Hình ảnh bố mẹ gửi con nhỏ đến lớp mầm non trong đêm để đi cạo mủ cao-su từng gây xúc động nhiều người. Nay cuộc sống đã bớt đi vất vả, việc gửi trẻ muộn đã giảm hơn trước, nhưng sự bận bịu của các cô giáo mầm non thuộc các đơn vị kinh tế quốc phòng vẫn thường trực. Niềm yêu thương thì vẫn tràn đầy, với lòng bao dung và nhẫn nại đáng khâm phục.
Những lớp mầm non trong đêm
Sở chỉ huy tiền phương - Công ty Bình Dương thuộc Binh đoàn 15 đặt tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai, được cải tạo lại từ một trường cấp hai cũ. Ngay bên cạnh là Trường mầm non Hoa Hướng Dương - điểm trường Đội 9 của công ty. Như nhiều trường mầm non và các điểm trường khác của binh đoàn, hằng ngày các cô giáo chăm nom con em công nhân, người lao động thuộc đơn vị và một số hộ đồng bào trên địa bàn. Thượng tá Nguyễn Đình Kỷ, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc công ty cho biết, nhiều hôm các cô đón các cháu buổi đêm, cho các cháu ngủ, bố mẹ đi cạo mủ cao-su xong sẽ đón.
Đó là vòng quay ở nhiều trường, điểm trường, do đặc thù ngành cao-su, các cô giáo đã đồng hành với người lao động thì chấp nhận công việc không chỉ là 8 tiếng/ngày. Cô Bùi Thị Hương, quê ở Nghệ An, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai thuộc Công ty 75 (Ia Krêl, Đức Cơ) cho biết, trường chia ra 19 điểm trên 2 huyện Đức Cơ và Ia Grai, với 148 giáo viên, hiện chăm nom 1.066 cháu. Vào các đợt cao điểm thu hoạch, nhiều điểm phải trông các từ quãng 12 giờ đêm. “Trước thì hầu hết các điểm. Giờ có giảm do các con đã lớn hơn, bố mẹ đi làm thì có thể trông nhà”, cô Hương nói.
Một góc điểm bán trú tại xã Ia Boòng. |
Hiểu việc bố mẹ để chăm các con
Tuy vậy, về cơ bản 100% các cô vẫn làm việc 2 buổi/ngày, từ 6 giờ 30 phút sáng đến 5 giờ chiều. Vào những thời điểm các phụ huynh đi bón phân, làm cỏ, chăm các vườn cao-su trồng mới thì còn muộn hơn, có khi đến tối mới đón được các cháu. Chúng tôi băn khoăn khi biết nhiều cô giáo cũng có con nhỏ, cũng phải lo cơm nước cho gia đình. Nhưng như cô Hiệu phó Đào Thị Phương Thiệp là người Hòa Bình vào đây công tác, bộc bạch, rằng để làm tốt, các cô đều phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nhiều cô có chồng là bộ đội sản xuất, cũng công tác liên tục, lại càng vất vả. Vì thế các cô phải nỗ lực rất lớn. “Bao năm qua, chị em làm việc cả ngày”, cô Thiệp kể: “Có những điểm trường trông trẻ từ 8-9 giờ tối. Sáng ra công nhân về mới đón con. Nhiều khi quãng thời gian tầm 5 đến 7 giờ chiều tối, các cô tất tả về lo cho gia đình rồi lại… đến trường”.
Chúng tôi nhận rõ nụ cười lạc quan của các cô giáo khi chia sẻ niềm vui của chính gia đình mình. Cô Hiệu phó Nguyễn Thị Hải Hường khoe, hầu hết các con của các cô giáo đều học giỏi hoặc xuất sắc. Việc trường chiếm 2/3, việc nhà 1/3 thời gian, nhưng trong cái quãng 1/3 ấy, thì nhiều khi các “ông xã” còn lên trường giúp sơn sửa, tô mầu, lắp đặt điện nước. “Mình mình cáng đáng rất khó. Phải có chỗ dựa ấy, cùng với tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cô, thì mới cùng hoàn thành nhiệm vụ được”, cô Hường nói và còn chia sẻ niềm hào hứng khi có những đợt cao điểm thu hoạch hay chăm sóc, chính các cô còn ra giúp các đội sản xuất làm “váy” che tô hứng mủ cao-su, rập vạch, bón phân, tỉa cành… Hiểu hơn về công việc của công nhân sẽ chăm lo cho các cháu tốt hơn. Đó là suy nghĩ chung của các cô giáo nhiều thế hệ tại các đơn vị kinh tế quốc phòng mà người có tuổi thì đã nghỉ hưu, những gương mặt mới trẻ nhất thì cũng thuộc thế hệ sinh đầu những năm 2000.
Em Hà Thị Thảo Huyền, quê ở Hòa Bình, là học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Ia Boòng kể, ngoài học, con tham gia giúp các cô quét nhà, phụ các cô nấu ăn, giặt đồ cho các em nhỏ hơn. Em nào không hiểu bài thì giảng cho em. Buổi tối chúng con chơi cùng nhau ở ngoài sân, nhảy dây, đánh cầu lông… rất vui!
