Cứ 5 giờ chiều là người dân thôn Vĩnh Trại đã tụ tập rất đông quanh sân hợp tác xã để nghe bản tin cuối ngày qua loa truyền thanh thôn treo trên cây gạo đầu hồi dãy nhà kho thóc. Cứ hễ giọng phát thanh viên vang lên “…Quân và dân Thủ đô Hà Nội anh dũng chiến đấu bắn hạ 2 máy bay thần sấm, bắt sống phi công Mỹ” là có tiếng vỗ tay hoan hỷ, rồi bàn tán, bình luận: “Theo tôi bắt được lũ giặc lái này thì mang bắn luôn, giam giữ làm gì cho tốn cơm, tốn gạo nhà nước. Tội ác bọn chúng trời không dung, đất không tha”. Mọi người vây quanh chiếc loa truyền thanh vỗ tay đồng tình với câu nói của vị nông dân bức xúc phát ngôn…
Đơn vị chúng tôi được lệnh sơ tán về vùng bán sơn địa với đồi núi, rừng bạch đàn trải dài che kín những xóm làng nhà tranh vách nứa.
Bấy giờ là những tháng cuối năm 1972, giặc Mỹ cho máy bay leo thang ra miền bắc đánh phá, rải thảm bom từ các tỉnh vĩ tuyến 17 trở ra, Hà Nội là mục tiêu đánh phá ác liệt nhất. Đã có gần 30 vạn dân Hà Nội đi sơ tán các tỉnh. Đơn vị tôi là một trong các cơ quan thực hiện lệnh sơ tán đầu tiên. Những ngày này, nơi sơ tán chúng tôi ở cũng nằm trong bán kính máy bay địch oanh tạc cả ngày lẫn đêm. Rất nhiều nhà ga, trường học, bệnh viện, cầu cống trong tỉnh đã bị bom tàn phá, đốt cháy. Ngày nào cũng báo động không dưới chục lần. Tiếng máy bay ì ì từ xa. Từng hồi kẻng vang lên trong ngõ xóm, người dân xuống hầm trú ẩn. Du kích dân quân vác súng chạy huỳnh huỵch trong làng. Người trưởng thôn đầu đội mũ sắt, vai đeo súng dẫn đầu tốp dân quân lên một điểm cao trên một quả đồi, ở đó đặt sẵn khẩu trung liên, đầu súng nguỵ trang lá cây đang hướng lên bầu trời sẵn sàng nhả đạn.
Một kỷ niệm đã qua đi hơn 50 năm, vẫn hằn sâu trong tôi. Đó là một ngày đầu tuần tháng 12, khoảng hơn 10 giờ sáng, nhóm ba người cùng ở nhà dân chuần bị đi xuống bếp tập thể ăn trưa thì nghe kẻng báo động liên hồi. Tiếng động cơ máy bay ngay trên đầu, tiếp đến là loạt súng mặt đất thi nhau nhả đạn. Mấy đứa chúng tôi vừa kịp xuống hầm thì nghe bom nổ inh tai nhức óc rất gần, tiếp đến là tiếng người dân kêu: “Cháy! Cháy to quá! Bom bỏ trúng trường học rồi bà con ơi!”. Từ trong ngõ xóm, người vác cuốc xẻng. Mấy chị dân quân đầu đội mũ cối, tay đeo băng đỏ khênh cáng cứu thương chạy dọc trên đường. Lúc này máy bay đã đi xa, kẻng báo an vang lên. Nhóm chúng tôi cùng chui lên cửa hầm rồi cắm đầu chạy về phía đang có đám cháy, khói đen ngùn ngụt, càng đến gần, càng nhìn thấy ngọn lửa cuồn cuộn cuốn theo các đồ vật từ mặt đất mỗi lúc một bốc cao. Khi chúng tôi đến nơi đã thấy đông người dân, thanh niên, dân quân, có cả các chiến sĩ bộ đội đóng quân gần đấy đang hối hả đào bới những hầm bị sập. Đất cát, gạch ngói phủ kín cửa hầm. Tôi chạy đến khu đất cách trường học vài trăm mét, những tán bạch đàn, cây gãy đổ đè ngang lên các hầm trú ẩn. Các chị phụ nữ, thanh niên, bộ đội đang dùng cuốc xẻng đào đất, kéo cành cây lấp đè lên trên. Cạnh đấy một cái đầu đội mũ rơm nhô ra cửa hầm khua khua tay ra hiệu cấp cứu. Tôi vội chạy lại. Một học sinh nữ mặt tái mét, vừa nói, vừa thở: “Chú ơi cô giáo cháu…”. Tức thì chúng tôi dùng cuốc xẻng cào lớp đất đá, cành lá rồi chui được nửa người vào trong. Một phụ nữ tóc xõa xượi ngồi tựa vào vách hầm, bên cạnh là 3-4 học sinh nữ nhỏ tuổi ngồi co cụm chưa hết sợ hãi. Một cháu đang ôm chặt lấy cô giáo, khúc gỗ to sập hầm nằm chắn ngang cửa hầm... Cháu học sinh vừa nói, vừa sụt sịt trong nước mắt:
Chú ơi! Cô giáo bị thương…
Ở đâu? Tôi hỏi.
