ĐIỂM SÁNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

NDO - Hà Nam gần đây đã trở thành một điểm sáng của công nghiệp công nghệ cao, hội tụ đủ thiên thời, địa lợi nhân hòa...
0:00 / 0:00
0:00
Khu Công nghiệp Đồng Văn 1 huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
Khu Công nghiệp Đồng Văn 1 huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Sức hút của môi trường đầu tư

Từ Trung tâm Hà Nội, theo cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ chỉ khoảng 1 giờ di chuyển là đã tới Hà Nam. Đây là một lợi thế, khi mà trong mối liên hệ với vùng Thủ đô Hà Nội, Hà Nam được xác định trong vùng đối trọng phía đông và Đông Nam có chức năng phát triển công nghiệp đa ngành. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX đã xác định, giai đoạn 2021-2025 phát triển công nghiệp công nghệ cao là trọng tâm.

Ngày 14/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch Khu công nghệ cao Hà Nam vào quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của cả nước. Như vậy, cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Hà Nam là địa phương tiếp theo hình thành khu công nghệ cao.

Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.500ha, trong đó tỷ lệ đất công nghiệp chiếm hơn 70%, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung bốn khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, với tổng diện tích gần 1.000ha.

Hà Nam đã và đang tích cực tạo môi trường đầu tư đồng bộ, hiện đại để thu hút những nhà đầu tư “lót ổ” cho những đại bàng trong lĩnh vực công nghệ cao.

Khu công nghiệp Đồng Văn 2 là một trong những minh chứng. Khu công nghiệp này có vị trị địa lý thuận lợi, nằm trên thị trấn Đồng Văn huyện Duy Xuyên, liền kề quốc lộ 1A, gần đường cao tốc Hà Nội-Ninh Bình, đường quốc lộ 38 và tuyến đường sắt bắc nam, cách Hà Nội 40km, cách sân bay Nội Bài 70km và cách cảng Hải Phòng 90km.

Nhưng sức hấp dẫn của khu công nghiệp này không phải chỉ đến từ vị trí địa lý mà còn ở hạ tầng đồng bộ hiện đại từ hệ thống điện, nước, dịch vụ viễn thông, cảnh quan môi trường.

Hệ thống đường trong khu công nghiệp Đồng Văn 2 được xây dựng hoàn chỉnh, rộng rãi với chiều rộng khoảng 40m. Những con đường phụ có chiều rộng khoảng 22,5m bảo đảm các phương tiện giao thông cỡ lớn có thể dễ dàng di chuyển.

Nguồn điện hoạt động hiệu quả và ổn định với điện áp 110KV và công suất đạt tới 103MW. Có hai nhà máy nước liên tục hoạt động, công suất nước đạt tới 20.000 m3, cung cấp nước sạch cho toàn khu công nghiệp. Nguồn mạng viễn thông được đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của mọi công nhân viên. Khu công nghiệp Đồng Văn 2 còn hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Viettel, VNPT,... để bảo đảm dịch vụ viễn thông và mạng internet luôn được ổn định.

Cây xanh được phủ kín các con đường trên khu công nghiệp. Diện tích cây xanh lên tới 10%, giúp bảo đảm không khí trong lành và cảnh quan môi trường sạch đẹp. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải cũng được vận hành, bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường.

Nơi đây trở thành đất lành của nhiều nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, xe hơi, xe máy, công nghệ thông tin... 10 năm qua nhiều doanh nghiệp đã “an cư lạc nghiệp” tạo nên nhiều giá trị gia tăng trên mảnh đất này. Có thể kể đến Công ty Điện cơ Thống nhất - chi nhánh Hà Nam chuyên sản xuất những sản phảm đồ điện gia dụng; Công ty Shimizu Corporation - thầu chính công trình xây dựng nhà máy của chi nhánh Công ty Honda Việt Nam; Công ty TNHH YOKOWO Việt Nam chuyên sản xuất dây và thiết bị dây dẫn.

