Kỳ 1: Cuộc chiến không ngơi nghỉ
Nhờ hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, công an huyện Mộc Châu và các lực lượng chức năng đã đánh chặn, triệt xóa được hàng loạt đường dây mua bán, vận chuyển ma túy. Nhiều “ông trùm” xuyên quốc gia phải sa lưới pháp luật...
Mua ma túy tặng vũ khí
Hơn 20 năm trước, Mộc Châu từng là “thánh địa ma túy” của khu vực Tây Bắc, cũng là trọng điểm ma túy của cả nước. Hoạt động buôn bán chất cấm diễn ra dưới nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, manh động và liều lĩnh. Quá trình vận chuyển, các “ông trùm” cấu kết với đối tượng người dân tộc thiểu số khu vực biên giới để theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, đồng thời đón, dẫn và dò đường. Tại khu vực giáp biên, lợi dụng địa hình rừng núi, dân cư thưa thớt, các đối tượng truy nã ma túy lẩn trốn, âm thầm điều hành đường dây. Khi phát hiện có động tĩnh, lập tức chúng thay đổi hình dạng, tên tuổi… trốn sang địa bàn các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng (Lào).
Trên tuyến biên giới, nhân dân hai nước, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, có quan hệ thân tộc, thông gia, liên gia… gần gũi. Tội phạm triệt để lợi dụng sự thân tình đó nhằm lẩn trốn và mở rộng mạng lưới các đường dây buôn bán ma túy khép kín gắn kết theo dòng họ, anh em.... Lãnh đạo công an huyện Mộc Châu cho biết, đã ghi nhận tình trạng tội phạm có thể mua nợ “hàng” bằng tín chấp, niềm tin tại Lào. Đặc biệt, bên kia biên giới, do công tác quản lý vũ khí của nước bạn còn lỏng lẻo nên tội phạm rất manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng bảo vệ “hàng” và chống lại các lực lượng chức năng.
Giai đoạn 2010-2014, trước tình trạng những toán, nhóm đối tượng vận chuyển ma túy mang theo súng AK, CKC, carbine, súng ngắn K54, K59, lựu đạn…, Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã quyết định thành lập chuyên án mang ký hiệu 279-LL. Qua 3 năm đấu tranh với 9 giai đoạn, chuyên án đã tiêu diệt, bắt giữ 25 đối tượng; thu 498 bánh heroin (170,1 kg); 35.059 viên ma túy tổng hợp; 21 khẩu súng các loại, 333 viên đạn và nhiều tang vật khác. Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Công an huyện Mộc Châu chia sẻ: Chuyên án đã ngăn chặn và làm giảm cơ bản hoạt động của các toán, nhóm có vũ trang vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy vô cùng lớn nên tội phạm vẫn tìm mọi thủ đoạn để đưa “hàng” qua biên giới vào nội địa tiêu thụ. Khi mua số lượng lớn ma túy từ Lào, các đối tượng còn được tặng kèm vũ khí, sẵn sàng tử thủ một mất, một còn với lực lượng chức năng.
Đơn cử như cuối năm 2023, tại khu vực bản Pu Nhan, xã Lóng Sập, Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Tráng Pà Chống (sinh năm 1955) đang băng rừng vượt biên mang theo 11.900 viên ma túy tổng hợp. Để bảo vệ số hàng “nóng” mua từ bên kia biên giới, Tráng Pà Chống cầm theo khẩu súng carbine đã lên nòng. “Xác định đây là trận tuyến hết sức cam go và phức tạp nên khi triển khai lực lượng đánh án, chúng tôi luôn chú trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện”, Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Tang vật một vụ án ma túy. |
Lợi dụng công nghệ cao
Như nhiều loại tội phạm khác, tội phạm ma túy đã và đang triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ để thực hiện các hành vi phạm tội. Thu được những khoản lợi nhuận kếch xù từ mua bán ma túy, các đối tượng càng có điều kiện mua sắm, trang bị nhiều loại thiết bị hiện đại. Chia sẻ về những khó khăn mới, Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện. Các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Telegram, Snapchat, Wechat…) thường xuyên được chúng sử dụng để giao dịch mua - bán. Quá trình giao - nhận, các đối tượng lợi dụng dịch vụ vận chuyển (xe ôm công nghệ, taxi, các dịch vụ chuyển phát nhanh…), trả tiền qua chuyển khoản, ví điện tử nhằm tránh sự phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng. Thậm chí, chúng còn xây dựng, hình thành những tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trên không gian mạng.
