1/Trên đây là đoạn mô tả cánh rừng khộp mùa khô thời tuổi trẻ, trong cuộc chiến đấu giúp bạn trên đất nước Chùa Tháp mà tôi đã ghi trong cuốn “Chuyện lính Tây Nam”. Ngồi xe chạy qua đoạn tỉnh lộ 663 và quốc lộ 14C từ Ia Kriêng huyện Đức Cơ đến Ia Mơr huyện Chư Prông, địa bàn của Trung đoàn 710, tôi bất ngờ gặp lại rừng khộp miền ký ức. Kỷ niệm tuổi hai mươi yêu dấu vùn vụt trôi ngoài cửa kính. Mới chớm vào mùa khô nên rừng vẫn còn xanh thắm. Nắng chiều rắc bụi vàng lên thảm cỏ đuôi chồn phất phơ đang mùa bông rộ. Nắng trải trên bề mặt lớp thực bì những mảng màu rực rỡ tương phản, như những nhát cọ mạnh mẽ dưới tay một gã họa sĩ đang nhập đồng.
Các nguồn tư liệu cho biết, hệ sinh thái rừng khộp là hệ sinh thái đặc hữu chỉ còn lại ở Đông Nam Á, không nơi nào trên thế giới có. Đây là loại rừng thưa xen trảng cỏ với các loài cây lá to họ dầu làm thống lĩnh, sinh sôi phát triển mạnh trong mùa mưa và rụng lá vào mùa khô. Ngoài ra còn các loài cây gỗ quý khác như giáng hương, cà te, cà chít, gụ mật, cà săng... Rừng khộp cũng là sinh cảnh của nhiều loài thú ăn cỏ và thú ăn thịt. Đây hoàn toàn không phải dạng “rừng nghèo” như một số báo cáo tiền khả thi từng được làm ra nhằm tác động đến mức hủy hoại.
2/Những ký ức rừng rú miên man của tôi như được cộng hưởng và chắp cánh bay bổng khi gặp Trung tá Vũ Bá Thiết, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Kinh tế - Quốc phòng 710, một người sinh ra và lớn lên ngay dưới tán rừng khộp. Cha anh là Thượng tá Vũ Bá Vượng, nguyên Chính ủy Trung đoàn 710, tiền thân của Công ty 75 thuộc Binh đoàn 15 bây giờ. Nối nghiệp cha, anh trở thành một người lính, trưởng thành cùng rừng núi cao nguyên biên giới. Mọi nẻo đường mòn, mọi xó rừng Chư Prông anh thuộc như lòng bàn tay. Thấy tôi mê mẩn với cảnh rừng xưa, Thiết xin phép Đồn Biên phòng 727 đưa đoàn công tác chúng tôi đi theo đường tuần biên vào lõi của rừng khộp.
Ngoài diện tích 115 nghìn ha rừng khộp Vườn Quốc gia Yor Đôn tỉnh Đắk Lắk, vùng biên giới xã Ia Mơr của Gia Lai vẫn còn lại 24 nghìn ha loại rừng này. Chỉ ba tháng nữa thôi rừng sẽ vào mùa kiệt nước. Dầu lông, dầu trà beng, dầu đồng, tếch… những loài cây lá to như tấm bánh tráng kia đều tự rụng tuột lá để chống lại sự bốc hơi.
“Đêm khô như tiếng mõ trâu/Rừng khô như tờ bánh tráng”. Nhà thơ lính Văn Lê đã mô tả cái sự khô khát của miền rừng khộp qua câu thơ không thể sát thực hơn. Triền rừng tỏa nhiệt, rung rung dưới nắng. Thảm mục và cỏ gianh dưới chân rừng sẽ cháy hết, liếm cháy cả bên ngoài lớp vỏ những thân cây. Nói đúng ra loại rừng này chỉ có thực bì chứ không có thảm mục, bởi năm nào chân rừng cũng thường cháy dữ dội một lần, vì bất kể lý do gì.
May mắn sao khi mẹ thiên nhiên vĩ đại cũng đã kịp trang bị cho những loài cây rừng khộp một lớp vỏ xốp dày cách nhiệt. Lớp vỏ này giữ cho các mạch nhựa âm thầm trong thớ gỗ không bị quánh khô, chảy ngược lên chắt chiu nuôi cành cầm cự. Những đêm chuyển mùa, rừng khô không ngủ, phập phồng thao thức dưới vòm cong dải Ngân hà. Rừng đang đợi hiệu lệnh từ mẹ thiên nhiên chờ thay áo mới, để rồi nghe vang một tiếng sấm là bung những búp dầu non thắm đỏ, xòe ra đón những giọt mưa bạc, mưa vàng.
Nhớ những trận hành quân truy quét Pol Pot trên đất nước Chùa Tháp ngày ấy. Tiểu đoàn đi rạc rài cả ngày không có nước. Bỗng gặp rặng le dày che một lòng suối cạn, lớp cát đáy còn hơi âm ẩm là một sự may mắn bất ngờ. Tiếp cận nguồn nước bao giờ cũng phải dàn đội hình chiến đấu. Nguồn nước mùa khô luôn là chiến địa tranh giành giữa ta và địch, nguồn nước cũng là nơi thú dữ rình mồi… Cũng giống như lòng cây nhờ vỏ dày, lòng suối nhờ cát chở che để chống sự bay hơi mà tích nước nuôi rừng.
