Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)

Những mô hình hay ở binh đoàn xanh (Kỳ 4)

Kỳ 4: Chuyện kể của thầy thuốc quân dân y
0:00 / 0:00
0:00
Một góc vườn thuốc nam tại Bệnh xá quân dân y - Công ty 72.
Một góc vườn thuốc nam tại Bệnh xá quân dân y - Công ty 72.

Làm việc trong điều kiện sản xuất liên tục của công nhân, người lao động là đồng bào địa phương; cùng với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng lên trong các thôn, xã; lại thêm ý thức về sự cần thiết phải hỗ trợ bà con nâng cao chất lượng y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, những người lính quân y đã trở thành thầy thuốc của nhân dân từ nhiều năm nay.

Nghề “xử lý tình huống”

“Hồi đó, đầu những năm 2000, tôi còn ở phân trạm bệnh xá Công ty 75 (Ia Krêl, Đức Cơ, Gia Lai), là một bệnh xá dã chiến, có trách nhiệm khám, điều trị cho công nhân 4 đội từ 16 đến 19. Công nhân mới, nhiều người độc thân, nhiều đôi lập gia đình nên thường có trẻ sinh. Phòng sản là một nhà kho sửa lại, có 10 m2, thấp, có khi xử lý đến 3-4 ca sản/ngày…”.

Trong ký ức của Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, vẫn còn nguyên hình ảnh chị em sản phụ nằm chờ ở hè Ban chỉ huy đội, vẫn nhớ tiếng đập cửa gấp gáp đêm mưa. Sản phụ đêm đó là một công nhân, được đưa từ Đội 16 thuộc địa bàn vùng sâu ra đến cách bệnh xá 1 km thì đẻ rơi. Khu vực đó dốc, chung quanh trồng toàn điều, người nhà cởi áo mưa ủ cho cháu bé. Sau khoảng 20-25 phút, anh Hùng ra đến nơi thì cả người bé đã tím đen. “Chúng tôi ủ chăn, hút nhớt trong miệng bé, xoa ngực, rồi nhâng lên, phát mông, một lúc người cháu hồng dần lên và khóc, lúc đó mới buộc, cắt rốn”, anh Hùng kể.

Đó là một trong rất nhiều tình huống gay cấn mà các quân y sĩ bệnh xá tại điểm chính hay các điểm lẻ của nhiều đơn vị thuộc Binh đoàn 15 từng xử lý. Trong sự gấp gáp, trong không gian vắng vẻ vùng sâu, xa đường chính, xa bệnh xá, lại càng xa trung tâm y tế huyện, thêm không khí căng thẳng bởi nỗi hoảng hốt của bệnh nhân và người nhà, gặp các ca sinh nở, rắn cắn, sốt rét, hay ngã xe gãy chân gãy tay…, người quân y sĩ nếu không bình tĩnh, không nhiệt tình lăn lộn lúc đêm hôm, mưa gió, thì tình hình sẽ càng thêm tệ hại, có khi trở nên nghiêm trọng, đe dọa tính mạng con người.

Rất nhiều những ca như thế đã được khám, chữa kịp thời, hoặc chuyển lên tuyến trên trong hoàn cảnh mà đến thời điểm hiện tại, các bệnh xá vẫn chưa thể đủ phương tiện, thuốc men cần thiết cho các ca khó, ca nặng. Nhưng những tiêu chí hàng đầu là sự tận tình, nhanh chóng và cách xử trí của người thầy thuốc đã trở nên đặc thù trong tác nghiệp ở các địa bàn vùng biên, cận biên. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Chắc Việt quê Tuyên Quang, là cử nhân điều dưỡng, hiện phụ trách phân trạm Bệnh xá Công ty Bình Dương, đặt tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, liền với Sở chỉ huy tiền phương của công ty. Nhiệm vụ của anh và 1 đồng chí nam, 5 đồng chí nữ nữa tại đây là khám, điều trị đau đầu, cúm, sổ mũi…, xử lý sơ bộ các sự cố xảy ra với công nhân và người dân như tai nạn, ngộ độc, chấn thương trong lao động hay đi lại. Cùng với đó, luân phiên đi tăng cường cho các đội sản xuất. Trung bình mỗi người cứ 2 tuần đi, 2 tuần trực tại phân trạm, bảo đảm luôn có người ở túc trực các mũi. Khi trên địa bàn có dịch như sốt xuất huyết, anh chị em phối hợp tốt với y tế địa phương để điều trị cho dân. “Hồi chưa lập phân trạm, chúng tôi ở trên bệnh xá công ty, đi lại xa, vất vả hơn, nhất là chậm xử lý tình huống ở cơ sở”, đồng chí Việt nói: “Từ khi xuống dưới này, có ca nào chúng tôi xử lý luôn”.

