Theo AP, Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, tháng vừa qua là tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay và tiếp tục chuỗi 14 tháng liên tiếp phá kỷ lục về nhiệt độ. Mức tăng này đã góp phần gây ra các đợt nắng nóng đáng kể ở các khu vực Địa Trung Hải và Vùng Vịnh, với châu Phi, châu Âu và châu Á trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, trong khi Bắc Mỹ ghi nhận tháng nắng nóng thứ hai. NOAA cho biết, hiện có 77% khả năng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất từ trước đến nay.
Nắng nóng khốc liệt đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) công bố báo cáo cho thấy, gần 50.000 người đã tử vong ở châu Âu do tình hình nắng nóng gay gắt vào năm 2023, trong đó các quốc gia ở phía nam lục địa đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi BĐKH tiếp tục làm tăng nhiệt độ, người dân châu Âu, vốn đang sinh sống ở lục địa ấm lên nhanh nhất thế giới, phải đối mặt những rủi ro sức khỏe ngày càng tăng do nắng nóng gay gắt.
Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh rằng, người lớn tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất, với các quốc gia ở Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ tăng. Hơn một nửa số ca tử vong xảy ra trong hai đợt nắng nóng dữ dội vào giữa tháng 7 và tháng 8/2023, khi Hy Lạp phải chống chọi với các vụ cháy rừng chết người.
Nghiên cứu cũng thừa nhận số liệu về các ca tử vong được báo cáo chỉ là ước tính, với độ tin cậy 95% và có thể dao động từ 28.853 đến 66.525 người. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng con số này có khả năng cao hơn 80% nếu không có các biện pháp được chính phủ các nước châu Âu đưa ra trong 20 năm qua để giúp mọi người thích nghi với nhiệt độ tăng cao, chẳng hạn như hệ thống cảnh báo sớm và cải thiện chăm sóc sức khỏe.
Báo cáo nhấn mạnh những biện pháp thích ứng này đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng việc xây dựng các chiến lược hiệu quả hơn để giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu trong tương lai cũng là một điều cần thiết, trong bối cảnh châu Âu đang trải qua các đợt nắng nóng ngày càng thường xuyên, kéo dài và dữ dội do BĐKH.
Còn theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm nắng nóng cực đoan khiến hơn 175.000 người tử vong tại châu Âu, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Theo WHO, trong số khoảng 489.000 ca tử vong liên quan nắng nóng mà WHO ghi nhận mỗi năm từ năm 2000 đến 2019, khu vực châu Âu chiếm 36%, tương đương mức trung bình 176.040 ca tử vong. WHO nhấn mạnh nhiệt độ trong khu vực này đang tăng nhanh gấp 2 lần so mức trung bình trên toàn cầu. Số ca tử vong liên quan nắng nóng trong khu vực châu Âu đã tăng 30% trong 2 thập niên qua.
Khu vực châu Âu của WHO gồm 53 nước, trong đó có một số nước Trung Á. Ở khu vực này, nhiệt độ cực đoan đang làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, gồm tim mạch, hô hấp và bệnh mạch máu não, sức khỏe tâm thần và các bệnh liên quan đến tiểu đường. Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu, ông Hans Kluge lưu ý nắng nóng cực đoan là vấn đề lớn đối với người cao tuổi và phụ nữ có thai.
WHO cho biết, sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể con người không còn có khả năng duy trì nhiệt độ thích hợp, nguyên nhân hàng đầu của các ca tử vong liên quan khí hậu trong khu vực châu Âu. WHO dự báo số ca tử vong liên quan nắng nóng dự kiến tăng vọt trong những năm tới do tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo Giám đốc Kluge, khu vực châu Âu đã trải qua 3 năm nóng nhất trong lịch sử kể từ năm 2020 và 10 năm nóng nhất kể từ năm 2007.
Ngày 25/7 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo nhân loại đang hứng chịu "dịch nắng nóng cực đoan" và kêu gọi hành động để hạn chế tác động của những đợt nắng nóng vốn trầm trọng hơn do BĐKH. Ông Hans Kluge nhấn mạnh "con người đang trả một cái giá đắt" nếu chính phủ các nước không hành động khẩn cấp.