Kỳ 1: Từ bạn nghề đến bằng hữu, gia đình
Cùng trồng, chăm cây cao-su lớn, cùng cạo mủ cao-su trong những vườn xanh tốt, hàng nghìn công nhân, người lao động là đồng bào Kinh, J’rai cùng một số dân tộc khác từ những địa phương miền bắc, miền trung cùng có với nhau mỗi ngày làm việc cần lao và hy vọng. Để những thành quả và niềm vui thu hoạch chung càng thêm thiết thực, bền chặt, những người lính đã xây dựng mô hình kết nối, làm mật thiết hơn nữa những mối quan hệ này.
Nhờ gắn kết, sống văn minh hơn
Lập danh sách, tìm hiểu trước về đặc điểm, trao đổi trước với mỗi hộ, rồi tổ chức cho các hộ gặp nhau, sau đó làm lễ đăng ký, có giấy chứng nhận hẳn hoi, sửa soạn một bữa cơm ghép hộ. Vậy là nên một cặp hộ gắn kết.
Đó là “tiến trình” mà cán bộ một số công ty thuộc Binh đoàn 15 khái quát cho chúng tôi khi tìm hiểu về hoạt động sản xuất của binh đoàn trên những vùng đất thuộc các huyện biên giới, có nhiều khu vực chạy dọc ven biên, là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển mô hình hộ gắn kết, hay gọi là gắn kết hộ, là cách làm hiệu quả gần 20 năm qua, giúp nhiều công nhân và các hộ gia đình nâng cao tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm khi làm việc, từ đó nâng sản lượng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống đồng bào Kinh, J’rai và đồng bào nhiều dân tộc khác di cư vào đây mưu sinh.
Trung tá Nguyễn Văn Kiên, Đội trưởng sản xuất 6 thuộc Công ty 75 của Binh đoàn 15 đưa chúng tôi đến ngôi nhà mới sơn trắng, lát đá mát mẻ, tinh tươm của vợ chồng Rơ mah Vinh và Siu H’Biên ở xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai. Đây là ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn”, được Công đoàn cơ sở Công ty 75 tặng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống công ty - thành lập ngày 9/6/1984. Vợ chồng anh Vinh là công nhân khai thác cao-su, được tổ chức gắn kết với gia đình nhà anh Lê Anh Phương là người làm công tác thống kê, kế toán kiêm luôn công nhân. Anh Vinh cho biết, hai nhà cách nhau vài cây số, đi làm gần như ngày nào cũng gặp, dần dần qua lại, giúp đỡ nhau, lễ giỗ mời nhau đến dự, mượn tiền không tính lãi. Nhờ cách làm này mà hai bên bảo nhau, nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác xóa bớt được những hủ tục lạc hậu, ăn ở sạch sẽ hơn.
Trung tá Kiên cho biết, địa bàn 2 xã do Đội 6 quản lý nhân sự hiện có 24 cặp, gồm 48 hộ gắn kết, “Gắn rồi đâu phải là xong. Chúng tôi sẽ kiểm tra xem có hoạt động hiệu quả không, chất lượng như thế nào để hỗ trợ kịp thời. Nhìn chung đều phát huy tốt. Có những người chuyển công tác nhưng vẫn giữ mối gắn kết”.
Từ đồng nghiệp nên bằng hữu
Đấy là khi sự gắn kết chẳng còn là mô hình nữa, mà đã trở nên tình cảm từ khi nào rồi! Các nhà qua lại thăm nom, vợ chồng con cái quen biết, việc làm đã vậy, việc đau ốm, hiếu hỉ nhiều khi cũng chia ngọt sẻ bùi. Tại Công ty 74 cũng đóng trên địa bàn huyện Đức Cơ, nơi “quê hương” của mô hình từ năm 2006 khi một đồng chí đội trưởng thử nghiệm thành công, sau đó binh đoàn nhân lên rộng khắp, theo Trung tá - Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Quốc Vương, có một số hộ nghỉ phép hoặc nghỉ Tết về quê Phú Thọ, còn mời hộ gắn kết của mình ra thăm. Có nhà cưới con, chuẩn bị gà, heo, rượu mấy chục ghè, họ hàng bạn bè, trong đó có hộ gắn kết cũng đóng góp.
Từ năm 2006, qua đúc kết, phát triển lên, hiện Công ty 74 có rất nhiều hộ gắn kết, xây dựng thêm Câu lạc bộ Hộ gắn kết 4 tốt. Cả công ty hiện có 534 hộ gắn kết, linh hoạt thay đổi theo địa bàn sản xuất của các hộ và quá trình tái canh. Chúng tôi đến 2 đội sản xuất 5 và 6 tại xã Ia KLa của Đức Cơ, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hậu, Đội phó 5 vừa “dạo” một vòng các tổ sản xuất, xe máy và bộ quân phục dã ngoại sờn bạc bám đầy bụi đỏ. Đồng chí Hậu cho biết, sáng ra bà con đi đổ mủ, cân mủ, tập kết mủ tại điểm thu mua, chúng tôi phải có mặt để kiểm tra, bảo vệ và động viên mọi người sau một đêm lao động.
