Giữ vị mì xứ sở

Miệng móm mém, tóc bạc phơ, lưng gù, 82 tuổi, bà Trần Thị Thời (thôn Thanh Chiêm 2, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cùng chồng mỗi ngày vẫn miệt mài bên nồi mì Quảng nóng hổi. Quán mì bà Thời cũ kỹ từ bàn ghế đến xoong nồi, hương vị để chỉ cần đi lướt qua, người con xứ Quảng nào cũng dễ bồi hồi, thương nhớ.
Tô mì Quảng mang hương vị đậm đà.
Tô mì Quảng mang hương vị đậm đà.

Ai mì Quảng không?

Hôm cuối tuần, ngoài mối quen trong làng, quán mì bà Thời đón nhiều đoàn khách lạ từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An (Quảng Nam) ghé thăm. Quán nhỏ xíu, bày vài chiếc bàn con, ghế nhựa cũ sờn, vậy mà khách đứng đợi chẳng thấy ai than phiền. Ông Vân chồng bà Thời tranh thủ hỏi thăm khách đôi câu rồi lụi cụi phụ vợ lau tô, bẻ bánh tráng. Ông chỉ tay về đống chai lọ xếp ngay ngắn trên bàn, giới thiệu chi tiết: “Nè, đây là tương ớt nhà làm đó, dẻo và thơm lắm, ăn mì Quảng đừng quên. Còn có giấm nuôi, ớt trái, ớt bột, nước mắm, cần nêm thì cứ nêm…”. Bưng tô mì đậm mầu nước nhưn (nước lèo - PV) nấu từ tôm, rạm biển và thịt heo, bên trên phủ lớp bánh tráng nướng bẻ nhỏ, rắc chút đậu phộng rang giã dập cùng ít hành lá, khách hít hà vị quê, nở nụ cười thích thú. Kế bên, đĩa rau sống đủ loại đầy ắp, thơm lừng.

Bà Thời bán mì Quảng Phú Chiêm từ khi chưa tròn 20 tuổi, rồi chẳng hiểu sao khó mấy cũng chẳng rời. Mỗi ngày, sau khi vãn khách, dọn dẹp đâu vào đó, vợ chồng bà lại chợ búa, lụi cụi quanh bếp, cắt thịt, ướp nhưn, xay tôm, lặt rau… chuẩn bị cho ngày bán tiếp theo. Bà Thời nói, nghề nấu mì Quảng đòi hỏi thức khuya dậy sớm, cực đủ đường nhưng nhờ có nó, các mẹ, các cô ở miền quê nghèo này xây được nhà, lo cho các con đến nơi, đến chốn thành ra mang ơn, đâu thể nói bỏ là bỏ. Thời gian đầu, bà cũng như bao người, nấu xong nhưn là gói ghém hết vào đôi quang gánh, đi bộ dọc đường quê bán mì. Khi ấy, ngày chỉ đủ sức bán vài kg mì, vậy mà chắt chiu cũng lo được nhiều thứ trong nhà. Về sau người quen cho mượn khoảng sân trống, mỗi ngày vợ chồng bà Thời bán gần 40 kg mì, khách tấp nập vào ra. Ngày đông khách hay cuối tuần, tầm bốn tiếng là nồi nhưn cạn đáy. Nhiều người từ xa ghé trễ, không kịp nếm vị mì quê, quay về cứ tiếc mãi.

Tô mì đầy ắp, nước nhưn đậm đà, đầy đủ thịt tôm, quán bà Thời bán giá 15 nghìn đồng. Thế nhưng, nếu khách không đủ tiền muốn mua tô ít hơn, bà cũng vun vén để người ăn ấm bụng, chủ quán vui lây. Trời còn tờ mờ, dân lao động trong làng nhiều người đã đợi sẵn ở cửa quán, tranh thủ lót dạ trước khi ra đồng, xuống chợ. “Vợ chồng tôi nấu kỹ lắm, không bao giờ qua loa. Làm sao để khách ăn sạch tô mì vẫn muốn gọi thêm, đi đâu cũng nhớ rõ hương vị quê mình. Sáng từ nhà chở mì lên đây, tầm 4 giờ 30 phút là có khách đợi. Vừa bán, vừa hỏi thăm người này, người kia rồi nghe đủ thứ chuyện trong làng. Nhiều người hỏi già rồi sao cứ dậy 1, 2 giờ sáng cho khổ thân, tôi nói giờ còn sức ngày nào bán ngày đó, bỏ nghề thì không làm được”, ông Vân trải lòng.

Ngồi trước thềm nhà cặm cụi lặt rổ rau thơm, chuẩn bị cho buổi bán sáng mai, bà Nguyễn Thị Chua (65 tuổi) hào hứng kể lại những kỷ niệm của hơn 20 năm trước. Hồi ấy, khi con gái út vừa thôi nôi, bà Chua theo người cô bên chồng học nấu mì Quảng để mưu sinh. Học ra nghề, thử nấu cho nhà ăn vài bữa thấy chồng con gật gù khen ngon, bà mượn tiền sắm gánh, sắm tô, đủ thứ nồi niêu, chuẩn bị hành trình bán mì kiếm sống. Mỗi sáng, bà Chua xách túi nước nhân, gói theo đủ loại rau và gia vị, leo lên xe đò từ Quảng Nam ra Đà Nẵng bán mì Quảng Phú Chiêm.

