Trao đổi ý kiến

Ðể "Người đọc hiểu và cảm động", thơ Việt cần "hệ mỹ học" nào?

NDO - Tôi đã đọc loạt bài in trên Báo Nhân dân cuối tuần gần đây (từ số 13-20) về cuộc trao đổi với chủ đề "Chuyển động thơ Việt Nam hiện đại- đương đại" của hai nhà lý luận- phê bình Anh Chi và Inrasara. Qua các bài viết trên, tôi thấy có một số vấn đề cần trao đổi, ngõ hầu tìm được tiếng nói chung trên tinh thần xây dựng, góp phần làm sáng tỏ nhận định, đánh giá diễn trình thơ ca Việt.

1. Trước hết, loạt bài viết của Anh Chi khá công phu, nhiều tư liệu quý và có những cảm nhận khá tinh tế, chứng tỏ ông là người rất quan tâm đến đời sống thơ ca Việt Nam hiện đại- đương đại. Nhìn chung nhiều ý kiến của Anh Chi khá xác đáng, tôi ủng hộ.

Tuy nhiên, khi bàn sâu về những vấn đề lý luận, dường như Anh Chi hơi lúng túng (?) Cụ thể như quan niệm của ông là thơ "phải để người đọc hiểu và cảm động"(1). Ðây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trong phạm vi một bài báo, tôi sẽ không đi sâu bàn về tất cả vấn đề này, mà chỉ quan tâm đến một khía cạnh nhỏ của thực tiễn đời sống thi ca Việt từ Thơ mới đến nay.

Trước hết "hiểu" thơ là một vấn đề rất khó và phức tạp. Bởi lẽ, sự hiểu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như: trình độ học vấn, tâm lý lứa tuổi, năng lực thụ cảm, gu thẩm mỹ, các yếu tố chính trị, văn hóa..., đều tác động đến chủ thể nhận thức (hiểu). Vì thế cũng là một bài thơ có nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn như bài "Màu thời gian" của Ðoàn Phú Tứ, thuộc nhóm "Xuân Thu" (2) .      

Anh Chi cho rằng thơ "phải để người đọc hiểu và cảm động" sẽ dẫn đến tình trạng: 1/ Có những đoạn, bài thơ dễ "hiểu" nhưng chưa chắc đã làm cho người đọc "cảm động"; 2/ Có những đoạn, bài thơ khó "hiểu" nhưng vẫn có thể làm cho người đọc "cảm động". Chẳng hạn như Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du; 3/ Có những đoạn, bài thơ dễ "hiểu" nhưng vẫn làm cho người đọc "cảm động". Chẳng hạn như hai câu thơ của Bàng Bá Lân: "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?"; Và 4/ Có những câu, bài thơ vừa khó "hiểu" vừa không làm cho người đọc "cảm động" như câu thơ sau của Nguyễn Xuân Sanh: "Ðáy đĩa mùa đi nhịp hải hà". Ðây là vấn đề khá thú vị, trực tiếp liên quan đến quan niệm của nhiều người về thơ Việt Nam hiện đại và đương đại. Nếu có điều kiện tôi sẽ bàn kỹ hơn.

2. Loại bài viết của Inrasara trao đổi lại với Anh Chi chứng tỏ ông là người đọc nhiều, biết rộng và rất xông xáo trong việc đòi sự công bằng cho tất cả mọi dòng/ kiểu loại thơ đã từng xuất hiện trên văn đàn nước ta từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Ðó là điều rất đáng khích lệ, thể hiện tinh thần công bằng, dân chủ trong sáng tác và phê bình thơ ca. 

Ðiều làm tôi băn khoăn là trong loạt bài viết của Inrasara đòi hỏi người đọc hôm nay phải có một "hệ mỹ học" khác để đọc thơ. Thế nhưng, theo thiển ý, phần lớn người Việt, nếu không nói là tất cả, từ xưa đến nay đọc thơ mà không hề cần bất kỳ "hệ mỹ học" nào, thích thì đọc và bình vậy thôi. Hãn hữu chỉ có vài người "tập tọng" đứng ra "lập ngôn", chứ chưa hề có ai dám đứng ra "lập thuyết". Một khi chưa lập được "thuyết", thì Inrasara căn cứ vào cơ sở nào để đòi các nhà thơ cũng như nhà lý luận, phê bình và công chúng của nước ta "không thể đứng ở hệ mỹ học này để phê bình tác phẩm thuộc hệ mỹ học khác, (Tôi nhấn mạnh - Ð.N.Y) hoặc ngược lại" (3).  

Trước đây, sau khi phong trào thơ mới đi vào thoái trào và dẫn đến tan rã năm 1941, thì vào khoảng từ năm 1942 - 1945, nhóm "Xuân Thu" ra đời, như là sự thay thế cần thiết đối với phong trào Thơ mới lúc bấy giờ và họ cũng chỉ mới "lập ngôn". Quan niệm về thơ của họ khá rõ ràng: "Người ta đã thử và chưa từng giải thích được thơ. Như Giai nhân, như Ðẹp, như Trời. Người ta cảm thấy một cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên lý trí, nó rung động ta theo nhịp vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp Ta trong cái Ðẹp và ấp ta trong cái Thật. Vẻ man mác của cái đẹp và ý sâu sắc của cái thật... Nó là cái gì không giải thích được, mà cũng không cần giải thích... Có rung động là có thơ. Thơ không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp, mang tính hàm súc, u uẩn và huyền ảo..." (4).

