Doanh nghiệp dần lấy lại lạc quan

Theo Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm, cả nước có 41,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Song, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Môi trường lãi suất thấp tạo ra những ảnh hưởng tích cực với nền kinh tế. Ảnh: BẮC SƠN
Môi trường lãi suất thấp tạo ra những ảnh hưởng tích cực với nền kinh tế. Ảnh: BẮC SƠN

Năm 2024, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh số, mà đặt mục tiêu ổn định doanh số, tối ưu hóa sản xuất để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Những khó khăn chưa giảm bớt

Chuyên sản xuất dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược mỹ phẩm, nguyên liệu làm thuốc y học cổ truyền, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc sản xuất Công ty CP Công nghệ cao Thái Minh cho biết, trong nhiều năm qua, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp luôn hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng đề ra. “Thu nhập giảm, chi phí tăng nên người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hàng tồn của doanh nghiệp rất nhiều. Vì vậy, trong năm 2024, chúng tôi sẽ tăng cường hoạch định lại công tác tổ chức sản xuất, loại bỏ các chi phí thừa, để gia tăng lợi nhuận”, ông Nguyễn Tiến Thành khẳng định.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp do Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 11/3 cho thấy, có tới hơn một nửa (51,7%) số doanh nghiệp cho biết, không hoàn thành kế hoạch doanh thu trong khi 46,7% số doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch ở hai chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Sang năm 2024, bức tranh tổng thể, sắc xám vẫn đang bao phủ và chưa thể loại bỏ một sớm một chiều do kinh tế thế giới dù không suy thoái nhưng tăng trưởng chậm lại, hay thương mại quốc tế giảm động lực tăng trưởng. Đặc biệt, áp lực về đáo hạn các khoản trái phiếu trong năm 2024 vẫn còn rất lớn. Tổng giá trị đáo hạn lên tới gần 279.219 tỷ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%. Điều này có thể làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp, tạo sức ép tài chính và ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu cũng như các kế hoạch của doanh nghiệp.

“Với những khó khăn này, chỉ có 5,3% số doanh nghiệp cho rằng, năm 2024 tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt hơn 6,5% và số đông doanh nghiệp (31,6%) lựa chọn kịch bản tăng trưởng từ 5 - 5,5%”, Vietnam Report thông tin.

Nhìn nhận về những khó khăn này, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông thường, hằng năm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong quý I thường cao hơn các quý còn lại, do là thời điểm kết thúc năm tài chính - doanh nghiệp xem xét còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động hay không.

Tuy vậy, so với các tháng cuối năm 2023, mỗi tháng có khoảng 11 - 12 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì số doanh nghiệp này tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm nay. Bình quân mỗi tháng có gần 31,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. “Xung đột vũ trang giữa các nước, những trục trặc trong quan hệ giữa các quốc gia đã và đang tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Hiện nhiều ngành hàng của Việt Nam gặp khó do vận tải qua Biển Đỏ gặp nhiều rủi ro, nhiều chuyến tàu hàng bị đổi hướng cho nên thời gian giao hàng kéo dài, chi phí tăng cao”. Những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 chưa giảm bớt mà vẫn kéo dài sang năm 2024.

Doanh nghiệp dần lấy lại lạc quan ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp có triển vọng sản xuất, kinh doanh ổn định trong năm 2024. Ảnh: NAM HẢI

Mức độ lạc quan được cải thiện

Theo ông Tuấn, trong thời kỳ Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chờ giải thể hay phá sản tăng cao. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại tăng. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất định, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính sách này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.

“Đối với những chính sách hỗ trợ về giảm thuế, phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay. Còn những chính sách hỗ trợ về vốn, nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít. Đây là bài học để chúng ta thiết kế chính sách cho doanh nghiệp trong năm 2024”, ông Tuấn nêu rõ.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Vietnam Report cũng chỉ ra điểm tích cực là mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã phần nào cải thiện. Cụ thể, trong hai tháng đầu năm nay, triển vọng nền kinh tế trong năm 2024 được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 3,5/5 - mức khả quan so với năm 2023. Trong khi đó, triển vọng của chính bản thân doanh nghiệp được đánh giá khởi sắc hơn, ở mức 3,8/5.

Sự lạc quan của doanh nghiệp có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn lòng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khó khăn. Hơn nữa, dấu hiệu phục hồi dù chậm và không đồng đều, song cơ bản đã và đang dần xuất hiện ở một số lĩnh vực và ngành nghề. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý trong khi xuất khẩu dù giảm 4,6% trong năm qua nhưng xét riêng quý cuối cùng của năm 2023, lĩnh vực này đã hồi phục gần 8,8% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, điểm tựa tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong năm 2024 đến từ sự đồng hành của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, mặt bằng lãi suất cho vay giảm cùng các chính sách gỡ khó, hỗ trợ khơi thông các nguồn lực là cơ sở quan trọng cho doanh nghiệp vững tin đầu tư, kinh doanh, kiến thiết lại một quỹ đạo tăng trưởng mới.

Không chỉ quyết liệt thực thi giải pháp tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh, khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ cũng duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 18/CĐ-TTg yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong năm nay. Thực tế, mặt bằng lãi suất tiền gửi tháng 2 vừa qua đã giảm gần 4% so với cùng kỳ 2023 trong khi lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng duy trì trong năm 2024 và tạo ra những ảnh hưởng tích cực, kích cầu tín dụng.