Nhìn lại sự kiện ký kết Hiệp định Paris, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quan trọng và có thể vận dụng vào việc phân tích, nhìn nhận, xử lý các vấn đề quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, giữ vững các nguyên tắc trên tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến". Lập trường của ta trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền nam, bắc Việt Nam; đòi Mỹ phải đơn phương rút quân ra khỏi miền nam Việt Nam; yêu cầu chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền bắc Việt Nam của Mỹ; khẳng định độc lập chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam… Chúng ta đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể nhưng không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc đó, và chúng ta đã chiến thắng!
Thứ hai, phải luôn kiên quyết, kiên trì, sử dụng đồng thời các thắng lợi khác để bổ trợ cho công tác đối ngoại. Thắng lợi của Hiệp định Paris là một thắng lợi về mặt ngoại giao nhưng cũng là thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam cả về chính trị, quân sự… Nếu không có chiến thắng ở các chiến dịch, trận đánh cụ thể thì Mỹ không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán, hoặc không bao giờ từ bỏ các yêu sách phi lý của mình.
Thứ ba, tôn trọng các cam kết nhưng không bao giờ mất cảnh giác. Ngay trước và sau Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn liên tiếp vi phạm Hiệp định bằng cách ráo riết thực hiện Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ từ đêm 24/1/1973 và hàng loạt kế hoạch quân sự trong toàn bộ năm 1973, đầu năm 1974; nhằm nhanh chóng bình định miền nam Việt Nam… Đối phó với âm mưu, thủ đoạn này, ta đã có nhiều giải pháp từ trong nội bộ và hành động cụ thể về mặt chính trị, quân sự và từng bước làm phá sản các kế hoạch của địch trước khi đánh đổ hoàn toàn chế độ này...
Thứ tư, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhưng phải dựa vào sức mình là chính. Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris.
WINSTON Lord là Cố vấn Đặc biệt cho Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger từ năm 1969-1973. Trong thời gian đó, ông là một trong những người thân tín nhất của Kissinger và đã cùng Kissinger đến các cuộc đàm phán ở Paris. Ông mô tả những khó khăn mà các nhóm đàm phán gặp phải khi đi đến một thỏa thuận phù hợp với tất cả các bên liên quan.
Lord khẳng định: Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng như phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cực kỳ kiên định với mục tiêu của mình, và không nhượng bộ phía Mỹ. Phái đoàn Việt Nam sẵn sàng kéo dài đàm phán để bảo đảm mục đích, mong muốn của mình.
Lord kể lại: "Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, lập trường cơ bản của họ là kêu gọi Mỹ đơn phương rút quân, thành lập chính phủ liên hiệp ở Sài Gòn và kiên định với tất cả các lập trường đó, với tinh thần cách mạng. Chúng tôi đến Paris vào tháng 11/1972 sau cuộc bầu cử. Các đại diện của Hà Nội đều tỏ ra không khoan nhượng về những yêu cầu của họ.
Vì vậy, về cơ bản họ đã tìm cách làm chúng tôi suy sụp. Họ đến đây như một phần trong phong cách đàm phán của họ, để lắng nghe quan điểm của chúng tôi và xem liệu Hoa Kỳ có nhượng bộ nhiều hơn và tiến gần hơn đến những gì họ muốn hay không".
Nhà sử học Phần Lan Jussi Hanhimäki thì đánh giá Hiệp định Paris như "bản án tử cho chế độ Việt Nam Cộng hòa": "Dù Tổng thống Mỹ Nixon đã hứa riêng với Nguyễn Văn Thiệu là trong trường hợp Quân Giải phóng phát động chiến tranh tiêu diệt Việt Nam Cộng hòa, Mỹ sẽ phản ứng một cách thích hợp để bảo đảm an ninh cho Việt Nam Cộng hòa, lời hứa này về sau không có giá trị thực tiễn, vì sau đó, Quốc hội Mỹ đã ra nghị quyết không cho phép Tổng thống đưa lực lượng vũ trang trở lại Đông Dương, đồng thời quy định khuôn khổ viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa. Thực tế, người Mỹ chỉ coi thỏa thuận tại Hiệp định Paris như một lối thoát danh dự cho mình trong chiến tranh Việt Nam".
HIỆP định Paris năm 1973 đã thể hiện trí tuệ, sự kiên định của ngoại giao Việt Nam, khi nền ngoại giao non trẻ của nước nhà có thể giành ưu thế trước một trong những cường quốc có những chuyên gia ngoại giao lão luyện. Đây cũng là dấu ấn đậm nét của ngoại giao Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.