Trên xe, Vũ Bá Thiết vẫn say sưa kể chuyện. Khi Trung đoàn 710 của cha hoàn thành nhiệm vụ quốc tế rút về đứng chân trên địa bàn biên giới, anh vẫn đang còn là một cậu học sinh trung học, hằng ngày gò lưng đạp chiếc xe Phượng Hoàng xích hộp vượt gần 50 km từ Đức Cơ đến Chư Prông để tới trường. Ngày đó rừng núi cao nguyên còn hoang sơ và nhiều thú lắm. Đi ban đêm nếu con mang, con nai bắt đèn mắt xanh biếc thì đó là con cái. Nếu mắt xanh có viền đỏ thì đó là con đực. Còn nếu mắt xanh pha vàng đục thì đó là con có chửa, đang mang trong bụng mình một sinh linh bé nhỏ.
Đường xuyên rừng khộp trên đất Chư Prông. Ảnh:TRUNG SỸ |
3/Chúng tôi dừng xe trên bình độ 500 trên núi Chư Prông để chụp hình. Mênh mông một dải rừng liền nối sang rừng nước bạn Campuchia bên kia biên giới. Một con kỳ đà lớn cỡ cườm tay thấy động vụt chạy vào bụi cỏ rậm. Vũ Bá Thiết khẳng định, hiện tại vùng rừng này vẫn có một con báo đen lớn và một con hổ vẫn thường xuyên qua lại. Một người bạn lính biên phòng cũng khẳng định điều này, bổ sung thêm là mùi con hổ thối kinh khủng. Tôi đùa, chắc nó sẵn thịt tươi ăn mà không có con chim thiêng nào xỉa răng hộ như con hổ trong truyện “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi.
Nhớ rừng khộp Pursat dưới chân núi Aural năm xưa, cũng là nơi tôi đã tận mắt gặp cặp hổ ghép đôi trong lúc hành quân. Gặp cả những con nhím lớn cỡ hơn chục ký rũ bộ lông rào rào dọa người khi đối mặt. Đàn kỳ đà con ướt nhoe nhoét, cái lưỡi chẻ đôi thò thụt, chui ra từ bụng những xác người trương thối hoắc. Những đêm mưa ngồi hầm gác địch, nghe con nai con mang hứng tình gọi nhau kêu “tác tác”, chao ôi buồn mênh mang một nỗi nhớ nhà.
Bất chấp định nghĩa kinh điển của các nhà khoa học về rừng khộp, Trung tá Vũ Thiết khẳng định gọi là rừng khộp là bởi có “cây khộp” mọc. Cây khộp là một loài cây chỉ thị - anh vừa tuyên bố vừa túm lay một khóm “khộp” của anh để giới thiệu. Những búi khộp chỉ thị rừng khô, những rặng le chỉ chỗ có suối nhỏ, còn khi thấy lồ ô mọc dày là sắp đến bờ sông suối lớn.
Lính chiến thâm niên rừng khộp là tôi đây còn lạ gì loài cây “khộp” này. Nó giống hệt như những khóm trúc chỉ bon sai các ông già hay trồng trên hòn non bộ. Mùa mưa, những bụi cỏ trúc xanh ngời mầu lá non mướt mắt, là thức ăn ưa thích của một loài sâu chít thân mềm. Mùa khô, bụi cỏ trúc bạc trắng lá. Hành quân gặp nó xuất hiện nhiều trong rừng càng đi sâu vào càng chết khát.
Trảng cỏ trúc cằn cỗi cháy xong giống một bãi chông nhọn được hơ nhiệt cứng mũi, xóc vào những bàn chân lính không giày một nỗi kinh hoàng. Ấy vậy sang năm chỉ sau một vài cơn mưa xuống, những ngọn măng bé xiu xiu đã lại ngoi lên khỏi lớp tro xám xịt nền rừng, bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới.
Trung tá Nguyễn Hữu Trinh, Phó Trung đoàn trưởng 710 cùng đi chỉ tay sang một khoảng thung lũng rộng giới thiệu với đoàn công tác. Vị trí này là bãi đáp X-Ray, gần con suối kia là bãi đáp Albany của trận đánh Ia Đrăng tháng 11/1965 lịch sử. Đây là trận tử chiến đẫm máu giữa bộ đội chủ lực Trung đoàn 66, Trung đoàn 33 quân qiải phóng miền nam với các lữ đoàn lính kỵ binh bay Hoa Kỳ. Tôi bồi hồi bước trên triền rừng đã được ghi danh trong lịch sử quân sự, cả thế giới biết tên. Đất dưới chân tôi lẫn cả máu xương những người lính đàn anh tiền bối.
Tôi nhớ rừng khộp Amleang, rừng khộp Aural, nơi những anh em đồng đội tôi ngã xuống. Trên bán đảo Đông Dương này, rừng khộp luôn là chiến trường của những trận đánh khốc liệt. Nơi đây không chỉ có thiên nhiên hoang sơ mà còn là nơi con người học lòng dũng cảm, học cách tôn trọng thiên nhiên, cảm nhận sâu sắc về sức sống bền bỉ của cây cỏ và cả chính mình. Một miền đất khắc nghiệt nhưng chứa đựng sức mạnh tái sinh, tựa như một bài học về sự kiên nhẫn và niềm hy vọng.
Bài hát năm xưa vẫn vang vọng khẽ trên đường về.
“Bạn tôi cho hay, sau này xong chiến đấu
Sẽ lên nông trường, sớm hôm trên đồng lái máy cày
Còn tôi mong sao, bao ngày tôi đang sống
Sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau”.
(Lời bài hát “Đồng đội”, Hoàng Hiệp)