Ô nhiễm âm thanh:

Đừng chỉ phạt trên giấy

Thiếu thiết bị đo tiếng ồn, khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm là những vướng mắc trong việc triển khai xử phạt ô nhiễm âm thanh. Chế tài đã có, quy định mức phạt rõ ràng, nhưng việc xử phạt vi phạm đến nay vẫn chỉ tồn tại trên giấy.
0:00 / 0:00
0:00
Karaoke tự phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Ảnh: SONG ANH
Karaoke tự phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Ảnh: SONG ANH

1/ “Tôi đã nghĩ đến việc tự đi mua máy đo âm thanh”, anh Nguyễn Văn Dũng (quận Long Biên, Hà Nội) búc xúc vì phải chịu đựng sự tra tấn âm thanh từ hàng xóm. Ban đầu tưởng mua nhà trong ngõ nhỏ, xa đường lớn, gia đình Dũng sẽ được tận hưởng những giờ phút yên tĩnh nghỉ ngơi mỗi khi về nhà. Nhưng anh lại bị tra tấn bởi âm thanh karaoke nhà hàng xóm. “7 giờ tối các bài nhạc vàng cứ rót thẳng vào nhà và chỉ chịu tắt sau 11 giờ đêm. Trẻ con, người già trong nhà không thể ngủ nổi. Nhiều lần góp ý với hàng xóm, nhưng tiếng nhạc vẫn cứ đều đặn mỗi tối”, anh bức xúc. Sau vài lần phản ánh với cơ quan chức năng mà tình hình không cải thiện, anh Dũng đành tra cứu luật để đâm đơn kiện vì làm ồn sau 22 giờ đêm.

Không chỉ gia đình anh Dũng phải chịu đựng tình trạng âm thanh quá to từ hát tại nhà karaoke. Một chuyên gia ngành y tế cho biết, cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới

50 dBA là chấp nhận được, còn từ 80 dBA trở lên thì có thể gây điếc. Trong khi đó, những tiếng hát lớn có khuếch đại thì cường độ lên tới 110 dBA, gấp đôi bình thường. Điều đó gây tác hại với sức khỏe, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Về lâu dài, ảnh hưởng từ tiếng ồn dẫn đến các bệnh về tâm thần, tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhất là đối với những người lớn tuổi. Dễ nhận thấy nhất là tiếng ồn ảnh hưởng đến tâm lý, gây bức xúc cho người dân, có thể dẫn đến tranh cãi, xô xát, thậm chí xảy ra án mạng.

Nhà mặt đất đã vậy, người dân sống ở trong các khu chung cư cũng bị “tra tấn” bởi vô vàn các kiểu ô nhiễm âm thanh. Gia đình chị Vũ Thu Hương ở tầng 5 một chung cư sát đường Võ Chí Công (Xuân La, Hà Nội) không bao giờ dám mở cửa sổ vì tiếng xe cộ ầm ầm vọng vào, từ sáng đến đêm. Tiếng la hét của trẻ nhỏ, tiếng khoan đục tường, vợ chồng cãi nhau, bố mẹ mắng con, bát đĩa rơi vỡ... cộng hưởng với tiếng còi, động cơ mỗi khi mở cửa ban công khiến cả nhà chị Hương không chịu nổi. Trong nhà, người lớn nói chuyện như cãi nhau, trẻ nhỏ không thể tập trung học, xem tivi lúc nào cũng phải bật đến mức 35-40, dù đóng kín cửa.

Vốn thích cuộc sống yên tĩnh, anh Phan Thế Trung (Ba Đình, Hà Nội) chọn sống ở một chung cư ven đô, được quảng cáo là nhiều cây xanh. Để có thời gian thư giãn nghỉ ngơi, hòa mình vào thiên nhiên, anh chấp nhận mỗi ngày đi làm hơn 20km. Nhưng như thế cũng không thoát khỏi tiếng ồn. Chung cư cũng có quy định cụ thể về giờ sửa nhà, về tiếng ồn sau 10 giờ đêm. Nhưng tiếng ồn lại phát sinh từ dãy quán nhậu ngay dưới đường vọng lên. Loạt nhà hàng kinh doanh đồ ăn uống mở cửa suốt từ sáng sớm đến khuya, khách khứa nhậu nhẹt, hô hoán, chúc nhau ầm ĩ gây huyên náo quá mức. Cư dân có đi phản ánh với Ban quản lý, tình trạng cũng không giảm đi, loa nhạc vẫn đều đặn ầm ĩ.

Cũng ở chung cư ven đô, chị Phạm Thị Nhung (Gia Lâm, Hà Nội) lại bị ảnh hưởng bởi những hoạt động kinh doanh homestay của những căn hộ trong khu. Cuối tuần các gia đình, nhóm bạn trẻ đến thuê, chụp ảnh, tối họ mở nhạc ầm ĩ liên hoan. Chung cư các căn sát cạnh nhau, tường lại cách âm không tốt, nên cư dân cũng được hưởng đủ thứ nhạc sàn. Từng phản ánh mong có giải pháp xử lý, nhưng chị Nhung lại được khuyên “nên chấp nhận và thích nghi bởi hoàn cảnh chung”.

2/ Để xử lý các trường hợp vi phạm về tiếng ồn phải đo tiếng ồn, xác định vượt quá quy chuẩn cho phép. Nhiều khi các phường, xã không có thiết bị đo tiếng ồn, phải gọi đơn vị có chức năng. Cơ quan chịu trách nhiệm xử lý vi phạm tiếng ồn hiện nay chủ yếu thuộc về lực lượng công an phường, xã và công chức địa chính… lại không có thiết bị đo lường. Có khi đợi đoàn đủ các cấp đến thì vi phạm không còn. Một cán bộ phường cho biết, do thiếu thiết bị đo tiếng ồn nên một số trường hợp tuy bị xử phạt nhưng không đáng kể và mức phạt không đủ sức răn đe. Ngoài một số nguyên nhân, khó khăn đến từ quy định việc đo và phân tích âm thanh phải là đơn vị độc lập được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận. Chưa kể, mức độ ồn phải trừ đi độ ồn nền (phương tiện giao thông, tiếng nói chuyện, âm thanh của cơ sở khác) nhưng trong nhiều trường hợp, độ ồn nền cũng đã vượt mức cho phép.

“Ô nhiễm âm thanh là vấn đề vô cùng lớn của xã hội liên quan đến sức khỏe tinh thần của người dân, mong chính quyền có biện pháp mạnh để xử lý triệt để vấn đề này, nếu càng kéo dài thì hệ lụy gây ra thật khôn lường”, anh Trung mong mỏi.

Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế cho Nghị định 55 năm 2021) quy định mức xử phạt khá cao với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Trong đó, mức xử phạt thấp nhất từ 1-5 triệu đồng với hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA. Mức phạt cao nhất là 140-160 triệu đồng với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên nhưng các cơ quan chức năng đều thừa nhận rất khó thực hiện.