong 10 ngày cao điểm, đồng thời chủ động lên kế hoạch dự phòng thuê xe hợp đồng và xe du lịch. Theo thống kê của Bến xe Miền Đông, tổng lượng vé phục vụ trong những ngày cận Tết là 417.000 vé, gồm 314.031 vé xe giường nằm và 102.969 vé ghế ngồi. Tuy nhiên, đến ngày 5-1 các đơn vị vận tải thông qua bến xe đã bán được 253.592 vé (trong đó có 232.722 vé xe giường nằm), còn lại 163.408 vé. Ban giám đốc Bến xe Miền Đông nhận định, hầu hết vé xe đi các tuyến miền trung, Tây Nguyên đã hết vé xe giường nằm trong các ngày cao điểm từ 25 đến 29 Tết.
Để bảo đảm kiểm soát giá vé dịp Tết Nguyên đán, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã có thông báo tới những tuyến xe cố định hoạt động tại bến xe, yêu cầu phải niêm yết giá vé đầy đủ, có sự kiểm soát của đơn vị quản lý, bến xe, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh... Còn với những xe hoạt động theo dạng hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, giá vé tùy thuộc thỏa thuận giữa nhà xe và hành khách.
Kiểm soát chặt, chống tình trạng “cò” vé tàu
Theo ghi nhận của phóng viên trên hệ thống bán vé qua mạng của ngành đường sắt, vé tàu các chặng từ TP Hồ Chí Minh đi một số tỉnh miền trung như Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã hết vào các ngày cao điểm. Trong đó, các chặng từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai về khu vực miền trung những ngày từ 24 - 29 Tết gần như đã hết vé, chỉ còn vé ghế phụ. Ngoài ra, vé tàu chỉ còn ở các chặng dài, từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh phía bắc như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội và chỉ tập trung vào các ngày từ 14 đến 16-1-2020 (từ ngày 20-22 Tết). Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, sau hơn hai tháng đơn vị mở bán vé tàu Tết Canh Tý qua mạng cũng như bán trực tiếp tại hệ thống các ga của đường sắt, tổng số vé Tết Nguyên đán 2020 ở các đoàn tàu trên tuyến đường sắt bắc - nam còn khoảng 70.000 chỗ. Trong đó, thời gian trước Tết, còn 13.000 chỗ xuất phát từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đi các ga từ Nha Trang đến Hà Nội. Riêng thời gian sau Tết (từ ngày 4 đến 16 tháng giêng), còn khoảng 57.000 chỗ xuất phát từ ga Hà Nội đến Nha Trang, Biên Hòa và Sài Gòn.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, vé tàu Tết vẫn đang biến động do hành khách đặt chỗ qua mạng nhưng chưa thanh toán tiền hoặc trả vé. Do đó, hành khách chưa mua được vé vẫn còn cơ hội bằng cách thường xuyên truy cập vào website của Đường sắt hoặc liên hệ tại các nhà ga, các điểm bán, đại lý để liên hệ, mua vé. Ông Văn khuyến cáo, ngành đường sắt sẽ kiểm soát chặt các thông tin trên vé tàu đúng với giấy tờ tùy thân của hành khách đi tàu, nên người dân không nên mua vé qua “cò” để tránh tình trạng mất tiền nhưng không được lên tàu.
Hàng không - hạn chế tối đa chậm chuyến, hủy chuyến
Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập Kế hoạch thực hiện công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam giao nhiệm vụ các hãng hàng không cần xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm; bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến. Chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định và có biện pháp chống đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, dự kiến của các hãng là đều tăng chuyến, bởi có thể phải đón tới bốn triệu khách đi lại (dịp Tết Kỷ Hợi là 3,5 triệu khách). Để giảm áp lực cho điều hành không lưu, Cảng đang đề nghị các hãng tăng cường bố trí các lịch bay đêm. Cảng đã rà soát các thiết bị, phương tiện và huy động tối đa nguồn nhân lực để hướng dẫn, điều tiết phương tiện vào ra sân bay phục vụ tốt nhất cho hành khách về quê đón Tết. Theo đó, bên ngoài sân bay, tổ phản ứng nhanh khu vực Tân Sơn Nhất đảm nhiệm tổ chức phân luồng, giải tỏa ùn tắc phương tiện vào ra sân bay. Còn bên trong, các đơn vị thuộc cảng điều phối để bảo đảm khách vào - ra thông suốt, hạn chế tình trạng ùn tắc cục bộ. Để bảo đảm nhân lực phục vụ, các đơn vị tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho nhân viên nghỉ phép trước, đến lúc cao điểm bảo đảm 100% quân số ứng trực.
Để làm tốt nhiệm vụ, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng thành lập các tổ phản ứng nhanh, phối hợp lực lượng Cảnh sát Giao thông để điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân di chuyển thuận tiện.
Hình ảnh xe khách và người dân nối đuôi nhau về quê đã trở nên quen thuộc mỗi dịp Tết cổ truyền.