3. Sau 1975, dòng thơ chống đế quốc Mỹ tồn tại song song cùng với dòng thơ thời bình và thơ thời kỳ đổi mới, nhất là từ sau sự ra đời của Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (1987) như một sự "cởi trói" kịp thời cho văn nghệ nước nhà.

Có lẽ Inrasara muốn mọi người, nhất là các nhà phê bình đừng lấy cách đọc các dòng/ kiểu loại thơ khác nhau như thơ dân gian (tục ngữ, ca dao, dân ca), thơ Ðường, thơ mới, thơ kháng chiến chống thực dân Pháp, thơ chống đế quốc Mỹ..., mà áp đặt vào nhận định, đánh giá khi đọc thơ của "Nhóm khai phá" (5). Bởi lẽ theo ông, các dòng/ kiểu loại thơ nói trên thuộc "Nhóm làm vần hay nhà thơ cổ truyền" "Nhóm tiếp hiện" nên có cách đọc, đánh giá nhận định theo một thước đo, hệ quy chiếu khác?

Nhưng nói theo cách của Inrasara là phải đứng trên "hệ mỹ học khác" để đọc thơ hôm nay, thì dường như nhà phê bình đã dùng một con dao mổ trâu để mổ con muỗi, không mấy thích hợp với người Việt. Bởi lẽ "hệ mỹ học" là một phạm trù rất rộng được khởi xuất từ một hệ thống triết học và thường gắn với một học thuyết triết học nhất định (chủ yếu là của nước ngoài), khi học thuyết ấy bàn về văn chương - nghệ thuật, nhưng ở ta chưa có bao giờ. Từ xa xưa ở các nước phương Tây có không nhiều các học thuyết triết học bàn về văn chương nghệ thuật, như A-ri-xtốt (Aristote), Căng (Kant), Hê-ghen (Hegel),

Mác - Ăng-ghen - Lê-nin... Còn ở Trung Quốc tuy cũng có vài người bàn về văn chương- nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, như Nhâm Phảng (490- 508) với "Văn chương duyên khởi" (Nguồn gốc của văn chương) hay Lưu Hiệp (465- 520) với "Văn tâm điêu long" (6) (Rồng chạm khắc của tư tưởng văn học)..., nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức "lập ngôn"

4. Nền thi ca Việt Nam hai phần ba thế kỷ trước, tính từ Tản Ðà cho đến 1975, luôn tồn tại song song các dòng/ kiểu loại thơ khác nhau như: Thơ mới (1932-1941); thơ của nhóm Xuân Thu (1942-1945); thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp; thơ ca của nhóm Nhân văn và những người ít nhiều chịu ảnh hưởng của nhóm này; thơ ca chống đế quốc Mỹ ở cả hai miền Nam- Bắc (gọi chung là thơ Cách mạng); thơ ca miền Nam trong chế độ Mỹ- ngụy; thơ ca trước đổi mới (1975- 1987) và thơ ca từ đổi mới (1987) đến nay. Ngoài ra còn có một dòng/ kiểu loại thơ trào phúng của Bút Tre và những người sáng tác theo phong cách của thể loại này. Ngược thời gian một chút, bên cạnh các dòng/ kiểu loại thơ vừa nói trên, luôn tồn tại một mạch ngầm thơ phản đế, phản phong của tác giả dân gian, chủ yếu là các nhà nho, nhân sĩ yêu nước sáng tác thơ để nói lên khát vọng sống trong độc lập tự do và hòa bình của dân tộc.

Tuy nhiên cho đến nay chưa hề có tài liệu xác tín nào cho thấy bất kỳ một nhóm hay dòng thơ nào vừa kể trên đứng ra "lập thuyết" hẳn hoi. Còn với tư cách cá nhân, lại càng không thấy ai đứng ra làm việc này. Duy hai người có thể được coi ít nhiều có tư tưởng "lập ngôn" trong văn chương ở ta là nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến với bài: "Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua" (6) đăng trên báo Văn nghệ năm 1979. Sau đấy tám năm nhà văn Nguyễn Minh Châu có bài: "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa" (7) cũng đăng trên báo Văn nghệ năm 1987.

Thực ra, ở ta từ xưa đến nay làm gì có "hệ mỹ học" nào, ngoài một số kiến thức chắp vá đọc được ở những cuốn sách của nước ngoài rồi đè người Việt bắt phải chấp nhận, không cần biết căn cơ, nguồn cội văn hóa Việt như thế nào. Liệu nhà lý luận-phê bình Inrasara yêu cầu "hệ mỹ học này" hay "hệ mỹ học khác" có là một chuyện hoang đường (!?).

.......................................................

(1), Xem: Quan trọng nhất là xúc cảm và tâm hồn nhà thơ. Nhân Dân cuối tuần số 14

(2), (4). Xem: Xuân Thu nhã tập. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(3).  Xem: Sự lạc điệu mang tính mỹ học. Nhân Dân cuối tuần số 17

(5). Xem: Văn Tâm Ðiêu Long. Lưu Hiệp, Phan Ngọc dịch, Nxb Lao động, 2007

(6). Xem: Báo Văn nghệ, số 23, ra ngày 9-6-1979.

(7). Xem: Báo Văn nghệ, số 49-50 ra ngày 5-12-1987.