Đổi mới, tiếng gọi từ chính cuộc sống

Một trong những vấn đề quan trọng được Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII nhất trí là ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên này, các cấp ủy, tổ chức đảng, cần thống nhất cao về nhận thức, tiến hành đồng bộ các mặt công tác của Đảng theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ, bảo đảm đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh | Đăng Khoa
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh | Đăng Khoa

Mỗi giai đoạn, nhiệm vụ yêu cầu đặt ra đối với Đảng, đất nước mỗi khác, bởi thực tiễn luôn biến động không ngừng, thậm chí là khó lường như những năm gần đây. Mục tiêu, đích đến của cách mạng không đổi, nhưng để đến được đích đó, Đảng thường xuyên đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức, vận động, tập hợp nhân dân làm cách mạng phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Hoàn cảnh mới cần tư duy, cách làm mới

Không phải đến Đại hội lần thứ VI, Đảng ta mới thực hiện đường lối đổi mới mà từ những năm 1937-1939, trước tình hình, yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ, Đảng đã chủ trương đổi mới nhiều mặt. Trong tài liệu Chủ trương tổ chức mới của Đảng tháng 3 năm 1937, Ban Trung ương Đảng Cộng sản đã chỉ ra rằng: “Đảng ta đổi sách lược mà không thay đổi chiến lược, vì đổi sách lược nên phải đổi đường tổ chức lại cho thích hợp với đường chính trị mới”. Lý giải tại sao phải đổi mới kế hoạch tổ chức, tài liệu này nêu: “Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới bắt buộc Đảng ta phải có con đường chánh trị mới, con đường chánh trị mới lại bắt buộc phải có một đường tổ chức mới,...”. Trước hoàn cảnh mới mà không đổi mới sách lược và đường lối tổ chức thì Đảng khó tồn tại, chưa nói đến lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là tiếng gọi từ chính cuộc sống.

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, nhất là từ Đại hội VI đến nay, Đảng đã đề ra, từng bước hoàn thiện quan điểm đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đổi mới phương thức lãnh đạo đối với các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội,... Do có đường lối đúng đắn, công cuộc đổi mới hơn 35 năm qua đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII:

Trong quá trình đổi mới, cần kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân công, phối hợp, phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong 15 năm đã góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt hơn vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân. Song, bên cạnh thành tựu đạt được rất quan trọng, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, trong khi tình hình đất nước, thế giới đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới phức tạp hơn, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các tổ chức đảng, đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đổi mới việc xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết

Để đáp ứng tình hình, điều kiện mới, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần tiến hành một cách đồng bộ trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó, có thể nói, đổi mới việc xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết là một trong những nội dung, phương pháp quan trọng để hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng,…

Nội dung, chất lượng mỗi nghị quyết thể hiện năng lực tư duy, tầm nhìn, ý chí của cấp ủy, của đảng bộ và khát vọng vươn lên của Nhân dân. Một nhiệm kỳ đại hội là 5 năm và thường việc ra nghị quyết, cụ thể hóa chủ trương của đại hội để lãnh đạo chủ yếu ở nửa đầu nhiệm kỳ, vì thế việc lựa chọn vấn đề gì để ban hành nghị quyết, ban hành khi nào là kỹ năng lãnh đạo của mỗi cấp ủy. Nghị quyết càng sát thực tiễn, trúng những vấn đề lớn mà nhân dân đang quan tâm càng tạo được động lực trong quá trình thực hiện, bởi khi đó, ý Đảng, lòng dân sẽ hòa làm một. Để đạt yêu cầu này, quá trình xây dựng nghị quyết là quá trình phát huy cao độ trí tuệ của cả đảng bộ mà trước hết là tập thể cấp ủy, ban thường vụ. Từ đánh giá tình hình, chỉ ra những mặt làm được, chưa được, nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân phụ trách đến xác định các giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới đều phải được dân chủ thảo luận. Những việc khó, việc mới, chủ trương làm thí điểm, nhất là khi có vấn đề còn ý kiến khác nhau, hoặc trái chiều càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để thảo luận, tìm giải pháp tối ưu; tuyệt đối không được “cua cậy càng, cá cậy vây” như Tổng Bí thư thường hay nhắc nhở.

Khi nói về việc lãnh đạo thế nào cho đúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra ba điều, đó là quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng, tổ chức thi hành cho đúng và tổ chức sự kiểm soát cho đúng. Tất cả những điều ấy đều phải dựa vào kinh nghiệm của Nhân dân. Lâu nay, không ít ý kiến cho rằng, khâu tổ chức thực hiện nghị quyết còn yếu, thậm chí có nơi làm qua loa, hình thức, vì thiếu kiểm tra, đôn đốc, hoặc kiểm tra không đến nơi đến chốn. Thực tế là nơi nào cấp ủy, trực tiếp là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện thì nơi đó nghị quyết được hiện thực hóa sinh động trong cuộc sống.

Minh chứng rõ nhất là kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chưa có nghị quyết nào khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên như nghị quyết này, nhưng kết quả thực hiện để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng nhân dân. Có được điều ấy là nhờ quyết tâm chính trị cao, tinh thần quyết liệt, cách làm bài bản của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là bài học quý để chúng ta đổi mới việc ra nghị quyết và đặc biệt là việc thực hiện nghị quyết. Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện, phải thống nhất ý chí, hành động quyết liệt, sáng tạo nhưng có bước đi phù hợp, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với phát huy sức mạnh tập thể của cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp, các ngành; coi trọng tổng kết thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tạo đột phá trong quá trình thực hiện.

Đổi mới phương thức lãnh đạo là yêu cầu thường xuyên đối với mỗi tổ chức đảng, song phải có tư duy khoa học, gắn liền với yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm mọi nguyên tắc, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.