Nậm Giải - nỗi đau đã qua!
Xuống xe rẽ phải lên Nậm Giải mặt đã chạm vách núi đá cheo leo. Chao ôi! Cơ man nào là đá, đá ngồi, đá đứng, đá mẹ đá con... Những hòn đá mồ côi vắt ngang như những đàn voi khổng lồ phơi lưng thả vòi xuống uống nước dưới lòng suối Nậm Việc. Sang giờ Ngọ mà chúng tôi chưa đi được nửa đường, bàn chân đã rộp phồng đỏ mọng, ran rát, mệt bã người. Hôm ấy mãi đến tối mịt chúng tôi mới đến được bản Pòng trung tâm xã, hai kẽ chân rộp lên, vỡ ra đỏ loét.
Huyện nghèo, phần lớn chỉ trông chờ vào ngân sách các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng với tinh thần tự lực tự cường, ý chí quyết tâm, mỗi năm huyện huy động hàng nghìn nhân lực tranh thủ mùa khô ra quân mở chiến dịch giao thông tuyến Châu Kim-Nậm Giải. Năm 2001, Dự án đường Châu Kim-Nậm Giải dài 20 km được Nhà nước phê duyệt đầu tư, đến năm 2003 đường thi công rải nhựa hoàn thành và bây giờ xe ô-tô vào Nậm Giải đã thông lướt êm ru. Quả vậy, khi ngồi trên ô-tô con lướt trên con đường cheo leo xuyên qua những cánh rừng đại ngàn trong dãy rừng nguyên sinh Pù Hoạt, ngắm nhìn núi non hùng vĩ mà không tả hết tâm trạng vui sướng và miên man nhớ lại một thời, những người dân nơi đây không ai nghĩ rằng sẽ có ngày đi được ô-tô, xe máy. Lần lên đây lại nhớ vào rạng sáng 5/10/2007, tang thương bất ngờ ập xuống Nậm Giải. Trận lũ quét lịch sử đã nhấn chìm xã Nậm Giải trong một đêm làm 13 người dân bản Pục, bản Méo chết và mất tích.
Hôm nay, giao thông thuận lợi, vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế... Trở lại Nậm Giải đến thăm gia đình Trưởng bản Chà Lấu Vi Văn Kỳ được ví như “cánh chim đầu đàn”, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Anh là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi được chọn tham luận tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Quế Phong năm 2024 đã minh chứng cho chúng tôi đã thấy rõ điều này.
Bản Chà Lấu đã phát triển đàn gia súc quy mô lớn. |
Cánh chim đầu đàn nơi bản xa
Bản Chà Lấu, xã Nậm Giải có hơn 50 hộ với hơn 210 khẩu người dân tộc Thái sinh sống. Cũng như bao bản làng người Thái, H’Mông, Khơ Mú... nơi vùng sâu vùng xa khác, trước đây đồng bào chủ yếu phát nương làm rẫy, cuộc sống tự cung tự cấp, còn nhiều khó khăn về mọi mặt, đói nghèo luôn đeo đẳng.
Học hết THPT, chàng trai dân tộc Thái Vi Văn Kỳ, sinh năm 1989 không rời bản quê với suy nghĩ, trăn trở, chẳng lẽ nơi đây có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng người dân vẫn nghèo? Hiểu rõ vật cản lớn nhất đó là người dân vùng cao chưa nhận thức chưa đầy đủ về tư duy phát triển kinh tế, văn hóa tiêu dùng... Mình còn trẻ, có kiến thức và tiếp cận nhanh thông tin nên phải gương mẫu tiên phong đi trước. Anh vừa tham gia sinh hoạt Đoàn và tìm hướng làm giàu ngay trên quê hương mình. Năng nổ, mạnh dạn, sáng tạo gương mẫu tìm hướng thoát nghèo, năm 18 tuổi, Vi Văn Kỳ được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, là đảng viên trẻ nhất chi bộ bản Chà Lấu hồi đó. Sau đó, anh được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản khi mới 25 tuổi. Anh cùng chi bộ, ban quản lý bản đưa ra họp bàn mỗi đảng viên phải nói đi đôi với làm để tuyên truyền, vận động bà con đổi mới tư duy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao chất lượng, năng suất của sản phẩm.
