Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Để triển lãm toàn quốc xứng với quy mô

Các triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia là nơi hội tụ, ghi nhận những bước tiến, thành tựu của giới mỹ thuật. Công tác tổ chức triển lãm vì thế mà cần nhiều cải tiến, đổi mới.
0:00 / 0:00
0:00
Các triển lãm điêu khắc quy mô lớn đang được kỳ vọng tổ chức chuyên nghiệp và tiếp cận được đông đảo công chúng hơn. Ảnh: QUANG HƯNG
Các triển lãm điêu khắc quy mô lớn đang được kỳ vọng tổ chức chuyên nghiệp và tiếp cận được đông đảo công chúng hơn. Ảnh: QUANG HƯNG

Giới hạn sáng tạo nghệ thuật?

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa phát động “Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc” và “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam” năm 2023. Nhân dịp này, đã có nhiều ý kiến về những tồn đọng liên quan thể lệ, quá trình tổ chức và trưng bày.

Ngay từ tên gọi, ban tổ chức đã nhận được một số ý kiến trái chiều. Trước đây thường gọi là “Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc” nhưng quãng cách mỗi kỳ tổ chức quá dài, nhất là đối với đặc thù nghề nghiệp và xu hướng thay đổi, phát triển nghệ thuật. Vì vậy từ năm nay, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm quyết định thay đổi thời gian tổ chức 5 năm một lần. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi tên như vậy không cụ thể, chưa làm nổi bật được mục đích, ý nghĩa của triển lãm. Liệu có nên rút gọn thành “Triển lãm Điêu khắc toàn quốc” hay không?

Thể lệ của cuộc thi cũng tồn đọng những bất cập, làm nảy sinh lo ngại về việc không thu hút được các nghệ sĩ hoặc để sót tác phẩm tiềm năng, đặc biệt về quy định loại hình, quy cách tác phẩm và yêu cầu chung do ban tổ chức đề ra.

Cụ thể, với tượng tròn, khối biểu tượng có kích thước chiều nhỏ nhất là 30cm, chiều lớn nhất là 150cm, trọng lượng không quá 100kg. Tác phẩm phù điêu có kích thước chiều lớn nhất là 150cm, chiều nhỏ nhất là 60cm; tác phẩm có khung, giá để sẵn sàng trưng bày, trọng lượng không quá 50kg. Với tác phẩm sắp đặt điêu khắc, tác phẩm điêu khắc động, tác phẩm điêu khắc ánh sáng: Mỗi tác phẩm được trình bày trong không gian có kích thước rộng 200cm, dài 200cm, cao 200cm. Các tác giả được phép tự do sáng tạo và sử dụng tất cả các chất liệu không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trên thực tế, tác phẩm điêu khắc làm từ các chất liệu như gỗ, kim loại, đá… vượt quá trọng lượng, quy mô yêu cầu đưa ra là chuyện bình thường. Vì vậy, nhiều nghệ sĩ băn khoăn trước “sự bó hẹp” của quy chế cuộc thi. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường bày tỏ: “Trong mỹ thuật, đặc biệt với điêu khắc, quy mô của tác phẩm cũng là một trong những yếu tố thể hiện và đem lại hiệu quả về thẩm mỹ. Các tác phẩm có kích thước lớn, hoành tráng càng gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Do vậy cần mở rộng thêm cơ hội cho các tác phẩm quy mô lớn”.

Mặt khác, ban tổ chức chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí cụ thể cho việc vận chuyển tác phẩm tới địa điểm tổ chức triển lãm. Điều này thật sự gây khó khăn cho các tác giả, nhất là đối với những người ở xa, có tác phẩm kích thước, trọng lượng lớn.

Cần đột phá và chuyên nghiệp trong tổ chức

Những năm gần đây, tuy số lượng các triển lãm ngày càng tăng, từ triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, tới các triển lãm quy mô lớn do các đơn vị có uy tín đứng ra thực hiện nhưng chất lượng lại chưa được đánh giá cao. Qua nhiều kỳ triển lãm, cách thức tổ chức, trưng bày bộc lộ hạn chế và thiếu chuyên nghiệp. Trong “Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020”, ban tổ chức đã không chu toàn trong các quy trình, khiến các bức tranh bị xước, gãy khung, làm mất và vỡ tác phẩm điêu khắc. Đây là sai sót rất lớn, đặt dấu chấm hỏi về sự chuyên nghiệp cần có trong một sự kiện quy mô quốc gia. Các tác phẩm nghệ thuật bị hư hỏng dù có sửa cũng không thể trả lại trạng thái ban đầu, gây thiệt hại to lớn đối với các nghệ sĩ. Vì vậy, việc bảo quản, di chuyển và trưng bày tác phẩm được mọi người hết sức quan tâm.

Năm nay, Bảo tàng Hà Nội được chọn là địa điểm diễn ra tổ chức thi và triển lãm tác phẩm. Nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Đức Bình lo lắng về thời gian trưng bày ngắn hạn khiến các tác phẩm không phát huy được giá trị nghệ thuật. Ông bày tỏ: “Nếu chỉ tổ chức trong 10 đến 15 ngày thì rất phí phạm cho công tác tổ chức, chi phí vận chuyển, bảo quản tác phẩm. Tôi mong bảo tàng và các cơ quan có thể hỗ trợ cho việc kéo dài thời gian triển lãm”.

Ông Bình cũng kiến nghị về việc tổ chức đánh giá hiệu quả tổ chức sau triển lãm. “Hiện nay nhiều cuộc thi, nhiều triển lãm không chỉ riêng mỹ thuật đều hoàn toàn bỏ qua việc này. Nhiều năm qua, những triển lãm cuộc thi kết thúc không có tổng kết, khâu đánh giá để đưa cái nhìn toàn diện về chủ trương, chính sách. Tôi cho rằng nên thông qua hội thảo hoặc nội bộ ban tổ chức, hội đồng nghệ thuật để có những đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các cơ quan khác để có chính sách phù hợp, rút kinh nghiệm cho các lần tổ chức khác”.

Với quy mô quốc gia, tất cả mọi hoạt động tổ chức, tuyển chọn, chấm thi và trưng bày cần được chuyên nghiệp hóa, khắt khe hơn. Năm nay, để công bằng và đề cao vào chất lượng, các tác phẩm sẽ được mã hóa thông tin trong khâu chấm chọn, vì vậy một tác giả có thể đạt nhiều giải cùng lúc. Phải chỉn chu hơn từ công tác chuẩn bị đến khâu tổ chức thì các nghệ sĩ mới yên tâm ra mắt những đứa con tinh thần của mình giới thiệu trước công chúng, tránh lặp lại những vụ việc không đáng có.

“Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc” dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023, tại Bảo tàng Hà Nội. Tác giả gửi ảnh tác phẩm tham dự từ nay đến hết ngày 30/6 đến email: tl5namdieukhac@gmail.com.

“Cuộc thi và Triển lãm mỹ thuật Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dự kiến vào tháng 11 và 12/2023. Tác giả gửi ảnh tác phẩm từ nay đến hết ngày 15/9 đến email: trienlammythuatvietnam2023@gmail.com.

Tác phẩm dự thi có thể gửi về tại Phòng Mỹ thuật - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (38 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội)