Giải pháp khẩn cấp

Tình trạng nợ nần, khó khăn tài chính, căng thẳng chính trị… đang là những thách thức mà nhiều nước phải đối mặt, đòi hỏi phải có giải pháp khẩn cấp không chỉ ở quy mô quốc gia mà ở cấp độ toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị mùa xuân của WB và IMF tìm giải pháp giúp các nước nghèo nhất thoát khỏi bế tắc về nợ nần.
Hội nghị mùa xuân của WB và IMF tìm giải pháp giúp các nước nghèo nhất thoát khỏi bế tắc về nợ nần.

1 Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết: Chương trình nghị sự Hội nghị mùa xuân của Nhóm WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) năm nay diễn ra trong các ngày 10-16/4 tại Washington (Mỹ), tập trung tìm giải pháp giúp các nước nghèo nhất thoát khỏi bế tắc về nợ nần. Theo IMF, khoảng 15% số quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, và 45% đối mặt tình trạng dễ bị tổn thương do nợ cao. Tổng cộng, khoảng 25% số nền kinh tế mới nổi có rủi ro cao và phải đối mặt tình trạng gần như "vỡ nợ".

Người đứng đầu WB cũng cho biết các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị mùa xuân năm nay sẽ bàn về cuộc khủng hoảng nợ và các cách tiếp cận để đạt được tính minh bạch và bền vững trong xử lý nợ. Ông Malpass nhấn mạnh: Điều quan trọng trong xử lý gánh nặng nợ là phải bảo đảm tính minh bạch và bền vững, để khởi động lại quá trình đầu tư vốn đã bị đình trệ.

2 Nhân kỷ niệm 25 năm ngày ký thỏa thuận "Ngày thứ Sáu tốt lành" giúp chấm dứt xung đột kéo dài hàng chục năm trên đảo Ireland, Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi tăng cường các nỗ lực để khôi phục chính quyền chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland. Ông khẳng định: Anh sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Ireland và các đảng phái ở Bắc Ireland, để bảo đảm các thể chế tại vùng lãnh thổ này hoạt động trở lại ngay khi có thể.

Bắc Ireland không có chính quyền hoạt động kể từ tháng 2 vừa qua, sau khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tẩy chay việc chia sẻ quyền lực, nhằm phản đối các quy tắc thương mại thời hậu Brexit áp dụng với vùng lãnh thổ thuộc Anh này. Trong khi đó, London tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), khiến tình hình tại Bắc Ireland trở nên căng thẳng. Cơ quan tình báo MI5 của Anh đã nâng mức cảnh báo khủng bố tại Bắc Ireland lên mức nghiêm trọng, có nghĩa là nguy cơ cao xảy ra khủng bố.

3 Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Pháp thông báo đã nhận được các khiếu nại về chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT, trong bối cảnh các cơ quan quản lý châu Âu đang tăng cường giám sát công cụ chatbot này. Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Italy tuyên bố chặn các hoạt động của chatbot ChatGPT tại nước này, với lý do ứng dụng đã không tôn trọng dữ liệu người dùng. Giới chức một số nước châu Âu, trong đó có Ireland và Đức đã thảo luận với Italy nhằm cân nhắc biện pháp tương tự.

Nỗi lo ngại không chỉ giới hạn ở châu Âu khi Văn phòng các vấn đề quyền riêng tư của Canada (OPCC) quyết định mở cuộc điều tra đối với công ty OpenAI, sau khi tiếp nhận các đơn khiếu nại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân mà chưa có sự đồng ý của người dùng. OpenAI cũng có nguy cơ bị kiện tại Australia vì thông tin sai lệch trên ChatGPT. Trung Quốc cảnh báo: Việc sử dụng công cụ ChatGPT cũng như các công cụ theo dõi tương tự do con người tạo ra có thể gây ra những rủi ro như rò rỉ dữ liệu xuyên biên giới.

Giải pháp khẩn cấp ảnh 1
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bơm tiền vào hệ thống tài chính để

bảo đảm thanh khoản.

4 Ngày 10/4, trên trang web chính thức, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương/PBoC) cho biết đã "bơm" 18 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, vào thị trường, thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược với thời hạn 7 ngày và lãi suất 2%.

Mua lại đảo ngược là một quá trình trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán lại chúng trong tương lai. PBoC nêu rõ: Động thái này nhằm duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.