Sinh ra và lớn lên tại buôn Bồ Liêng, Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), thuở nhỏ, quanh năm gắn bó với ruộng vườn như chính tên gọi tộc người ông Cơ Ho Srê (srê là ruộng). Năm 1978, K’Ten tròn 21 tuổi, được Ka Khuy đem lòng yêu thương "bắt" về làm chồng. K’Ten rời buôn làng theo vợ về thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) sinh sống. Hôm tôi đến, bà Ka Khuy, người phụ nữ luôn cận kề với K’Ten trong những chuyến thăm rừng đã về với rừng Yàng. "Ka Khuy được cha mẹ đặt tên theo quy ước của người Cơ Ho, nhưng bà là người Raglai chính hiệu. Giờ rừng thiêng núi Voi mất đi một đôi mắt giữ rừng, buồn lắm", K’Ten chùng xuống.
Già bị thương lúc nào? - Tôi lái câu chuyện. "Thời tham gia lực lượng chuyên săn chống Fulro. Mình là đội trưởng, được giao trà trộn vào lòng địch; ăn rừng, ngủ rừng. Trong trận đánh không cân sức lần thứ bảy vào năm 1981, một mình chọi 30 tên Fulro ở khu vực suối Cà Rèn, gần thác Prenn, mình bị bắn vào chân, thương binh hạng 4/4. Trận đó tưởng như nằm lại rừng thiêng rồi chớ", già K’Ten kể.
Khoảng thời gian sau giải phóng, lực lượng của tổ chức phản động Fulro bắt đầu hoạt động mạnh tại khu vực Tây Nguyên. Chúng tìm cách lôi kéo bà con đồng bào dân tộc thiểu số vào chốn rừng sâu tổ chức chống đối, phá hoại chính quyền. K’Ten thì không, ông sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động tại khu căn cứ núi Voi, thuộc lực lượng Công an tỉnh Lâm Đồng chiến đấu chống Fulro, bảo vệ buôn làng. Ông thuộc làu những cái tên các đồng chí trong chuyên án mật danh F101 nổi tiếng.
Với những người đã nghe xúi giục, chống lại cuộc sống hòa bình, ấm no của dân tộc, K’Ten đành phải cầm súng để thu phục, khuyên họ trở về con đường sáng. Và những ngày ấy, chính rừng đã góp phần làm nên chiến thắng trong trận chiến đấu tiêu diệt căn cứ Fulro trên địa bàn huyện Đức Trọng vào năm 1986. Rời đội "chim xanh", nhưng K’Ten vẫn ở lại với rừng cho đến tận bây giờ. "Xưa đánh Fulro được rừng che chở, máu cũng đổ rồi. Thôi, cái đó không nói nữa. Giờ trả ân tình của rừng. Mà bảo vệ mầu xanh của rừng nhiều khi cũng phải đổ máu", già K’Ten nói.
Tôi gặp K’Ten lâu rồi, hồi ông còn ở ngôi nhà khang trang cạnh đường lớn lên Đà Lạt. Ngôi nhà đủ rộng, đủ lớn để vợ chồng ông sum vầy bên bốn người con và những đứa cháu. Nhưng ông quyết lên cửa rừng ở để tiện cho việc bảo vệ rừng, gìn giữ quần thể thông đỏ, du sam quý hiếm và tìm sự bình yên giữa đại ngàn. "Rừng cho đồng bào mình mọi thứ, cho con thú có chỗ ở, con chim có cành đậu, giúp con nước không đi lang thang... Phải bảo vệ rừng cho con cháu mai sau. Bác Hồ đã dạy "rừng là vàng" mà", già K’Ten khảng khái.
K’Ten có thể tìm đến chính xác vị trí những cây thông đỏ, du sam mà không cần máy định vị. Hơn 25 năm qua, ông nhận quản lý, bảo vệ 32 ha rừng trên đỉnh núi Voi. Trong đó có quần thể 59 cây thông đỏ quý hiếm và nhiều cây du sam đang bị lâm tặc lăm le tận diệt, thuộc các tiểu khu 268, 277A, địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. "Quần thể thông đỏ ở núi Voi còn mấy trăm cây, quý lắm. Nó rất cao, sừng sững reo với nắng gió, mưa bão. Xưa đi đánh Fulro cũng chưa biết gọi tên, chỉ gọi là Cil B’rê theo đồng bào mình, nghĩa là cây tùng; nhiều cây đến năm, sáu người ôm, lớn lắm. Mấy năm trước, bốn cây trong khu vực mình bảo vệ bị bệnh, ngã đổ, đau lắm", già K’Ten thông tin.
