Ðoàn kết, công việc hôm nay

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng tiền bối luôn nhắc nhở các tổ chức đảng, đảng viên giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Ðảng làm cơ sở, nền tảng vững chắc để đoàn kết toàn dân.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh | ĐĂNG KHOA
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh | ĐĂNG KHOA

Có những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của một đơn vị, nói rộng hơn, của cả cộng đồng, dân tộc là con đường, là đích đến xuyên thế kỷ. Có những sự nghiệp, những đòi hỏi, yêu cầu xây dựng tổ chức, xây dựng con người mà thời nào cũng không thay đổi, nhưng lại cần bổ sung, phát triển, cụ thể hóa cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mới. Đoàn kết là một trong những đòi hỏi, yêu cầu như thế.

Trong lịch sử 93 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng ta, đoàn kết luôn được coi là cội nguồn, là nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại. Điều đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong câu nói bất hủ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Đoàn kết, một cách hiểu đơn giản nhất là, bằng cách nào tập hợp được lực lượng, kết thành một khối thống nhất cùng hoạt động vì một mục đích chung - “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Còn đại đoàn kết là nói tới sự đoàn kết rộng rãi, có quy mô, thành phần, lực lượng rộng lớn hơn, đủ khả năng “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, “kiên quyết giành cho được độc lập”.

Ngược lại với đoàn kết là mất đoàn kết, là sự phân tán, chia rẽ, thậm chí thù địch. Cũng không hẳn mất đoàn kết nhưng ở không ít nơi có hiện tượng đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, tự phê bình và phê bình bị biến dạng. Tình trạng mất đoàn kết cũng muôn màu muôn vẻ và mỗi thời kỳ lại mang những màu sắc mới với những chiêu trò tinh vi và phức tạp, kéo bè kéo cánh, ném đá giấu tay, khiến cho tình hình nội bộ không ổn định kéo dài, gây nhiều hệ lụy xấu. Ở một số nơi có tình trạng đáng lo ngại, “mất đoàn kết ngầm”, gây khó cho việc kiện toàn tổ chức, bổ nhiệm cán bộ. Người có trách nhiệm về công tác nhân sự gặp riêng người cánh hẩu, dặn rằng: Tôi thì không thể không bầu, nhưng các chú thì... tùy. Chữ tùy là “mật mã” vô cùng lợi hại. Để rồi trong cuộc họp, người ta tâng bốc nhau lên tận mây xanh, nhưng ra ngoài thì chê bôi, dựng chuyện. Khi giới thiệu để lấy phiếu tín nhiệm quy hoạch, bổ nhiệm, họ không tiếc lời khen, nào là bằng cấp đầy mình, nào là chuyên môn siêu giỏi, nhưng khi cầm lá phiếu thì chính họ “gạch rách cả giấy”. Ban lãnh đạo mười người thì cả mười đều khen, nhưng phiếu giới thiệu thì không quá bán. Thế là phát sinh những quả tù mù có khói độc.

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng tiền bối đã luôn nhắc nhở các tổ chức đảng, đảng viên giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm cơ sở, nền tảng vững chắc để đoàn kết toàn dân. Trong Bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Hơn 50 năm thực hiện Di chúc của Người, lời dặn về “giữ gìn con ngươi của mắt mình” vẫn luôn luôn là vấn đề thời sự hôm nay và mãi mãi về sau. Trong những bài nói, bài viết gần đây khi bàn về việc giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường dùng những hình ảnh, lời nói dân dã và những dẫn chứng trong thực tiễn. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) tháng 5/2023, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian tới cần: “đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần “Tiền hô hậu ủng”,“Nhất hô bá ứng”,“Trên dưới đồng lòng”,“Dọc ngang thông suốt”.

Muốn có sự “đồng lòng”, “thông suốt” thì phải khơi thông được điểm nghẽn, phá vỡ được ách tắc, trì trệ. Đảng ta nhận rõ rằng, vấn đề căn cơ là phải làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc nạn tham nhũng, tiêu cực. Phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Muốn có sự “đồng lòng”, “thông suốt” thì một, hai cá nhân dù có tài giỏi đến đâu cũng không làm được mà cần có sự trao đổi, bàn bạc. Khi thông suốt về tư tưởng, thống nhất về định hướng, bước đi, cách làm thì mọi việc sẽ suôn sẻ. Có nghị quyết rồi, thống nhất cao rồi thì tìm cách thực hiện tốt nhất, nhanh nhất, chứ không phải “rằng hay thì thật là hay/ xem ra thực hiện còn gay nhiều bề”.

Cố nhiên, đoàn kết mang tính động, tập thể thống nhất chủ trương rồi nhưng có những người vẫn còn bảo lưu ý kiến thì họ có quyền tiếp tục suy nghĩ, phản biện, đồng thời có sự thay đổi, thích nghi, thậm chí có thể hi sinh lợi ích cá nhân để giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Ta hiểu đấu tranh để phát triển là như thế. Chân lý có thể ban đầu là thiểu số, nhưng rồi qua thực tiễn, qua vận động, phát triển, cái gì hợp quy luật thì nó tồn tại, cuối cùng chân lý, lẽ phải đã được bảo vệ. Điều này khác với quan điểm tả khuynh: muốn phát triển, muốn trưởng thành thì phải đấu, có địch thì phải đấu, không có địch thì phải tạo ra kẻ địch để mà đấu (!) Đảng ta khẳng định: Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là vũ khí để chống lại tả khuynh và hữu khuynh. Phê bình thẳng thắn, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau chứ không phải sát phạt, đấu tố. “Đồng lòng”, “thông suốt” là như thế!

Lò lửa đấu tranh chống tham nhũng đã và đang rừng rực cháy. Ai chần chừ, ai nhìn bắc ngó nam, né tránh, đùn đẩy, thì đứng sang một bên! Điều này không dừng lại ở lời cảnh tỉnh, nhắc nhở mà đã trở thành hiện thực. Qua đấu tranh phê bình, qua việc lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, cán bộ, đảng viên, cùng nhân dân cả nước đã thấy rõ tinh thần nói đi đôi với làm. Một số Ủy viên Trung ương, cán bộ cao cấp đã tự nguyện xin từ chức khi không còn đủ uy tín và năng lực. Làm “quan lớn” mà không đủ sức làm việc lớn, tự “hưu quan” có thể vẫn được người dân cảm thông, chia sẻ. Thế cũng là “thông suốt” từ trong Đảng ra ngoài xã hội.

Chợt nhớ câu chuyện về đồng chí Trương Quang Giao (3/1910-7/1983) - Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy Khu 5, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi được đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã xin rút và khiêm tốn nói rằng “sợ ảnh hưởng đến trí tuệ Trung ương”. Còn nay, ông cựu Bí thư Tỉnh ủy, ông cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai lúc đương chức đã ngang nhiên nhận quà biếu là những lô “đất vàng” mặt phố thì chỉ có thể là dẫn chứng cho lòng tham không đáy, cho sự không tự biết mình, cho một tập thể cấp ủy mất sức chiến đấu, có những thành viên biến cuộc họp phê bình thành nơi cấp dưới nịnh cấp trên, hạ thấp bản thân để chiều lòng người khác. Kiểu giữ “im lặng là vàng” như thế khiến cho cái sai nhỏ tích tụ lâu ngày thành sai lớn, thật là nguy hại.

Đoàn kết, công việc của hôm nay còn bao điều đáng bàn và đáng làm. Trước hết là làm thường xuyên, làm tốt hơn nữa, tự nhiên như chuyện thường ngày, như lòng tốt tự quên, như cây đời tỏa bóng.