Hành trình “truyền lửa”
Sinh ra và lớn lên tại An Giang, nơi tiếng đờn ca tài tử như dòng sông Hậu hiền hòa chảy mãi, Nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh (tên thường gọi Sáu Lơn, 71 tuổi) đã sớm gắn bó với nghệ thuật này từ thuở ấu thơ. “Khi còn nhỏ, mỗi lần nghe ba tôi gảy đờn, lòng tôi lại xao xuyến, mê mẩn lạ thường. Những giai điệu ấy như thấm vào máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn tôi suốt những năm tháng tuổi thơ”, ông chia sẻ. Với ông, đờn ca tài tử không chỉ là một phần của cuộc sống, mà là “người bạn tri kỷ”, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông tham gia Đoàn văn công An Giang, mang tiếng đờn, tiếng hát phục vụ bộ đội và nhân dân. “Chúng tôi vừa diễn, vừa chiến đấu. Tiếng đờn ca như vũ khí tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào, chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ”, ông nhớ lại.
Ông Sáu Lơn cùng với người bạn đời, Nghệ nhân Nhân dân Phương Hồng Thắm (tên thật là Nguyễn Thị Tường, 66 tuổi) - người có giọng ca ngọt ngào, truyền cảm - đã trở thành cặp nghệ sĩ gắn bó, đồng hành trên con đường nghệ thuật và cuộc sống. Trong thời đại công nghệ số, khi các loại hình giải trí hiện đại liên tục xuất hiện, đờn ca tài tử đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Nghệ nhân Đặng Hoàng Linh và Phương Hồng Thắm thường trực niềm trăn trở về việc giới trẻ ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn. Trong khi, đờn ca tài tử đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết về nhạc lý và đặc biệt là tình yêu với văn hóa truyền thống. Nếu không có sự tiếp nối, liệu đờn ca tài tử có còn tồn tại và phát triển?
Không chấp nhận đứng nhìn di sản quý báu dần phai nhạt, vợ chồng ông quyết tâm “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Năm 2017, họ thành lập lớp dạy đờn ca tài tử miễn phí cho trẻ em, sau phát triển thành Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Thiếu nhi với hơn 20 thành viên. “Chúng tôi mong muốn các em không chỉ học kỹ năng, mà còn nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa dân tộc”, bà Phương Hồng Thắm chia sẻ. Mỗi sáng chủ nhật, không khí trong câu lạc bộ sôi động với tiếng đàn, tiếng hát. Trần Quốc Kiệt, cậu học trò đang học lớp 6 chia sẻ: “Em rất yêu thích đờn ca tài tử. Mỗi lần văn nghệ ở trường hay các hoạt động biểu diễn ở địa phương, bảo tàng…, em đều đăng ký tham gia. Nhờ thầy cô dạy bảo, em đã tự tin hơn rất nhiều”. Cậu bé không chỉ học nghệ thuật, mà còn mơ ước trở thành nghệ sĩ cải lương trong tương lai.
Hành trình “truyền lửa” của vợ chồng nghệ nhân Hoàng Linh không chỉ diễn ra trong bốn bức tường lớp học, mà còn lan tỏa ra cộng đồng. Những buổi tập hát, luyện giọng trở thành nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thế hệ. Mỗi học trò như một bông hoa nở rộ dưới bàn tay chăm sóc ân cần của các nghệ nhân. Những em như Mỹ Nhung, Thu Hà, Hồng Yến, Kim Kim Sang… không chỉ học hỏi về kỹ thuật mà còn thấm nhuần đạo lý làm người từ những câu chuyện của thầy cô.
Để thu hút các em, vợ chồng nghệ nhân không chỉ dạy nhạc lý mà còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu, tạo không khí thân thiện, gần gũi. “Mỗi lần thấy các em say mê tập luyện, chúng tôi như thấy lại hình ảnh của chính mình ngày xưa…”, ông Linh nói, ánh mắt rạng ngời hy vọng. Vợ chồng nghệ nhân còn luôn tâm niệm rằng không chỉ truyền dạy nghệ thuật, mà còn giáo dục các em về đạo đức, lối sống, giá trị nhân văn và tình yêu thương con người. “Chúng tôi muốn các em không chỉ biết hát, biết đàn, mà còn biết sống đẹp, sống có ích cho xã hội”, hai nghệ nhân tâm sự.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ đã mang lại trái ngọt. Câu lạc bộ đã trở thành “cái nôi” ươm mầm cho những ước mơ của biết bao thế hệ trẻ. Nhiều học trò của họ đã đạt thành tích nổi bật như: Thu Hà, Hồng Yến, Kim Kim Sang đạt nhiều huy chương vàng, bạc trong các chương trình liên hoan tài tử do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức; học trò Dương Thị Mỹ Nhung đạt Á quân Bông lúa vàng 2023, Chuông bạc vọng cổ năm 2024… Những cái tên này đều là những đại diện sáng giá cho tương lai của đờn ca tài tử.
Trên thực tế, con đường theo đuổi, hết mình với nghệ thuật không hề bằng phẳng. Ngày trước, vợ chồng nghệ nhân đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính. Có thời điểm, họ phải bán nhà, dọn đến thuê trọ ven đường, mở quán cà-phê nhỏ để trang trải cuộc sống. “Nhiều người khuyên chúng tôi nên nghỉ ngơi, nhưng lòng đam mê không cho phép chúng tôi dừng lại”, nghệ nhân Phương Hồng Thắm tâm sự. Dù gian khó, họ vẫn kiên trì, dành hết tâm huyết cho việc giảng dạy. “Mỗi khi nghe tiếng đàn, tiếng hát của các em vang lên, mọi mệt nhọc như tan biến”, vợ chồng nghệ nhân bộc bạch.
Tiếng đờn ca vang mãi trong mùa xuân đất nước
Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, hai vợ chồng nghệ nhân còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, mang tiếng đờn ca tài tử đến gần hơn với người dân. Tất cả đều chỉ vì mong ước mọi người sẽ thêm hiểu và yêu quý loại hình nghệ thuật này, để đờn ca tài tử thật sự sống trong lòng công chúng.
Sống giản dị, chân thành, họ luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của cộng đồng, xem việc gắn bó với đờn ca tài tử không chỉ là niềm đam mê cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với di sản văn hóa dân tộc. “Chúng tôi học theo tấm gương Bác Hồ, sống và làm việc thật giản dị, bằng tất cả tấm lòng”, vợ chồng nghệ nhân vui vẻ chia sẻ. Họ không chỉ là những nghệ sĩ cống hiến trọn đời cho nghệ thuật, mà còn là những người bạn tâm giao, luôn sẵn lòng sẻ chia và giúp đỡ những ai yêu mến đờn ca tài tử. Với các học trò và người mộ điệu, họ là những người thầy mẫu mực, tận tâm truyền dạy từng giai điệu, từng nhịp phách với cả tấm lòng, gieo vào lòng thế hệ trẻ tình yêu sâu sắc với văn hóa truyền thống.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Hoàng Linh và Nghệ nhân Nhân dân Phương Hồng Thắm đã ghi dấu ấn sâu sắc với nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định vai trò tiên phong trong bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nghệ nhân Đặng Hoàng Linh được biết đến với khả năng chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ, sáng tác và viết lời mới cho các bài bản tài tử Nam Bộ. Ông đã giành nhiều huy chương vàng tại các liên hoan lớn và được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, cùng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương khác, khẳng định tài năng xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật.
Nghệ nhân Nhân dân Phương Hồng Thắm cũng sở hữu những thành tích đáng nể trong lĩnh vực đờn ca tài tử Nam Bộ. Bà từng giành nhiều giải thưởng lớn, bao gồm huy chương vàng, bạc tại các Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ cùng nhiều giải thưởng và kỷ niệm chương quan trọng. Ngoài ra, bà đã có đóng góp đáng kể qua những sáng tác độc đáo và các tiết mục tài tử đạt giải cao trong các kỳ liên hoan. Bà còn sáng tác, ghi dấu ấn với hơn 20 tác phẩm nhạc tài tử Nam Bộ, nhiều bài được biểu diễn và đạt giải cao tại các liên hoan khu vực và toàn quốc.
Hai nghệ nhân đã dành tâm huyết đào tạo hơn 200 thiếu nhi, học sinh, sinh viên, truyền dạy kỹ năng và cảm hứng cho thế hệ trẻ, góp phần lan tỏa giá trị nghệ thuật độc đáo này đến cộng đồng. Mùa xuân sắp đến, không khí rộn ràng tràn ngập khắp nơi. Dưới mái hiên nhỏ, vợ chồng nghệ nhân quây quần bên các hậu bối, tiếng đàn kìm, đàn tranh hòa quyện với giọng ca ngọt ngào. Họ cất lên những giai điệu về mùa xuân, về quê hương, mang đến niềm vui và hy vọng cho mọi người:
“Từng cánh én lượn lờ trong nắng sớm
Hoa lá đưa cành ngào ngạt hương
Em có nghe rạo rực khắp nẻo đường
Xuân yêu thương chan hòa trong nhịp thở…”
(Lời trong bài vọng cổ “Mùa xuân yêu thương”)
Những lời ca ấy gợi lên niềm tin mãnh liệt rằng đờn ca tài tử sẽ mãi tồn tại, sống trong trái tim và tâm hồn của những con người yêu nghệ thuật. Hành trình của vợ chồng nghệ nhân Hoàng Linh không chỉ là câu chuyện về hai con người, mà còn là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, yêu nghệ thuật và quyết tâm gìn giữ giá trị truyền thống. “Chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực của tất cả mọi người, đờn ca tài tử sẽ tiếp tục phát triển, trở thành niềm tự hào của dân tộc”, nghệ nhân Đặng Hoàng Linh khẳng định.