Cô giáo Nguyễn Thị Dung quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, đã có 20 năm công tác ở Trường mầm non 8-4 thuộc Công ty 72 của binh đoàn (xã Ia Nan, Đức Cơ). Chị Dung nhớ lại những năm vất vả trông trẻ tại điểm trường các đội sản xuất, đường vào 15-20 km, hồi đó còn khó đi. Ngày mưa gió thì ở lại do đường trơn trượt, lại chạy giữa các vườn rừng cao-su, rất vắng vẻ. Khi hai con còn nhỏ, chị vẫn chở theo cùng. Vừa chăm trẻ, vừa chăm con, nhiều hôm trông đêm nên 5-6 giờ chiều đã phải sắp xếp đi sớm. Nay con của chị, một cháu đang học tại Học viện Phòng không - Không quân, một cháu sinh năm 2001, tên là Lê Thị Mơ, đã vào làm ở trường mầm non cùng mẹ từ năm 2021. Hiện, cô giáo Mơ công tác ở điểm trường Đội 21, cách trường chính hơn 30 km, thường xuyên ở lại trông các cháu đêm cho công nhân đi làm.
Đường xấu, tuần mới về một lần
Chúng tôi trở lại con đường xóc nảy người mà lúc gần sáng đã từ ngoài đường lớn vào khu vực Đội sản xuất 5 và 6 - Trung đoàn 710. Bây giờ là đi ra, hướng về xã Ia Boòng, huyện Chư Prông (Gia Lai) để đến Điểm bán trú của trung đoàn. Hôm nay là thứ 7, các cháu là con em của người lao động 2 đội trên, buổi trưa tan học sẽ được bố mẹ đón về với gia đình, rồi chiều chủ nhật quay lại. Con đường sát khu vực biên giới dẫn về xã Ia Mơ và Ia Púch (Chư Prông) chỉ khoảng 7 km nhưng rất gập ghềnh, bụi bặm, dự kiến năm 2025 mới rải đá cấp phối và xa hơn, phải 2030 mới đổ bê-tông được. Cho nên một dạo, vượt 20 km đi học hằng ngày, với các gia đình sẽ rất nhọc. Giải quyết nỗi vất vả này, trung đoàn, binh đoàn đã xây dựng điểm bán trú ở gần trường tiểu học và THCS cho các cháu ra ăn nghỉ cả tuần để tiện học hành.
Theo Thượng tá Nguyễn Chí Kiên, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 72, từ hàng nửa thế kỷ trước, tại các nông trường tiền thân của Binh đoàn 15, ban đầu là việc trông giữ con em cán bộ, chiến sĩ, dần phát sinh yêu cầu chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Do đó, một bộ phận người lao động và chính con em bộ đội đã từng bước được bồi dưỡng để đảm nhiệm công tác này. Qua thời gian, hệ thống nhà trẻ, trường mầm non trực thuộc các đơn vị của binh đoàn được phát triển, chăm nom nhiều thế hệ con em của binh đoàn. Nhiều “em bé” ngày xưa đã trở thành những người lính. Nay có người đã đứng tuổi, có những người đã về hưu.
Chị Đinh Thị Hoa, người Mường, quê Tân Lạc, Hòa Bình, công nhân Đội 6 vừa cùng các cô của điểm bán trú lo cho các cháu ăn sáng rồi dọn dẹp để đi học. Hiện với 28 cháu, các cô không thể kham nổi, nên phụ huynh thay nhau ra hỗ trợ, mỗi người một ngày. Chị Hoa nói: “Chúng em chiều ra thì hôm sau về, phụ cô giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa để cô có thời gian chăm sóc, kèm cặp các cháu. Rồi cùng cô nấu ăn cho các cháu”.
Cứ xoay vòng, mỗi phụ huynh tháng khoảng 2 lần. Chồng chị Hoa - anh Vi Văn Quán, người dân tộc Thái quê ở Bá Thước, Thanh Hóa vào đây lao động tự do, mỗi lần vợ ra điểm bán trú thì lại đi cạo thay vợ. Con gái chị Hoa - anh Quán, cháu Vi Thị Ánh Tuyết, 10 tuổi, đang học lớp 5, trường của cháu ngay sát điểm bán trú. Cháu kể: Ở lớp, con làm cờ đỏ, đi chấm và không cho các bạn làm việc sai. Học xong về đây, chúng con giúp cô và rửa rau, lau sàn, giúp các em nhỏ hơn học. Con hay giúp mấy em lớp 1, các em nghe cũng dễ hiểu, nếu chưa hiểu, con cũng không cáu hay mắng các em.
Một tuần về có một ngày nên với các bé như Tuyết, cũng rất nhớ nhà. Nhưng do đường đi khó quá, mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa thì chầy chật cả tiếng mới đến được trường học. “Chiều chủ nhật bọn em chở các cháu ra, rồi quay về để đêm hoặc sáng sớm còn đi làm”, chị Hoa cho biết. Trong nhịp quay vòng thường nhật và từng mùa theo những đời cây cao-su, những vườn rừng cao-su, đã có thật nhiều những vòng quay công việc, đời sống, những vui buồn và đóng góp kiên trì đến phi thường của hàng nghìn giáo viên mầm non và những người chung quanh họ suốt bao nhiêu năm qua. Tất cả tạo ra những nhịp lớn khôn, trưởng thành vững vàng của nhiều lứa trẻ thơ sinh ra trong vòng tay những người thợ, những người lính trồng cây giữ mầu xanh cao nguyên.
(Còn nữa)