Đặt đòn gánh lên vai, bà Chua cứ thế đi dọc tuyến đường hơn chục cây số, miệng mời khách món mì quê do mình chăm chút từng công đoạn. Nghe tiếng rao giọng Quảng, nhìn mớ rau, nồi nhưn hấp dẫn, nhiều người gọi vào, ăn thử. Thấy bà Chua múc vá nước sền sệt, đậm mầu gạch cua đồng và tôm sông chan lên lớp mì trắng còn thơm mùi dầu nén, khách sành ăn khen nấu sao khéo quá, khó lẫn vào đâu. Từ đó, cứ nghe câu rao “Ai mì Quảng không?”, các xóm nhỏ nơi bà Chua đi ngang qua đều rộn ràng tiếng gọi với theo. Khách quen ngày một nhiều, kinh tế gia đình bà Chua nhờ vậy được cải thiện, bốn người con cứ thế trưởng thành.

Giữ vị mì xứ sở ảnh 1

Bà Thời gắn bó với nồi mì Quảng suốt mấy chục năm nay.

Mong có người tiếp nối

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Chua ngưng ra Đà Nẵng mà quyết định chuyển về quê mở quán mì nhỏ sát nhà. Mỗi ngày, vợ chồng bà bán gần 20 kg mì, vừa có tiền chợ vừa đỡ nhớ nghề. Con gái không theo nghề nên khi nghe con dâu muốn nối nghiệp, bà Chua lặn lội vào tận Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn cách nấu mì Quảng. Công thức học gần 30 năm trước nay đã được bà Chua truyền lại cho biết bao chị em, con cháu trong họ. Bà Chua cho biết, họ hàng bà có tận vài chục người theo nghề bán mì Quảng, từ miền trung đến tận miền nam. Ai hỏi bà đều hướng dẫn tận tình, chỉ yêu cầu nhớ giữ trọn vị quê để đi tới đâu người ăn cũng nhận ra đúng chuẩn mì Quảng Phú Chiêm. “Được người đi trước truyền nghề, cố gắng giữ gìn công thức, chỉ cần ai hỏi thăm, tôi đều chỉ dẫn. Thấy con cháu trẻ tuổi mà muốn lưu giữ nghề truyền thống của quê hương, tôi mừng. Mì Quảng xứ mình không cao sang nhưng là món ngon níu chân nhiều người”, bà Chua nói, giọng khấp khởi.

Bà Thời nấu mì ngon có tiếng nên đâu chỉ người trong thôn tìm đến xin học nghề mà có người tận Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà Nẵng cũng muốn “tầm sư học đạo”. Nghề cực, dạy hơn trăm người, bà Thời chỉ mong tầm một nửa số đó đủ tâm huyết bám trụ là hạnh phúc rồi. Nước nhưn được ví như linh hồn của tô mì xứ Quảng. Với bà Thời, khó nhất là rim tôm và khử hành tỏi nén với dầu phộng nguyên chất, vì đó là yếu tố tạo nên “mùi mì Quảng”. Bà Thời kể: “Biết bao đứa học nghề, khi ra bán vẫn tặc lưỡi “Không nghe mùi mì Quảng bà ơi!”. Tôi không giấu nghề, ai cần là mình chỉ, ở đâu họ cũng tìm tới. Học xong, có người bỏ phong bì mấy triệu đồng, tôi không lấy, dặn “Để tiền đó về sắm sửa xoong nồi, tô đũa đi bán”. Tôi dạy miễn phí. Già rồi giữ nghề làm chi, chết có mang theo được đâu. Thấy mì Quảng quê mình đi khắp nơi là vui rồi”.

Niềm vui lớn nhất của bà Thời, ông Vân là con cháu thích tiếp nối nghề, chấp nhận cực khổ. Ông Vân nói, vài tháng gần đây, gia đình ông thêm việc vì con dâu muốn đưa mì Quảng gia đình vào Hội An bán thử. Con cái đã mở lời, ba mẹ nỡ đâu từ chối. Vậy là mỗi ngày, công việc của đôi vợ chồng già lại tăng gấp đôi, phần bán tại quán, phần để con dâu bán ở Hội An. Nhiều hôm thấm mệt nhưng chỉ cần nghe con dâu gọi khoe “Ba mẹ ơi, bữa nay bán đắt lắm, một chút là hết mì”, ông bà lại quên mất cơn đau nhức trên tấm lưng còng. Con dâu kế của ông bà cũng nối nghiệp với gánh mì quê được vài năm nay. Ngày bán mười mấy ký mì, cuộc sống không dư dả nhưng có đủ niềm vui với nghề.

Mấy năm trước, con gái ông Trần By (em ruột bà Thời) vào nam làm ăn thua lỗ, quay về quê tìm hướng mưu sinh. Ông khuyên con học nghề nấu mì Quảng, kiểu gì cũng đủ sống. Nghe lời, con gái ông By đến nhà bà Thời học cách nấu nước nhưn, tẩm ướp tôm sao cho khéo. Không lâu sau, hai tiệm mì Quảng của con gái ông By ở Miếu Bông và Hòa Tiến (thành phố Đà Nẵng) đi vào hoạt động. Quán đông khách, ngày bán vài chục ký mì, cháu gọi về cảm ơn rối rít, bà Thời thấy lòng thật vui. Bà tin, khi người trẻ trong làng còn mê vị mì quê, mọi thứ sẽ được giữ gìn cẩn trọng. Mì Quảng xứ này, bao đời nay vẫn thế, nhìn giản đơn nhưng mang đậm ân tình.