Đến Đường Lâm nghe chuyện thú vị

Với nhiều người, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) không còn lạ lẫm với những con đường lát gạch đỏ son, những mái nhà đượm màu năm tháng hay cây đa, giếng nước, sân đình cổ kính… Tuy nhiên, nơi đây còn có những câu chuyện chờ được khám phá.
0:00 / 0:00
0:00
Sân đình vẫn là nơi phơi nông sản của người dân.
Sân đình vẫn là nơi phơi nông sản của người dân.

Cốc cốc đánh mõ đi “họp”

Ở Đường Lâm hiện còn tồn tại hai chiếc mõ, một cái ở đình làng Mông Phụ và một cái khác ở điếm xóm Đình. Chiếc mõ được tạc thành hình con cá treo ngược. Những người dân làng cho biết, bình thường khi mua cá ở chợ, người bán thường treo dây vào mang cá, tức là phần đầu cá. Nhưng chiếc mõ lại được xâu móc sắt vào phần đuôi, nghĩa là cá sống với mong muốn sự sống, mọi việc đều có lối thoát, hướng đến hy vọng. Hình con cá cũng là con vật dễ đẽo gọt và có gắn bó sâu sắc với người nông dân. Cổng đình làng Mông Phụ cũng được trang trí họa tiết hình con cá rất sống động.

Nếu như mõ ở đình làng được gọi là “mõ cái” thì mõ ở điếm xóm sẽ là các mõ con. Theo ông Tục (75 tuổi) người trông coi đình làng hay theo cách gọi của người dân nơi đây là ông từ chia sẻ rằng, trước đây khi có cháy, vỡ đê, lễ cúng hay chuyện gì muốn thông báo cho dân làng thì thằng Mõ, mẹ Đốp (những người chuyên gõ mõ thời xưa) sẽ gõ mõ lớn ở đình, rồi những người chịu trách nhiệm mõ xóm sẽ gõ để mọi người hay tin.

Chất liệu để làm nên những chiếc mõ này cũng rất đặc biệt là từ gỗ sung hoặc gỗ lim để tránh mối mọt và thuận tiện cho việc tạo hình chiếc mõ. Cũng chính bởi chất liệu như thế nên hai chiếc mõ này đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn dù trải qua hàng trăm năm tuổi. Ngày nay, mõ ở đình làng chỉ còn sử dụng vào các dịp cúng lễ; ngược lại mõ ở điếm xóm Đình vẫn được dùng thông báo hội họp hoặc ma chay để người trong xóm đến quyên góp theo lệ làng.

Nhà thờ cổ - yếu tố đặc biệt của làng

Ngôi nhà thờ của giáo họ Mông Phụ được xây lại trên nền móng của nhà thờ cũ trước đó. Xét về độ cổ kính thì nhà thờ này vẫn còn trẻ so bề dày lịch sử của ngôi làng. Tuy nhiên, nhà thờ có những đồ vật cổ như: Kiệu rước Đức Mẹ, chuông trên tháp nhà thờ…, tất cả đều có tuổi đời trăm năm và được đặt hoặc mua tại Pháp. Bên cạnh đó, nhà thờ cũng có chiếc cổng với tuổi đời 110 năm được xây cùng nhà thờ cũ, vẫn được giữ lại như chứng tích của nhà thờ cổ đối với người dân nơi đây.

Phải một lần được sờ, chạm vào từng đồ vật cổ, gõ vào từng chiếc mõ, nhìn thấy những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, ăn những món ăn truyền thống nơi đây..., và nghe những câu chuyện được các thế hệ trao truyền mới thật sự hiểu thêm về sự cổ kính của ngôi làng hàng trăm năm tuổi, về những giá trị vật thể, phi vật thể trong lối sống, lệ làng của làng quê xưa vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Theo Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, trung bình mỗi ngày có khoảng 160 đến 170 lượt khách tham quan. Vào mùa lễ hội tháng Giêng, du khách đến đông hơn với khoảng 1.600 lượt mỗi ngày.

Chị Hải Anh (36 tuổi, Hà Nội) lần đầu tiên cùng gia đình đến tham quan nơi đây. Các con của chị đã có một ngày trải nghiệm cuộc sống ở làng cổ qua các hoạt động đạp xe quanh làng, thăm nhà cổ và ăn các đặc sản nơi đây. Chị Hải Anh chia sẻ: “Nơi đây là một điểm tham quan thú vị, gần Hà Nội lại là di tích cổ. Tuy nhiên, theo tôi nếu được đầu tư để duy trì thì sẽ tốt hơn”.

Đường Lâm là một trong số ít địa bàn nông thôn còn gìn giữ được phong thái của làng quê Việt Nam xưa trong bối cảnh những giá trị này đang dần bị mai một trong dòng chảy phát triển của xã hội. Xây dựng được một công trình có lẽ chỉ mất vài ba tháng hoặc vài ba năm, nhưng để thổi hồn và khiến chúng thật sự sống thì cần nhiều thế hệ người. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của làng cổ Đường Lâm chính là để các thế hệ mai sau có thể nhìn nhận đúng đắn về văn hóa truyền thống của một làng quê cổ kính và thêm yêu mến quê hương, đất nước.

Điếm cổ thời xưa là nơi để các phiên tuần canh trú ẩn mỗi khi tuần đêm. Điếm được xây bằng gạch lợp ngói, bên trong có xây bệ làm bàn thờ. Tại làng Mông Phụ hiện còn năm điếm cổ nhưng điếm ở xóm Đình đặc biệt hơn cả bởi nơi đây vẫn lưu giữ chiếc mõ cổ từ xưa. Điếm xóm Đình ngày nay được sử dụng để bàn bạc các công việc trong xóm.