Đó cũng là cách mà Công ty Bình Dương áp dụng khi thiết lập Sở chỉ huy tiền phương, để một lực lượng từ chỉ huy đến cán bộ, nhân viên chuyên môn, trong đó có quân y có thể sát công nhân, gần dân hơn. Cũng chính vì đối tượng khám chữa gồm cả bộ đội, công nhân và người dân địa phương, nên từ lâu các đơn vị đã điều chỉnh tên gọi bệnh xá. Thí dụ như ở Công ty 75, năm 1998 thành lập bệnh xá quân y, đến năm 2005 đổi là bệnh xá quân dân y.

Những mô hình hay ở binh đoàn xanh (Kỳ 4) ảnh 1

Khám bệnh tại Bệnh xá quân dân y - Công ty 75.

Bệnh xá là của mọi người

Đặt ở ngay trung tâm địa bàn cơ sở, nên ngoài công nhân, người lao động của các đơn vị kinh tế quốc phòng, khá nhiều người dân tìm đến bệnh xá quân dân y hay các phân trạm. Có khi đau nhức, mệt mỏi, đi làm, đi công việc thì tạt qua khám, không phải lên viện, lên trung tâm y tế mất cả buổi. Anh chị em Bệnh xá quân dân y Công ty 75 lý giải: khám chữa chu đáo, có máy điện tim, siêu âm, X-quang, đủ thuốc cho các bệnh đơn giản, cấp tính, nên đông bà con “tín nhiệm”. Trung tá Đặng Văn Toàn người Thái Bình, mới được điều động luân chuyển từ Bệnh viện quân y 15 của binh đoàn tại TP Pleiku (Gia Lai) xuống đây. Anh cho biết, trung bình 28 đến 30 ca/ngày, nếu nhẹ thì xử lý nhanh; hoặc điều trị thì chúng tôi lập bệnh án theo dõi, nằm khoảng 3-5 ngày. Nếu nặng thì với bộ đội, sẽ chuyển lên bệnh viện binh đoàn, với dân, sẽ đưa lên Trung tâm y tế huyện Đức Cơ.

Không phải lúc nào cũng có cấp cứu, có ca bệnh này kia thì anh chị em có được thư nhàn chút không? - chúng tôi hỏi. - Rỗi thì mọi người lại cắt đặt nhau đi vào các thôn, làng để tuyên truyền, vận động bà con tiêm phòng cho trẻ theo quy định, rồi ăn ở vệ sinh, chú ý phòng bệnh, dịch..., Đại úy Hoàng Chắc Việt cho biết.

Gần thì đi bộ, xa đi xe máy, thông thường một tuần mỗi người đi hai lần vào thứ 3 và thứ 6. Chính vì trong dân, nhiều người còn có tâm lý coi nhẹ việc phòng bệnh nên đây là một mảng công tác “thêm” đáng kể. Đơn cử như có người bị đứt chân, đứt tay nhưng chủ quan không khâu, đến khi vết thương nhiễm trùng rồi mới chịu ra trạm, lúc đó phải cắt lọc, xử lý thêm phức tạp, ảnh hưởng sức khỏe và lao động sản xuất. “Công việc là như thế, có khi có ca đỡ đẻ ngay trên ô-tô khi đưa sản phụ từ điểm sản xuất ra hay từ bệnh xá lên tuyến trên. Có ca tai nạn nguy kịch, chúng tôi kiểm tra các chỉ số, tiêm trợ tim, trợ sức rồi chuyển tuyến. Lại có những khi đi tuyên truyền, cũng “phải” uống rượu với bà con thì mới được việc”, đồng chí Việt kể.

Khám, chữa bệnh trong dân, cũng phải đối mặt những trường hợp bất thường, nguy hiểm. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng từ tháng 3/2020 chuyển về làm Bệnh xá trưởng quân dân y thuộc Công ty 72 (xã Ia Nan, Đức Cơ), đã trực tiếp “trải nghiệm” do tình hình trên địa bàn gần cửa khẩu, có nhiều tình huống phức tạp. Có những đối tượng ẩu đả, đâm chém nhau gây thương tích, đưa đến bệnh xá. Đang bắt tay vào xử lý vết thương thì đã có lưỡi dao kề vào cổ anh Hùng đe dọa, bắt làm nhanh lên. Anh vẫn bình tĩnh thao tác, tránh sai sót gây nguy hiểm cho bệnh nhân. “Có vết đâm dưới ngực, máu phun ra, tôi phải nhồi cả cục bông to, dùng săm xe đạp buộc chặt lại, rồi cho thở oxy, xin xe công ty đưa bệnh nhân đi cấp cứu”, anh Hùng kể lại.

Cũng theo anh Hùng, người dân các địa bàn cơ sở, trước kia nhìn chung rất “kỵ” bác sĩ, khi đau ốm vẫn bị ảnh hưởng từ hủ tục. Dần dần bà con đã đến nhiều do thấy rõ hơn lợi ích của việc đến bệnh xá, đến viện. Thượng tá Nguyễn Chí Kiên, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 72 cho biết, hằng năm công ty hỗ trợ kinh phí cho bệnh xá mua thuốc đáp ứng nhiệm vụ khám, chữa bệnh nội bộ và điều trị cho nhân dân, cấp cho các điểm điều trị ở xa để sẵn sàng sử dụng. “18 đội sản xuất trong nước, 6 đội ở nước ngoài, mỗi đội chúng tôi bố trí 1 quân y. Điều trị cho dân, tiêm phòng dịch, phun thuốc phòng chống dịch…, bộ đội cũng có phần trách nhiệm”, đồng chí Kiên nói.

Truyền thống gần bốn thập kỷ phát triển của Binh đoàn 15 và nếu tính cả một số đơn vị tiền thân thì đã hơn nửa thế kỷ, được đúc kết qua thời gian: “Kiên định mục tiêu/Vượt mọi gian khó/Gắn bó với dân/Sáng tạo chuyên cần/Đoàn kết quyết thắng”. Những năm qua, tinh thần đó thấm sâu, lan tỏa bền chặt và nghĩa tình nhờ những sáng kiến hay, những mô hình thiết thực mà những người lính, người lao động rút ra từ thực tế sản xuất, vượt khó, gắn bó bên nhau. Mỗi người lính, người công nhân, cô giáo mầm non hay người thầy thuốc…, đều đang góp phần mình vào những sáng tạo và nhiệt huyết để giữ cho màu xanh Tây Nguyên càng thêm xanh.

Trung tá Dương Kim Tuấn, Giám đốc Công ty 75: Hàng nghìn người lao động sản xuất liên tục ở các địa bàn cơ sở. Phải bám nắm để có gì xảy ra còn xử lý kịp thời. Có người ốm đau, ngã xe, người nhà của họ bị ốm…, nếu cần phải cho xe cứu thương đưa đi viện.

Những mô hình hay ở binh đoàn xanh (Kỳ 1)

Những mô hình hay ở binh đoàn xanh (Kỳ 2)

Những mô hình hay ở binh đoàn xanh (Kỳ 3)