Các loại ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc đang được giới trẻ ưa chuộng sử dụng như “nước vui”, bánh cần, bánh lười “lazy cakes” chứa tinh dầu cần sa, thuốc lá điện tử, thuốc lá gói “Tabaco”, thuốc lá điếu tẩm dung dịch chứa chất ma túy… được rao bán phổ biến trên mạng. Khi bị phát hiện, các đối tượng khóa tài khoản, đánh sập trang và tạo tài khoản mới để tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, người nghiện đang có xu hướng trẻ hóa, các loại ma túy sử dụng cũng đa dạng hơn. Còn địa phương mới chỉ áp dụng biện pháp cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone hoặc Buprenorphin, chỉ có tác dụng với ma túy dạng thuốc phiện, heroin nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, một số loại ma túy mới chưa có trong danh mục chất cấm cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi đấu tranh với tội phạm ma túy.
Sau 2 năm thực hiện Luật Phòng chống ma túy năm 2021, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy Mộc Châu đã bắt giữ 456 vụ/547 đối tượng; thu giữ 2.056,58 gr heroin, 130.865 viên methamphetamine, 1.335,39 gr ma túy đá, 10,5 gr thuốc phiện, 1.200 cây thuốc phiện, 1 khẩu súng, 2 viên đạn; phá thành công 18 chuyên án/ bắt giữ 29 đối tượng… Trong hai quý đầu năm 2024, lực lượng công an huyện Mộc Châu tiếp tục phát hiện, bắt giữ 110 vụ, 122 đối tượng tội phạm về ma túy.
Hy sinh thầm lặng
Đánh án ma túy, đấu tranh với tội phạm xuyên biên giới nên các cán bộ, chiến sĩ công an luôn xác định tinh thần nhận lệnh là lên đường, không có ngày nghỉ. Thời điểm chúng tôi đến tác nghiệp, một kíp cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mộc Châu vẫn đang bên Lào xác minh đối tượng truy nã… Nhân sự Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Công an huyện Mộc Châu hiện có 15 người. Mỗi năm, địa bàn được giao chỉ tiêu bắt giữ, xử lý khoảng 200 vụ án ma túy. Như vậy, trừ nghỉ lễ, trung bình Công an huyện Mộc Châu phải xử lý 1 vụ án ma túy/ngày. Bên cạnh đó, lực lượng công an còn phải tham gia vào các công tác tuyên truyền, đẩy lùi ma túy, quản lý người nghiện…
Hơn 20 năm trong ngành, đồng chí Tạ Văn Tuệ, Đội trưởng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Công an huyện Mộc Châu không chỉ dũng cảm, mưu trí đấu tranh, triệt phá nhiều chuyên án lớn về ma túy mà còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy tại các xã, bản, trường học... Thường xuyên đối mặt hiểm nguy, các chuyên án ma túy cứ nối tiếp nhau nên việc nhà anh Tuệ trông cậy cả vào hậu phương ở quê. Công tác cách nhà vài trăm km, 2-3 tuần, anh Tuệ mới được nghỉ về thăm nhà một lần.
Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Mộc Châu mỗi người một hoàn cảnh nhưng luôn phối hợp nhịp nhàng, tương trợ lẫn nhau trong từng chuyên án. Phụ trách tổ trinh sát ma túy, đồng chí Lê Thanh Hải, Đội phó ma túy, Công an huyện Mộc Châu làm việc không quản ngày đêm. Bản thân gia đình anh Hải cũng còn nhiều vất vả khi vợ công tác cách nhà 30 km, hai con còn nhỏ. Còn đồng chí Thiều Xuân Mạnh dù vợ đang công tác tại xã biên giới khó khăn, hai con nhỏ, bản thân từng bị thương khi vây bắt đối tượng truy nã ma túy tại huyện Vân Hồ, nhưng khi chuyển công tác về Mộc Châu vẫn tiếp tục xin làm lính trinh sát ma túy.
Từng bước kiềm chế, đẩy lùi ma túy tại Mộc Châu vẫn tiếp tục là trận tuyến đầy cam go, phức tạp! Âm thầm cuộc chiến vùng biên, đấu tranh với những “ông trùm” xuyên quốc gia xảo quyệt, ngoan cố và liều lĩnh… lực lượng công an huyện Mộc Châu luôn xác định rõ vai trò chủ công để ngăn chặn nguồn cung, đồng thời nỗ lực phối hợp với các đơn vị làm giảm nguồn cầu.
(Còn nữa)