KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024)VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)

Những mô hình hay ở binh đoàn xanh (kỳ 2)

Kỳ 2: Thức đêm cùng dân sản xuất
0:00 / 0:00
0:00
Cạo mủ đêm tại vườn cao su trên địa bàn xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai.
Cạo mủ đêm tại vườn cao su trên địa bàn xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai.

Lấy lao động địa phương làm lực lượng chính để sản xuất, khai thác, cùng với một số lao động di cư đang định cư trên địa bàn, những người lính đặt mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với hỗ trợ đồng bào, tạo việc làm, giúp đời sống ổn định. Vì thế mà có sự đồng hành, sát cánh của bộ đội với công nhân, với bà con dân tộc trên những khu vườn khai thác, trồng, chăm sóc cao su. Ngoài chế độ công tác ban ngày, những “người lính nông dân” thay nhau thức đêm, làm nhiệm vụ đêm hôm với người lao động để vừa sản xuất, vừa bảo vệ.

Thức đêm với nghề độc hại

Anh em bộ đội nhìn chung có tác phong nhanh nhẹn, gặp là thường thấy đang mải một việc gì đó, và luôn ở tư thế… sẵn sàng vận động. Điều này chúng tôi cảm nhận rõ không chỉ ở các đơn vị huấn luyện, mà các đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế quốc phòng, ngay cả các bộ phận “phòng giấy” cũng thấy rõ đặc trưng này. Ngoài đội trưởng, đội phó các đội sản xuất, thường trực trang phục dã ngoại qua lại thường xuyên giữa các địa bàn, thì các ban giám đốc, ban chỉ huy, các phòng ban “đầu não” cũng vậy.

Trung tá Dương Kim Tuấn, Giám đốc Công ty 75 (xã Ia Krêl, Đức Cơ, Gia Lai) sáng ra “nai nịt gọn gàng” nói: Chúng tôi xuống đơn vị thường xuyên, đi đêm nữa. Công ty 75 có 24 đội sản xuất phân bố trên 3 địa bàn: nội địa, biên giới và nước bạn Campuchia. Với 18 đội trong nước, anh em phân công, nay người này đi 3-4 đội, mai người khác đi các đội khác. Gặp gỡ, trao đổi thường xuyên để nắm tình hình, bởi việc sản xuất, khai thác diễn ra liên tục trên địa bàn rộng, có liên quan đến đông đảo thành phần lao động và tình hình an ninh trật tự địa phương.

Được biết, với nghề khai thác mủ cao su, do thời tiết, khí hậu, công nhân đi cạo đêm để dòng mủ chảy tốt hơn, cho sản lượng cao hơn. Tùy các phân khúc cây “trẻ”, cây “già”, cây giai đoạn cuối và theo mùa khô, mùa mưa mà cạo từ 7 giờ tối đến 10 giờ tối, hoặc 8 giờ tối đến 12 giờ đêm, hay 10 giờ đêm đến 3 giờ sáng, có những trường hợp... đón luôn bình minh trong vườn cao su. Ban ngày, quãng 8 giờ, 9 rưỡi, 10 giờ, bà con lại đi thu và tập kết mủ. Nghỉ ngơi buổi trưa, khi cần, chiều lại đi làm cỏ, bón phân theo hướng dẫn. Bám sát các công đoạn này, những người lính cũng “Thức đêm cùng người lao động”.

Chương trình có cái tên này, ban đầu cũng xuất phát từ đơn vị cơ sở, sau được Binh đoàn 15 nhân rộng. Và cũng chính vì thường xuyên gắn với lao động ngày đêm như thế, nên như phân tích của anh em bộ đội, thì trong ngành cao su, phổ biến từ “khai thác” chứ không chỉ “thu hoạch”. Bởi nói “thu hoạch” thì có vẻ… nhẹ nhàng quá! Đây là nghề độc hại, thâm niên thấp, nên ngành cao su cũng như các đơn vị bộ đội trồng cao su đã đề nghị nhiều về việc nâng cao quyền lợi cho người lao động.