Cháu học sinh chỉ tay, tôi nhìn thấy cánh tay phải cô giáo. Qua lớp vải mỏng máu vẫn chảy thấm ướt cả tay áo, trong khi cô giáo mắt nhắm nghiền, hơi thở gấp… Không chút chần chừ, tôi từ từ kéo cánh tay áo cô giáo lên, lộ rõ một vết thương khá sâu. Máu vẫn tiếp tục chảy. tôi vội vàng lấy chiếc mùi xoa trong túi quần quấn chặt vết thương cho cầm máu rồi quay lại mấy cháu học sinh:
Các cháu có bạn nào sao không?
Dạ! - Có tiếng trả lời yếu ớt - bạn Nhung ạ!
Tôi bảo mấy cháu ngồi ngoài chui ra trước rồi từ từ nâng cô giáo dậy, một tay đỡ đầu, một tay luồn dưới chân bê ra khỏi hầm. Lúc này ngoài cửa hầm lố nhố người đã vây kín. Có nhiều tiếng lộn xộn: “Có cháu nào làm sao không?”. Ra ngoài sáng, mặt cô giáo tái nhợt do mất nhiều máu. Cứ thế tôi bế xốc cô vừa chạy, vừa gọi cấp cứu. Vừa lúc có một cái cáng cứu thương cùng mấy cô gái đeo băng đỏ y tế chạy đến. Một phụ nữ mặc áo blu trắng, đầu đội mũ cối, chắc là trạm trưởng y tế, phân công các cô đưa ngay bệnh nhân về trạm xá cấp cứu.
Sau lần cùng người dân, dân quân, tự vệ cứu người, cứu tài sản bị máy bay Mỹ đánh phá bỏ bom trường học, nhóm chúng tôi được chính quyền xã nơi sơ tán tuyên dương trên đài truyền thanh về tinh thần anh dũng trong bom đạn cứu học sinh, cô giáo sập hầm.
Một kỷ niệm khác, chúng tôi được chứng kiến tinh thần người dân xóm Trại những ngày máy bay Mỹ đánh phá ra miền bắc Việt Nam.
Đêm mùa đông, khu sơ tán vùng bán sơn địa cách Hà Nội hơn 60 cây số, buồn tẻ, heo hút. Khi nhà nhà đã lên đèn thì ngõ, xóm không một bóng người. Nhà ông giáo Lập mấy ngày nay tối nào cũng đông khách, ấy là vì ông có chiếc đài bán dẫn Orionton của Hungary, tiếng rất vang và nét nên mọi người cứ cơm nước xong là thường tụ tập để nghe tin tức thời sự. Ngay giữa nhà có chiếc chậu nhôm to, những gốc củi bên trong cháy đỏ rực bốc khói lan tỏa khắp ba gian nhà ngói. Có đến gần chục người đàn ông có tuổi ngồi quanh đống lửa sưởi. Không khí mỗi lúc một nóng. Mọi người bàn tán tranh luận về chiến sự ác liệt khi giặc Mỹ liên tục cho máy bay B.52 bỏ bom các khu dân cư, nhà máy, bệnh viện, trường học… ở Hà Nội. Tiếng rít thuốc lào liên tục, tiếng ho khù khụ, tiếng củi cháy lép bép. Ngoài sân, gió rít từng cơn chen giữa những hạt mưa đập vào mái hiên lộp bộp. Một giọng khàn khàn ngồi khuất sau cột gỗ cất lên như bình luận viên:
Pháo đài bay của Mỹ rải thảm Hà Nội để gây sức ép cho Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán bốn bên Hội nghị Paris nhưng bọn này nhầm. Trung ương đã tiên lượng được âm mưu của chính quyền Mỹ nên mới chuẩn bị đón tiếp bằng giàn tên lửa SAM 2 - SAM 4. Những điểm trọng yếu cầu cống, nhà máy, bến phà dày đặc pháo mặt đất, rồi thì dân quân tự vệ nhà máy, xí nghiệp luôn sẵn sàng thường trực nghênh chiến với thần sấm, pháo đài bay B.52 vào Hà Nội rụng như sung…
Một người khác ngồi ngay đống lửa đang cháy rừng rực chen vào:
Thằng con rể tôi vừa mới công tác Hà Nội về hôm qua, 3 giờ sáng mai lại đánh xe đi lấy hàng xuôi Hà Nội. Những ngày Hà Nội bị đánh phá ác liệt nhất, nó đều chứng kiến. Nó bảo Hà Nội thiệt hại nhất là đêm 24 và ngày 26/12, Hà Nội chìm trong khói lửa, còi báo động rúc liên hồi, những người chưa đi sơ tán phải xuống hầm trú ẩn. Thằng con rể tôi còn chứng kiến máy bay Mỹ bị bắn hạ rơi ngay hồ Ngọc Hà đầu cắm xuống nước, đuôi chổng ngược lên trời, tận mắt nhìn thấy dân quân tự vệ dẫn giải tên phi công bị bắt sống khi máy bay rơi trên hồ Trúc Bạch…
Chiến tranh đã lùi xa, ký ức những ngày đạn bom, tinh thần người dân xóm Trại nơi chúng tôi sơ tán vẫn đọng lại trong tôi đến hôm nay.