Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trên cơ sở nâng cao hiệu quả tổng thể

Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước nhằm chủ yếu vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (giao thông, năng lượng, xã hội, môi trường) và đối tượng đầu tư công khác. Đó là hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vốn đầu tư công trong những năm qua chiếm tỷ trọng tương đối lớn (từ 30% đến 40% tổng đầu tư toàn xã hội), được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn vay, nguồn vốn viện trợ...
0:00 / 0:00
0:00
Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đón các tàu trọng tải lớn vào làm hàng. Ảnh | Ngô Quang Dũng
Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đón các tàu trọng tải lớn vào làm hàng. Ảnh | Ngô Quang Dũng

Nhờ đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trở thành tiền đề quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân khắp các địa bàn cả nước. Đầu tư công có thể coi là một trong những công cụ của Nhà nước để khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường, là đòn bẩy kinh tế, là “vốn mồi” để đầu tư các khu vực tư nhân trong và ngoài nước, nhất là thực hiện các dự án có thời hạn thu hồi vốn dài hạn, các khu vực kinh tế tư nhân khó có điều kiện tham gia, tăng cường liên kết vùng.

Những năm 2011-2020, đầu tư công đã được thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Đầu tư công đã phát huy vai trò trong giai đoạn kinh tế khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng... Cơ cấu đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực. Khác với nhiều năm thời kỳ đầu đổi mới, đã giảm đầu tư công vào các hạng mục công trình có mục tiêu sản xuất mà khu vực tư nhân có thể làm, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xử lý bất hợp lý vùng miền; chú trọng đầu tư công trình hạ tầng (như giao thông, năng lượng, xã hội) hỗ trợ cho các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh trong hội nhập quốc tế và đổi mới nền kinh tế. Ngân sách nhà nước đã tập trung nhiều hơn cho đầu tư phát triển con người, nâng cao trình độ của người lao động. Trong tổng mức đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng chiếm tỷ lệ hơn 90%.

Tuy nhiên, từ năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19 và biến động trên thế giới và khu vực, đòi hỏi phải nhạy bén điều chỉnh thích ứng. Thật vậy, vốn đầu tư công được lên kế hoạch từ một số năm trước, nên dù có cân nhắc đầy đủ các khía cạnh, nhưng tình hình diễn biến phức tạp, khó lường chi tiết, đòi hỏi kế hoạch đầu tư công phải được điều chỉnh linh hoạt. Chẳng hạn, trong hai năm qua, kế hoạch đã ba lần điều chỉnh lớn. Lần mới đây là điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương ngành giao thông của Bộ Giao thông vận tải, đồng thời điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương cho các địa phương thuộc hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía nam.

Mục tiêu đầu tư công có ý nghĩa quan trọng như đã nêu nhưng về tỷ trọng chỉ chiếm khoảng dưới 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hay khoảng 10% GDP, từ nguồn trong và ngoài nước. Vốn đầu tư công trở thành “vốn mồi” cho đầu tư toàn xã hội.

Vấn đề khắc phục tình trạng giải ngân chậm cần bám sát thực tiễn, làm rõ các vướng mắc, thiếu sót và bất cập, vạch rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất. Đồng thời, không chỉ nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã lên kế hoạch, mà cần nhấn mạnh hiệu quả thực hiện giải ngân đầu tư công, tăng cường liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương và toàn bộ nền kinh tế.

Chẳng hạn, đầu tư công cho ngành giao thông cần kết nối giữa đầu tư cho các phương thức vận tải như đường bộ với đường thủy nội địa và ven biển, đường sắt. Hệ thống cảng biển gắn với giao thông vận tải biển đảo, đại dương cũng chưa được cân đối ngay trong Quy hoạch đang trình phê duyệt, cần tính đến tiêu chuẩn hiệu quả và tăng cường liên kết.

Nhà nước đã hình thành được bộ khung pháp luật tương đối đồng bộ để điều chỉnh các hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng, như Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 và các nghị định, quyết định, chỉ thị hướng dẫn và đôn đốc thi hành. Dưới tác động của đại dịch Covid-19 và biến động khó lường của cục diện thế giới ngày nay, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, giá cả vật tư, năng lượng lên xuống bất thường, gây trở ngại cho giải ngân đầu tư công. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã theo sát thực tế, chỉ đạo và điều hành quyết liệt, linh hoạt, mang lại nhiều kết quả thiết thực, được thế giới ghi nhận. Quốc hội cũng chỉ đạo rà soát các quy hoạch và nhanh chóng phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở cho kế hoạch đầu tư công,...

Nhằm khắc phục tình trạng khó khăn nảy sinh, các điều chỉnh thể chế như trên đã tốt, nhưng chưa đủ. Cần có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ các ngành và các địa phương, trong đó đòi hỏi sự tích cực, năng động, mẫn cán và liêm khiết của đội ngũ cán bộ công chức.

Đảng ta đã đề ra ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về tư duy và thể chế từ sau Đại hội XIII. Tuy nhiên, các tồn đọng và vướng mắc còn lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công và hiệu quả của việc giải ngân này. Các tồn đọng và vướng mắc này liên quan cả vốn từ nguồn trong nước và vốn vay, viện trợ nước ngoài.

Đối với vốn trong nước, giải ngân đầu tư công thiếu liên kết trong và ngoài địa phương. Nguồn điện tăng mạnh nhưng lưới truyền tải chưa cân đối, hệ thống cầu, đường chưa liên thông khi gắn kết các điểm kết nối thành mạng lưới quốc gia. Các vấn đề về thực hiện tái định cư vẫn chưa được thực hiện tốt, làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công. Thể chế kinh tế vùng chưa được quy định rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa có cũng ảnh hưởng nhất định.

Giải ngân vốn vay và viện trợ nước ngoài cũng khó khăn cả do sự khác biệt về thể chế và các quy định giữa bên tài trợ và bên nhận, nhất là hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã chuyển sang đối tác phát triển.

Nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc đã nêu, cùng với Nghị quyết 127 của Chính phủ, có thể thực hiện một số giải pháp gắn kết đẩy mạnh giải ngân đầu tư công với nâng cao hiệu quả, như: hoàn thiện thể chế đầu tư công gắn với đổi mới toàn bộ thể chế phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới hiệu quả kinh tế- xã hội và phát triển bền vững; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn có mục tiêu tạo “vốn mồi” cho các khu vực kinh tế ngoài nhà nước (doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội), đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, phục vụ phát triển dài hạn đất nước. Một giải pháp cần được chú trọng là đẩy mạnh theo dõi, kiểm tra, giám sát và điều chỉnh kế hoạch một cách bài bản, không tháo gỡ vướng mắc có tính cục bộ, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện toàn bộ kế hoạch đầu tư công.