8 giờ tối, chúng tôi theo nhóm cán bộ Công ty 72 của Binh đoàn 15 xuống vườn cao su trên địa bàn xã Ia Pnôn (Đức Cơ). Lấp loáng những quầng sáng nhỏ ẩn hiện quanh gốc cao su trong một vùng tối đen. Đó là những chiếc đèn nhỏ sạc điện đội trên đầu công nhân để ngước lên, cúi xuống rọi đúng vị trí cạo trên thân cây. Ai nấy cặm cụi làm việc theo những hàng cây, những khoảnh vườn đã được khoán sẵn. Đêm tối mù mịt, người ngoài nếu không có anh em bộ đội đi cùng sẽ rất khó nhận ra phương hướng. Các vườn rừng cao su trông có vẻ bằng phẳng, nhưng bước vào mới thấy khá mấp mô, dễ vấp, trượt nếu không đi quen. Ngoài thời thiết trời đêm sương lạnh, một trong những nguy hiểm cần lưu ý trong không gian này, đó là rắn cắn. Vì thế người lao động hầu hết ai nấy đều đội mũ, mặc áo dài tay, đi giày, đi ủng để giữ sức khỏe và đề phòng.

Vừa đi, đồng chí Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trịnh Anh Tuấn, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty 72 vừa quan sát công nhân cạo mủ, vừa phân tích quãng thời gian cạo 2 ngày/lần với mỗi cây để bảo đảm tái tạo mủ; lượng cây 270-280 hoặc hơn mà mỗi công nhân đảm nhiệm, tương đương diện tích hơn 1 ha hoặc 2-3 ha, tính ra khai thác được trên dưới 1 tạ mủ mỗi đêm. “Có công nhân người Kinh, người đồng bào, có người cũ, mới nên cán bộ kỹ thuật phải kèm cặp thường xuyên”, anh Tuấn cho biết: “Ban đầu phải đào tạo gần 1 tháng, rồi khi cạo, ban chỉ huy, cán bộ kỹ thuật, bảo vệ đều phân công nhau xuống. Bà con cạo xong thì về, chúng tôi phải chia ra để trông nom. Nhỡ bát mủ bị nghiêng, mủ đầy chảy ra ngoài, lãng phí. Lạnh hoặc mát trời thì mủ chảy lâu, nhưng trời nóng chảy nhanh hơn, chóng đầy bát, cũng phải san kịp thời”. Anh em cán bộ hầu hết trưởng thành từ người lao động nên am hiểu công việc anh Tuấn cho biết. Nhưng phải yêu nghề nữa nên mới gắn bó được lâu dài với cái nghề... “đi đêm, thức ngày” này.

Chia sẻ của anh Dương khiến chúng tôi nghĩ đến những suy nghĩ tương đồng của đồng chí Trịnh Anh Tuấn ở Công ty 72: Kinh tế và quốc phòng, nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Bảo đảm cho bà con thu nhập để ổn định cuộc sống. Nếu giữ được quốc phòng, an ninh mà đời sống không bảo đảm thì cũng không được. Địa phương rất quan tâm việc đó, vì công nhân của mình là dân của địa phương mà. Các chương trình mục tiêu quốc gia thì địa phương triển khai, bộ đội cũng vẫn làm chứ.

Bảo đảm kinh tế cho dân để giữ quốc phòng

Tờ mờ sáng tại Đội sản xuất 5 của Trung đoàn kinh tế quốc phòng 710 cũng thuộc Binh đoàn 15. Trong không khí se lạnh của đêm vùng biên đang xen chút oi oi khi thời tiết bắt đầu ấm dần, đang dậy lên một mùi… khăn khẳn. Cái mùi vừa như hơi ẩm mốc, vừa có gì giống nước mắm đánh rớt. Đấy là mùi của mủ cao-su từ những vườn gần đó đang dần đầy bát, phả vào không gian. Không quen thì có thể hơi khó chịu lúc đầu, nhưng với công nhân và bộ đội nơi này, cái mùi thân thuộc đó là mùi của lao động, mùi đem lại thu nhập cho người dân. Đồng chí Đội phó - Thiếu tá Lê Ánh Dương theo lượt, vừa đi một vòng kiểm tra về, trang phục dã ngoại vừa ẩm hơi đêm lẫn mồ hôi. Có 3 anh em cán bộ gồm 1 đội trưởng, 1 đội phó, 1 thống kê, mỗi người chịu trách nhiệm 1 đêm, có việc gì cần hay đột xuất thì cùng dậy đi xử lý.

Anh Dương cho biết, đêm khoảng 11 giờ 30 phút, bà con dậy đi cạo mủ. Trước đó mình xuống các nhà trước, xem nhỡ ai ngủ quên không. Rồi ra vườn xem việc thao tác có gì cần thì điều chỉnh, góp ý cho bà con về tay nghề. Đi đến khoảng 1 giờ 30 phút sáng thì về nghỉ. Gần sáng thì dậy đi vòng nữa kiểm tra các bát hứng mủ và nhỡ người cạo có để sót hàng nào, cây nào không thì còn nhắc để chiều người ta ra cạo bù. Ai mệt hay nhỡ việc đêm trước cũng vậy, nhớ đôn đốc cho chiều hôm sau. “Làm việc có đủ sản phẩm thì mọi người hào hứng, chứ năng suất, sản lượng kém thì bà con không hứng làm, vì nó liên quan đến cả thu nhập. Cho nên mình vẫn phải theo sát, đôn đốc, động viên, cả những đợt làm cỏ, bón phân chăm cây, bộ đội cũng phải sâu sát, để người lao động còn có việc làm, có thu nhập bảo đảm cuộc sống”, Thiếu tá Dương nói.

Quả thật, một điểm đáng chú ý trong nhiệm vụ làm kinh tế đồng thời bảo vệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, là góp phần tạo công ăn việc làm, tham gia phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Vì thế, yếu tố phổ thông, phổ biến trong lao động sản xuất nhằm tạo điều kiện cho nhiều lao động, nhiều hộ gia đình là rất quan trọng. Chứ không thuần túy chỉ là chọn lao động tay nghề giỏi, trình độ cao để đem lại nguồn thu lớn. Theo Trung đoàn trưởng, Trung tá Vũ Bá Thiết, Trung đoàn 710 làm nhiệm vụ trên địa bàn các xã Ia Lâu, Ia Mơ, Ia Piơr, Ia Ga và Ia Boòng của huyện biên giới Chư Prông, quản lý gần 2.400 ha cao su, nhiều địa bàn gần, sát với vành đai biên giới. Bởi thế mà việc “thức đêm cùng người lao động” bên cạnh mục đích hỗ trợ kỹ thuật, duy trì sản xuất còn nặng thêm ý nghĩa chính trị, an ninh trật tự địa bàn.

Ngoài ra, với trường hợp đội 5, diện tích cao su quản lý là 339,3 ha, thuộc địa bàn xã biên giới Ia Mơ. Công nhân cạo mủ tại đây cũng như toàn trung đoàn, chủ yếu là người Gia Rai ở địa phương, thêm một số bà con người Tày, Nùng, Thái ở ngoài bắc di cư vào. Theo Trung tá Vũ Bá Thiết, hiện bà con đang tạm cư ở địa bàn xã Ia Púch của Chư Prông, cũng là xã biên giới, ngày ngày sang làm tại Ia Mơ. Mặc dù nơi ở ngay gần các vườn cao su, nhưng nhà với vườn lại thuộc hai địa bàn hành chính. Nên với anh em của đội, của trung đoàn, thì việc phối hợp với lực lượng biên phòng địa phương để nắm địa bàn và bảo vệ bà con sản xuất là nhiệm vụ thường trực.

(Còn nữa)

Những mô hình hay ở binh đoàn xanh (kỳ 1)