Bản thân anh đã tự mày mò tìm tòi học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật rồi mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp ở vùng Huồi Ợt. Cùng với học hỏi kinh nghiệm qua hệ thống thông tin qua mạng, truyền hình, đài, báo, anh còn tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi sạch. Anh đã chủ động trồng các loại cỏ như cỏ voi, cỏ sữa, cỏ sả... làm thức ăn và các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc nên đàn vật nuôi của gia đình anh phát triển nhanh. Từ quy mô nhỏ, đến nay, trong chuồng nhà Trưởng bản Vi Văn Kỳ đã có 30 con trâu bò, 10 con dê và hàng trăm con gà đen được khoanh nuôi ở vùng trang trại. Cùng với chăn nuôi , gia đình anh Vi Văn Kỳ còn nhận 6 ha đất rừng trồng keo xen 800 gốc quế giờ đã cho khai thác mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Để sản xuất có hiệu quả, Trưởng bản Chà Lấu Vi Văn Kỳ còn tiên phong chuyển đổi hơn 800 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xen kẽ rau màu và dưa hấu để phù hợp thời tiết địa phương. Mùa hè, anh trồng dưa hấu đỏ, sau đó trồng một vụ ngô vào mùa gần Tết, rét lạnh chuyển sang trồng bắp cải, xu hào, súp lơ, cải H’Mông... Tại đây, anh đầu tư lắp đặt hệ thống dàn tưới tự động hiện đại phục vụ cho việc trồng dưa hấu và rau màu và đào ao thả nuôi cá trắm, rô phi... Cùng với đó thấy giống gà đen bản địa được ưa chuộng, Trưởng bản Vi Văn Kỳ còn mạnh dạn đứng ra thành lập “tổ hội nuôi gà đen” đầu tiên ở bản Chà Lấu, quy mô 3 hộ, mỗi hộ hơn 300 con, do mình làm tổ trưởng. Nguồn giống do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ, đến nay đã xuất ra thị trường một đợt gần 1 nghìn con.
Trưởng bản Vi Văn Kỳ đã cùng với chi bộ, Ban quản lý bản thực hiện “dân vận khéo” để xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng chủ trương này, đến nay, nhân dân đã đóng góp hơn 800 m2 đất, 500 ngày công, 75 triệu đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm 2023, bản làm được 210 m bê-tông hoá các tuyến đường nhánh, lắp đặt 20 bóng đèn đường, làm đường cờ cố định ở cầu khe Một. Đồng thời huy động nhân dân đóng góp ngày công hỗ trợ san nền, đổ móng dựng nhà lắp ghép do Bộ Công an hỗ trợ cho 6 hộ khó khăn...
Từ những mô hình trên, mỗi năm trừ chi phí đã cho gia đình anh thu nhập hơn 150 triệu đồng. Với sự cố gắng thay đổi hệ thống tưới tiêu, cải thiện chất đất và quy hoạch hợp lý, hiện nay vườn của gia đình anh đã được công nhận là vườn đạt chuẩn. Bám sát định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh của địa phương, Trưởng bản Vi Văn Kỳ đã mạnh dạn đăng ký và đạt vườn chuẩn nông thôn mới. Không dừng lại đó, đầu năm 2024, được sự hỗ trợ 30 triệu đồng từ Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong, Trưởng bản Vi Văn Kỳ đầu tư xây dựng chuồng trại thí điểm nuôi hươu sao. Đến thời điểm hiện tại, đàn hươu đang thích nghi và phát triển tốt. Thu nhập từ mô hình trang trại tổng hợp mở rộng quy mô, đầu tư tái sản xuất, đã giúp gia đình Trưởng bản Vi Văn Kỳ có thu nhập đáng kể, tích lũy xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi và sắm được ô-tô đắt tiền...
Nói về việc đưa bản Chà Lấu tiếp tục vươn lên xóa đói giảm nghèo, sớm về đích Chương trình mực tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trưởng bản Vi Văn Kỳ chia sẻ: “Để xóa nghèo bền vững và giữ chân lao động ở lại địa phương thì phải có những mô hình kinh tế ổn định, có tính liên kết kinh tế theo chuỗi hàng hóa. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng mô hình chăn nuôi có tính bền vững thông qua chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường và phải thường xuyên học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là trong khâu phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, tích cực giới thiệu, quảng bá, bảo đảm thị trường đầu ra tiêu thụ ổn định cho cây, con...”.
Với trách nhiệm đảng viên và vai trò trưởng bản, từ kinh nghiệm của mình, anh hướng dẫn chỉ bảo một cách tận tình đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Theo gương Trưởng bản Vi Văn Kỳ, hiện nhiều bà con bản Chà Lấu đã học theo phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng rừng... Đến nay, Chà Lấu đã phát triển được 60 ha keo, mỗi hộ bình quân 3-4 ha. Học theo trưởng bản, nhiều bà con cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn thay chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây. Hiện, Chà Lấu có đàn trâu bò 220 con, trong đó có hộ chăn nuôi hơn 20 con trâu bò trở lên. Đến năm 2022, bản Chà Lấu có bốn hộ thoát nghèo, năm 2023 có thêm ba hộ thoát nghèo.
Khi rời Chà Lấu, đi trên chiếc cầu sắt vắt qua sông Nậm Giải, thấy ngôi nhà sàn của gia đình anh Hà Văn Tài được lực lượng vũ trang huyện Quế Phong và nhân dân giúp di chuyển dựng lại theo kế hoạch giãn dân của xã, nay nằm khang trang dưới thung núi cùng nhiều ngôi nhà khác có hàng có lối, chợt thấy cuộc sống đã thật sự hồi sinh nơi đầu nguồn Nậm Giải và lòng chộn rộn, một mùa xuân mới đang về nơi bản xa!