Định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao được Hà Nam đặt ra một cách cụ thể và thực hiện quyết liệt. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh chú trọng tăng cường thu hút nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp ô-tô, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Đây là các ngành tận dụng được nền tảng, trình độ phát triển công nghiệp hiện có của tỉnh và tiềm năng của Hà Nam. Đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao hơn như các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và dược phẩm, Hà Nam sẽ chủ động, tích cực chuẩn bị hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện đại, đồng bộ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và quảng bá tới các nhà đầu tư lớn về cơ hội và các ưu đãi tại Hà Nam.

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp Hà Nam chia sẻ: “Chúng tôi tham mưu cho tỉnh tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường thu hút đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính cũng như cung cấp dịch vụ đầy đủ cho các nhà đầu tư tới Hà Nam. Hiện nay thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng được các cấp chính quyền thực hiện theo cơ chế “một cửa”, qua đó rút ngắn thời gian so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch cho nhà đầu tư. Đồng thời, công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dịch vụ viễn thông, ngân hàng, hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp luôn được bảo đảm và không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng”.

Tỉnh Hà Nam đang huy động các nguồn lực tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các công trình, dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp, hạ tầng cảng thủy nội địa,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hà Nam trở thành điểm sáng về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia - góp phần tạo nên sức hút trong môi trường đầu tư của tỉnh với tinh thần phát triển hài hòa, bền vững.

Đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị hiện có hai dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sử dụng đất nhà ở xã hội là 37.323 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 62.497 m2, tổng căn hộ khoảng 936 căn. Đó chỉ là một bước khởi đầu để nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tiếp tục được triển khai theo chủ trương của tỉnh.

Chủ động mời gọi “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ cao

Để thu hút được những “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ cao, Hà Nam đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chú trọng sang các nước phát triển để giới thiệu, quảng bá tiềm năng của tỉnh. Trong sáu tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hai đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và một số nước châu Âu (Đức, Hà Lan, Hungary) để giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư. Đoàn đã làm việc với Tập đoàn Gentherm có trụ sở chính tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là tập đoàn đa quốc gia và sản xuất đa ngành nghề, như: sản phẩm nhiệt, quạt thổi, hệ thống dây điện, dây cáp, sưởi tay lái, cảm biến tay lái, cảm biến và các sản phẩm điện tử dành cho ngành công nghiệp ô-tô. Ở Hà Nam, Gentherm có nhà máy tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2. Giai đoạn 1 nhà máy đang hoạt động trên diện tích 3,7 ha, tạo việc làm cho hơn 900 lao động, mỗi năm nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Lãnh đạo tập đoàn cảm ơn chính quyền tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ cho Gentherm tại Việt Nam trong suốt thời gian qua và đặc biệt là đợt dịch Covid-19, được ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân và người lao động. Nhờ đó hoạt động của nhà máy không bị ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tập đoàn Gentherm dự kiến sẽ sớm triển khai đưa giai đoạn 2 của nhà máy tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 đi vào hoạt động, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ châu Âu.

Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp gỡ, trao đổi đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ mối quan tâm đối với tỉnh Hà Nam và lên kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực tế tại tỉnh này để đầu tư các dự án theo hướng công nghiệp công nghệ cao.

Những hoạt động đó đã góp phần mang lại kết quả tích cực về thu hút đầu tư của Hà Nam. Ông Trần Văn Kiên hồ hởi cho biết: “Trong sáu tháng đầu năm 2023, các khu công nghiệp đã thu hút được 11 dự án, trong đó có 7 dự án FDI và 4 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 97,74 triệu USD và 500 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 9 lượt dự án (7 dự án FDI và 2 dự án trong nước); tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 110,75 triệu USD và 548,61 tỷ đồng”.

Với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, Hà Nam đang tạo ra bước chuyển tích cực trong phát triển công nghiệp, hướng đến mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của khu vực đồng bằng sông Hồng