Đã qua 65 mùa rẫy, bị thương ở chân, nhưng K’Ten vẫn tinh anh như con nai rừng. Hơn 25 năm ăn ngủ với rừng, không ngọn núi, con suối nào không lưu lại dấu chân ông. Ở đâu có thông đỏ, du sam, ở đó có K’Ten. Buôn làng trìu mến gán thêm cho ông hai tiếng Dam Jòng, thể hiện sự trân quý. "Hầu như ngày nào mình cũng đi rừng. Có ngày đi tới ba chục cây số, đếm và ngắm từng cây thông đỏ, du sam. Nhìn rừng xanh tươi là mọi lo âu, mệt mỏi tan biến. Lo nhất là mùa mưa bão cây rừng gãy đổ, hay nghe tin có lâm tặc dòm ngó, là phải tức tốc vào rừng", già K’Ten nói.
Trong những chuyến ngược xuôi buôn làng K’Long, tôi đã gặp ông K’Bríu, từng đồng đội với K’Ten thời đánh Fulro. "Xưa, mình với K’Ten cùng tham gia đánh hai trận với bọn Fulro. Ông ấy rất gan dạ, nhiệt tình, mưu trí. K’Ten xưa nay vẫn thế. Giờ ông đã ở đây để giữ rừng, yên tâm lắm. Những cây thông đỏ, du sam, trước đây K’Ten chưa biết cây gì, ông chỉ biết rừng thiêng đã che chở ông và đồng đội. Giờ phải bảo vệ rừng, trả nợ rừng", ông K’Bríu chia sẻ.
Chưa bao giờ rừng Tây Nguyên hết "nóng". Chưa bao giờ những loài cây đặc hữu thôi bị đe dọa. Rừng vẫn chảy máu và K’Ten từng ngày vẫn sục sôi với rừng, sống với rừng và trên đỉnh núi thiêng vẫn là những cánh rừng thường xanh. Đã không ít lần ông bị "lâm tặc" đe dọa, tấn công; hai lần cái chòi canh bị đốt, ông lại nhặt nhạnh bìa gỗ dựng lên chòi mới. K’Ten vẫn thế, vẫn ở đây để trả nợ rừng. "Mình làm việc đúng, có lực lượng công an, kiểm lâm, ban quản lý rừng hỗ trợ... nó mới phải sợ mình chứ. Mình còn thì rừng thông đỏ, du sam phải còn", già K’Ten quả quyết.
Trưa, núi Voi bồng bềnh mây trắng. Già K’Ten dẫn tôi lên tới cây thông gắn số 120 ở độ cao chót vót. Gốc cây chừng sáu người ôm. Đã có đoàn khoa học người Mỹ được ông dẫn đến đây, họ xác định cây thông đỏ này khoảng 2.500 năm tuổi. Tôi vô tình gặp Ha Duy, người hằng ngày cũng len lỏi trên đỉnh núi Voi để canh giữ rừng. Những dấu chân của Ha Duy trên những con đường mòn giữa rừng già lại chồng lên dấu chân tiền bối. "Chú già rồi, sau này cái chân không còn vào rừng được, Ha Duy phải giúp chú tiếp tục bảo vệ cánh rừng thiêng này nhé", già K’Ten gửi gắm. "Phải rồi, mình phải bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh, nguồn nước cho đồng bào mình chứ", Ha Duy chắc nịch.
"Hồi trước ở vùng này thấy cây rừng bị lâm tặc đốn hạ đau lắm. Người Tây Nguyên mình cả đời gắn với rừng, chết cũng về với Yàng Bơnơm, Yàng Bri (thần núi, thần rừng). Rừng là chốn thiêng, nên mình phải vận động bà con giữ rừng. Hiểm nguy cũng phải giữ mầu xanh cho rừng", đội trưởng lực lượng chuyên săn chống Fulro một thời, quay sang tôi. Và tôi hiểu, trong đôi mắt của người thương binh ấy, rừng như lẽ sống, căn cứ địa Núi Voi là chứng tích lịch sử, là núi thiêng, K’Ten phải trả ơn rừng.
K’Ten khoe, đã hai lần được ra thăm Lăng Bác. Năm 2019, ông vinh dự cùng các già làng Lâm Đồng dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai. Tấm hình Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp chung với các già làng Tây Nguyên, cùng bằng khen của Bộ Công an trao tặng hồi đó, được ông treo trang trọng ở phòng khách như một lời nhắc nhớ. "Mình luôn khắc ghi lời dạy trong thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam tổ chức tại Gia Lai năm 1946. Phải cố gắng học tập, làm theo tấm gương của Bác để đồng bào mình được ấm no, hạnh phúc. Đồng bào mình luôn son sắt và mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn, như mãi mãi đi theo ánh sáng mặt trời", già K’Ten nói.
Chiều. Tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ. Suối Croc Epị vẫn róc rách chở con nước về xuôi. Già K’Ten vẫn ở đó làm "đôi mắt" của rừng thiêng. Chiếc áo lính sờn vai hòa vào mầu xanh của rừng.