Thiếu tá Hậu công tác ở xí nghiệp chăn nuôi của công ty 8 năm, mới ra đội hơn 1 năm. Gia đình anh ngoài Tổ dân phố 6 thị trấn Đức Cơ, hiện đang gắn kết với hộ anh Rơ Ma Phương, công nhân Đội 5 ở thôn Song Le Tung này. Từng học đại học chuyên ngành nông lâm ở Huế, Thiếu tá Hậu tư vấn, hướng dẫn được nhiều cho hộ gắn kết và các công nhân khác, từ quy trình sản xuất, kỹ thuật trên cây cao-su cho đến cả việc trồng tiêu, cà-phê… theo kinh tế riêng của các hộ gia đình.
Một điểm chung của nhiều gia đình công nhân cả người Kinh và đồng bào trên cao nguyên là ngoài làm công nhân cạo mủ cao-su, thu hoạch điều, tiêu, cà-phê cho doanh nghiệp nhà nước, bộ đội hay tư nhân, thì vẫn có vườn riêng quy mô gia đình, có khi chăn nuôi thêm lợn, gà, bò… Vì thế giữa các hộ gắn kết còn có nhiều nội dung đa dạng để tham khảo, học hỏi. Và từ công việc mà các gia đình người Kinh với đồng bào các dân tộc, gia đình bộ đội với công nhân đã thành tình thân để có nhau không chỉ trong quá trình sản xuất.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hậu: Nhà tôi và nhà Rơ Ma Phươn, hai gia đình chúng tôi gặp nhau ít nhất mỗi tháng một lần, có gì cũng vào thăm, cho, tặng nhau. Ngoài công việc, những câu chuyện gia đình, nhà cửa, ăn uống, vệ sinh, phòng bệnh, kinh doanh… cũng thường chia sẻ.
Gắn kết hộ - gắn kết cộng đồng
Đưa chúng tôi đến thăm một số hộ gắn kết và gia đình công nhân cạo mủ, Trung tá Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh, gắn kết này không phải chỉ riêng công nhân. Mà lãnh đạo, quản lý công ty cũng gắn kết với hộ lao động sản xuất. Ngoài ra, thường hộ các đồng chí đội trưởng sẽ gắn kết với hộ các già làng, trưởng bản. Một hộ lại có thể gắn kết với vài hộ. Đó là cách làm đa dạng để cùng với công việc, những người lính còn bám nắm tâm tư, tình cảm đồng bào, làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự vùng sâu, vùng xa.
Các già làng, những người uy tín chính là sợi dây gắn kết bền chặt giữa binh đoàn, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đến bà con. Trong ngôi nhà lộng gió ở làng Đo, xã Ia Dơk thuộc huyện Đức Cơ, có chiếc sân rộng láng xi-măng để thỉnh thoảng trải chiếu mời mọi người tới chơi, giao lưu đoàn kết, già làng Kpuih Peo kể chuyện từ năm 1979 từng là du kích xã tham gia bảo vệ ủy ban khi tình hình trên cao nguyên vẫn nhiều biến động: “Tôi đi làm cho công ty từ năm 1996, đã làm tổ trưởng ở Đội 10, Đội 8, những năm đó, cùng vận động đồng bào khai hoang, trồng mới cao-su, nhiều lắm! Tôi nói với đội trưởng cho bà con vay tiền trang trải cuộc sống, có lương thì trả. Anh em ở đội còn đưa nước mắm, cá khô ở Quy Nhơn (Bình Định) lên hỗ trợ đồng bào. Cuộc sống nhiều khó khăn lắm, khi có mủ khai thác mới đỡ”. Nhà già Peo thuộc Đội 9, già đã nghỉ hưu nhưng vẫn gắn kết với nhà đồng chí Nguyễn Văn Bình, công nhân Đội 4 của công ty. Những việc nhà như đào hố bỏ rác, làm hàng rào, căng dây phơi… vẫn qua lại giúp nhau, coi việc nhà hộ gắn kết cũng như việc nhà mình.
Rộng hơn từ kết nối giữa các hộ, các đơn vị như Công ty 75, 74, 72… của Binh đoàn 15 đã từ lâu giữ mối liên hệ, kết nối giữa các đội sản xuất với các thôn, làng, giữa các công ty với các huyện, xã. Mối liên hệ chặt chẽ, thân tình giữa cán bộ, chiến sĩ với già làng, trưởng bản, các vị chức sắc, chức việc ở các chùa, tịnh xá, nhà thờ như những ràng buộc tin cậy và thiện cảm giữa người với người, giữa người với đất, góp thêm nét thanh bình trong đời sống lao động cần cù của đồng bào nơi biên cương xa xôi.
(Còn nữa)