Để công nghiệp văn hóa cất cánh

Từ khi “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được ban hành năm 2016, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2019. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai chiến lược này vẫn còn nhiều bất cập và thách thức. Tại hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021” do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam vừa tổ chức, một số ý kiến đã chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Vở ballet “Kiều” mang làn gió mới cho ngành nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: MINH LÊ
Vở ballet “Kiều” mang làn gió mới cho ngành nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: MINH LÊ

GS, TS Từ Thị Loan:

Cần kết nối các bộ, ngành

Để công nghiệp văn hóa cất cánh ảnh 1

5 năm qua chúng ta chưa có sự đổi mới về mặt cơ chế chính sách. Đơn cử như việc ban hành, xây dựng các khung thể chế hay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Hiện, Luật Điện ảnh đang sửa đổi, bổ sung. Chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, có mấy lĩnh vực “xương sống” của CNVH là nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, thủ công mỹ nghệ… hiện vẫn dừng ở mức nghị định, thậm chí là chưa có pháp lệnh.

Ngoài ra, CNVH không chỉ là năm lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nó còn bảy lĩnh vực của các bộ, ngành khác nhưng hầu như chỉ có ngành văn hóa quan tâm phát triển năm lĩnh vực của mình. Vì vậy, để có một chiến lược tổng thể phát triển đồng đều 12 ngành của CNVH, phải có sự kết nối thống nhất giữa các bộ, ngành.

Nhạc sĩ Quốc Trung:

Cần bình đẳng giữa các đối tượng tham gia CNVH

Để công nghiệp văn hóa cất cánh ảnh 2

Việc triển khai CNVH trong 5 năm qua, bước đầu đã tạo những chuyển biến về ý thức từ các cơ quan quản lý với những chính sách và thay đổi về thể chế. Tuy nhiên, tác động của những thay đổi này còn quá ít, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, năng lực sáng tạo vẫn còn hạn chế, chính vì vậy nó chưa tác động nhiều đến các sản phẩm cũng như nền công nghiệp âm nhạc. Đôi khi chúng ta cảm thấy đang bị buông lỏng, phát triển tùy tiện.

Tổ chức một festival âm nhạc như “Moonsoon” nói riêng cũng như các dự án phát triển văn hóa cho cộng đồng, gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, lên kế hoạch tổ chức, giấy phép, tài chính… cần được đánh giá một cách bình đẳng và hỗ trợ chia sẻ từ nhiều phía. Ngay trong các quy định về công tác tổ chức biểu diễn cũng cần thay đổi để có sự hướng dẫn, đồng hành của các cơ quan quản lý.

Để phát triển một nền CNVH, để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Chúng ta vẫn chưa quen việc Nhà nước bảo trợ cho những đơn vị tư nhân. Cần những hành lang pháp lý để có cái nhìn trung thực và công bằng hơn cho mọi thành phần tham gia nền CNVH.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam:

Cần coi điện ảnh là loại hàng hóa đặc biệt

Để công nghiệp văn hóa cất cánh ảnh 3

Trong thị trường điện ảnh, mặc dù doanh số rất lớn vượt chỉ tiêu phát triển điện ảnh trong chiến lược văn hóa, nhưng bất cập ở chỗ, doanh số đó chủ yếu đến từ các bộ phim nhập khẩu. Tuy rằng khi thị trường phát triển tốt thì các bộ phim Việt Nam hưởng lợi, doanh thu tăng, có một số bộ phim Việt thành công trên sân nhà đã khích lệ các nhà sản xuất phim dấn thân vào lĩnh vực này. Nếu không có những động lực như thế thì thật sự rất khó khăn, bởi việc chờ Nhà nước đặt hàng làm phim rất hạn chế.

Giải pháp trong tương lai, có lẽ phải tính ở hai khâu quan trọng nhất là sáng tạo và sản xuất phim, và thứ hai là phát hành phổ biến phim. Về sáng tạo và sản xuất phim phải tính làm sao để đạt được mục đích như Nhà nước mong muốn, thì sẽ nhận được đơn hàng của Nhà nước, không giới hạn đó là phim của tư nhân hay Nhà nước. Khi Nhà nước vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng, không đủ nguồn lực để thực hiện thì phải có cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện để họ đưa những sản phẩm đó ra thị trường một cách tốt nhất.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn:

Cần lớp nghệ sĩ có sức vóc

Để công nghiệp văn hóa cất cánh ảnh 4

Hiện nay, đã có sự phối hợp đa ngành nghệ thuật để tạo ra một sản phẩm văn hóa. Như một số chương trình biểu diễn hội tụ đa chiều của nghệ thuật truyền thống, múa đương đại, âm nhạc… Vậy khi chúng ta thực hiện CNVH, ngoài việc giữ gìn bản sắc thì phải tính đến cách tiếp cận mới để bản sắc dân tộc được lan tỏa rộng rãi hơn.

Để phát triển CNVH toàn vẹn, cần có chiến lược bền vững. Làm sao để phát triển kinh tế phải đồng thời với phát triển văn hóa chứ không làm tổn hại lẫn nhau. Cần đặt mốc cho từng giai đoạn để phát triển, cụ thể như cần chính sách giảm thuế như thế nào? Đầu tư, xã hội hóa như thế nào? Tạo ra các không gian nghệ thuật, đào tạo nghệ sĩ ra sao?…

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, nhà sáng lập Không gian văn hóa Lên Ngàn:

Tạo hệ sinh thái liên ngành cho CNVH

Để công nghiệp văn hóa cất cánh ảnh 5

Nhà nước cần tạo thêm các không gian nhằm giúp các hợp phần của nền CNVH có thể liên kết với nhau. Đó là các viện nghiên cứu, trường đại học, các mô hình giáo dục về nghệ thuật và sáng tạo… Tiếp theo đó là sự liên kết cùng các đơn vị đang thực hành trong nền CNVH và sáng tạo. Phải có một hệ sinh thái mang tính liên ngành giữa các hợp phần nghệ thuật với nhau, giữa Nhà nước và các doanh nghiệp.

Tầm nhìn xa, cởi mở hơn với những loại hình nghệ thuật mới sẽ mang lại cho chúng ta những cơ hội và cách tiếp cận nhằm tiệm cận với những giá trị chung của thế giới. Việc mở ra những không gian có tính chất tiên phong sẽ thúc đẩy những ý tưởng, tư duy và cách thức làm việc mới để có thể tạo ra những giá trị phái sinh từ văn hóa.

Công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa.