Đổi mới tư duy góp phần phát triển nông nghiệp

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tích cực thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần giúp nông nghiệp tăng trưởng, phát triển bền vững hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành nông nghiệp thay đổi tư duy để phát triển. Ảnh | Vneconomy
Ngành nông nghiệp thay đổi tư duy để phát triển. Ảnh | Vneconomy

Khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế

Năm 2022, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã vượt qua khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường toàn cầu bị đứt gãy, nhiều chuỗi cung ứng, giá vật tư đầu vào tăng cao để phục hồi và phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành công mới. Ngành đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đồng thời, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân.

Cùng với đó là gắn sản xuất với thị trường, sản xuất với chế biến, sản xuất với chuỗi giá trị gia tăng. Đây là điều rất quan trọng mà ngành Nông nghiệp đang triển khai thực hiện. Đồng thời, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết thúc năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt, với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD và có thêm nhiều mặt hàng bước vào nhóm xuất khẩu tỷ USD. Bên cạnh đó, công tác xây dựng chính sách pháp luật ngành để mở rộng không gian phát triển cho nông, lâm, ngư nghiệp cũng đạt được những kết quả tích cực.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 tăng 3,33% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,88%; chăn nuôi tăng 5,93%, thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Giá trị gia tăng của toàn ngành năm 2022 ước tăng trên 3%. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đã có thêm 3 mặt hàng mới bước vào câu lạc bộ kim ngạch xuất khẩu tỷ đô, đó là: cá ngừ (1,03 tỷ USD); thức ăn gia súc và nguyên liệu (1,13 tỷ USD); phân bón các loại và nguyên liệu (1,08 tỷ USD).

Đáng chú ý, trong năm 2022, công tác mở cửa thị trường có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo; thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển. Thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng có kim ngạch trên 2 tỷ USD, 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao-su, cà-phê).

Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Trong năm 2022, đã xây dựng được 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát (tăng 866 chuỗi so với năm 2021); nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ...

Nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Đồng thời, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc; lũy kế đến hết năm 2022 phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021...

Lan tỏa tư duy kinh tế nông nghiệp

Năm 2023 là năm được dự báo có rất nhiều khó khăn, do đó Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết ngành đề ra những giải pháp cụ thể, thống nhất tư duy làm việc đến từng cán bộ các đơn vị để xây dựng ngành Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với phương châm lấy người nông dân là trung tâm, phát triển nền nông nghiệp là nền tảng và phát triển nông thôn làm động lực.

Theo đó, năm 2023 là năm tiếp tục lan tỏa sâu sắc và cụ thể hơn trong chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi... là mục tiêu cuối cùng. Muốn vậy, phải kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến từ sơ đến sâu, dịch vụ thương mại nông sản, du lịch nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, kinh tế tập thể”.

Tư duy thị trường, tích hợp đa giá trị phải được cụ thể hóa trong từng chiến lược, đề án, dự án, quy hoạch, chương trình hợp tác quốc tế... tư duy tích hợp đa giá trị phải trở thành “phản xạ” của các lãnh đạo đơn vị, hình thành thói quen trong trao đổi công việc hằng ngày giữa các lãnh đạo cục, vụ, trung tâm, viện, trường với các địa phương.

Thứ hai, thực hiện bằng được mục tiêu “chuẩn hóa”. Chuẩn hóa từ giống, quy trình canh tác, nuôi trồng; chuẩn hóa quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hóa vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, mã cơ sở đóng gói; chuẩn hóa quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Chuẩn hóa quy trình thủ tục, tiến độ tiếp nhận, xử lý, giao trả hồ sơ đăng ký cấp phép, cấp giấy chứng nhận và các yêu cầu khác của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch.

Thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp thông qua việc tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Thiết kế chính sách phải phù hợp cơ chế thị trường, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, của xã hội và đối tượng thụ hưởng, đồng thời phục vụ mục tiêu hợp tác, liên kết và hình thành chuỗi ngành hàng. Triển khai chủ trương tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Huy động các viện, trường, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông có chương trình huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng làm nông mới, giá trị và kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Triển khai Chiến lược khoa học công nghệ, tập trung đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ... về với làng quê nông thôn. Đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Đó là những cơ sở nền tảng để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.