Cuốn sách còn có thêm phần phụ lục gồm 5 vở kịch ngắn từng in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy từ năm 1939 đến 1944, cùng một số minh họa đã in trong các bản gốc. Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm, hơn 20 năm qua, gia đình và các bạn bè nhà thơ đã được biết thêm nhiều thông tin về các sáng tác của nhà thơ. Nhiều văn nghệ sĩ và bạn đọc đã giới thiệu cho gia đình nguồn tư liệu số hóa về Tiểu thuyết thứ bảy, Tuần báo Truyền bá, Nhà xuất bản Tân Dân…, củng cố thêm mong muốn sưu tầm, lưu giữ các sáng tác văn thơ của tác giả “Tống biệt hành”. Từ đây, một số truyện ngắn, truyện dài, kịch ngắn… của nhà thơ đã được tìm thấy từ dữ liệu số hóa ảnh bản gốc của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quốc gia Pháp, một số nhà sưu tầm bản gốc… Những tư liệu này góp phần cho sự trở lại trang trọng và phong phú hơn của tác phẩm Thâm Tâm đến bạn đọc.
Đọc thêm về tác phẩm Thâm Tâm
Thời gian qua, tập “Truyện ngắn Thâm Tâm” được Nhà xuất bản Văn học ấn hành với sự bổ sung thêm bảy truyện ngắn so cuốn “Thâm Tâm truyện ngắn” từng in năm 2000.