Cần có KPI trong đánh giá cán bộ
Theo ông sự yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công và có những địa phương như đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh mà mức tăng trưởng quý I/2023 dưới 1% có nguyên nhân từ đâu?
Trong những tháng vừa qua, nền kinh tế bộc lộ một số yếu kém. Đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng quý I/2023 dưới 1%, đứng thứ 56/63 địa phương và thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong quý I, cả nước có 5 tỉnh, thành phố tăng trưởng GRDP âm. Riêng Bắc Ninh - tỉnh mạnh về sản xuất công nghiệp - lại có mức tăng trưởng thấp nhất cả nước (-11,85%).
Sự yếu kém của nền kinh tế có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan như hậu quả của Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, sự biến động của kinh tế thế giới. Nhưng tôi cho rằng, sự yếu kém đó bắt nguồn nhiều từ nguyên nhân chủ quan, đó là tình trạng một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, giữ an toàn quá mức cần thiết.
Tôi nghĩ bệnh sợ trách nhiệm thể hiện sự thiếu hiệu lực hiệu quả của nền hành chính, dẫn đến những bệnh khác như trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh, trên rải thảm dưới rải đinh. Như vậy, chưa thể hiện được tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt".
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã chia sẻ câu chuyện: Riêng năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã có 584 văn bản gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ phải trả lời là 604 văn bản. "Nhưng quan trọng rằng, tất cả các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP Hồ Chí Minh. Hai năm vừa qua, TP Hồ Chí Minh cấp chủ trương đầu tư 8 dự án, trong khi trước đây trung bình mỗi năm thành phố chấp thuận đầu tư 70 dự án bất động sản. Điều này cho thấy vấn đề lớn nhất hiện nay là các cấp đùn đẩy, né tránh, sợ không làm", ông Dũng nói.
Có người cho rằng cán bộ sợ trách nhiệm chứng tỏ công cuộc phòng chống tham những của chúng ta đã đạt những kết quả nhất định, nhưng lại dẫn đến hiện tượng sợ trách nhiệm, không dám làm... Thực tế đó đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nhưng có phải như vậy không? Công cuộc phòng chống tham nhũng chỉ chống những kẻ tham nhũng, thoái hóa biến chất, đâu chống lại những người làm việc vì lợi ích chung. Nếu làm việc với tấm lòng trong sáng vì nước, vì dân thì sợ gì?
Tôi cho rằng sợ trách nhiệm chứng tỏ sức chiến đấu của nhiều cán bộ đảng viên đã trở nên sa sút, tính Đảng trong họ sa sút, không thích ứng được với thời cuộc, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vấn đề ở đây không phải dừng ở câu chuyện tham nhũng và tha hóa mà là một số cán bộ lãnh đạo đã chứng tỏ họ không đủ tầm để dẫn dắt. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào căn nguyên của vấn đề và cần thay đổi cách đánh giá cán bộ.
Theo ông, cần thay đổi cách đánh giá cán bộ theo hướng nào?
Chúng ta cần đánh giá cán bộ một cách định lượng với những tiêu chí rất cụ thể, khoa học. Có thể gọi đó bộ KPI (KPI là viết tắt của Key Performance Indicator): Chỉ số đánh giá thực hiện công việc. KPI sẽ giúp hiểu rõ một công ty, một đơn vị kinh doanh hay một cá nhân đang thực hiện công việc tốt đến đâu so với các mục tiêu chiến lược đã đề ra).
Trong một năm, một cán bộ ở vị trí của mình làm được những gì, kết quả thế nào phải hết sức cụ thể, chứ không chung chung, đại khái. Nếu một cán bộ ở vị trí lãnh đạo mà lúc nào cũng giữ mình tròn trĩnh, không hành động vì lợi ích chung sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Mà hệ lụy lớn nhất là đánh mất niềm tin của nhân đân. Kiểu làm việc "tròn trĩnh" thường an toàn, có khi lại được cất nhắc, nhưng bây giờ phải thay đổi cách đánh giá, "tròn trĩnh" mà né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì không hoàn thành nhiệm vụ.
Thí dụ, tôi cho rằng phải đánh giá lại lãnh đạo các địa phương. Đánh giá đó phải hết sức định lượng trên mấy tiêu chí: Giải ngân đầu tư công và tăng trưởng kinh tế thế nào, đời sống nhân dân có được cải thiện không, người dân có hài lòng không? Một số cán bộ địa phương là lãnh đạo luân chuyển thường có tâm lý "nín thở qua sông", không dám hành động đột phá nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Đảng và Nhà nước cần "đặt hàng" những nhiệm vụ rất cụ thể sát với thực tiễn cho cán bộ luân chuyển và xem họ có đạt KPI không mới cất nhắc.
Chúng ta mới giao quyền mà chưa ràng buộc nhiều trách nhiệm. "Phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói. Chúng ta chưa rõ ràng và chưa luật hóa đầy đủ trong quy định về quyền lực xử lý công việc, vận hành bộ máy, đánh giá cán bộ, vẫn chủ yếu sử dụng hàng rào "mềm", định tính nhiều hơn định lượng.
Thiếu những cán bộ đúng tầm về chuyên môn, có năng lực thực tiễn
Thưa ông, chúng ta đã có Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" được coi như "cởi trói" cho sự năng động, bứt phá. Thế nhưng vì sao hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không đột phá?
Bệnh sợ trách nhiệm là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nhận diện và chỉ rõ. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tinh thần "6 dám" là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Đặc biệt, ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW "Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" nhằm từng bước khắc phục triệt để căn bệnh này.
Tuy nhiên, đến nay, căn bệnh này vẫn chưa được "điều trị" hiệu quả, có chiều hướng nặng hơn, gây tác hại lớn, trở lực của phát triển. Có thể thấy, chúng ta đang thiếu những cán bộ đúng tầm về chuyên môn, có năng lực thực tiễn.
Câu chuyện cán bộ sợ trách nhiệm dẫn đến hậu quả nhãn tiền là giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, kinh tế tăng trưởng kém khiến chúng ta phải nhìn nhận lại tổng thể hệ thống tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ. Và từ đó phải cải cách toàn diện cơ chế bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, chế độ tiền lương. Làn sóng công chức, viên chức rời khỏi bộ máy nhà nước gần đây là một sự báo động.
Đó là hiện tượng chảy máu chất xám, lãng phí chất xám, lẽ ra chất xám phải được hội tụ trong bộ máy nhà nước. Lẽ ra công chức phải là những người tinh hoa và những người lãnh đạo phải là những người tinh hoa nhất. Đó là tiêu chuẩn của Đảng đặt ra, nhưng thực tế thì đội ngũ cán bộ công chức đang thiếu tinh hoa, nhiều lãnh đạo không tiêu biểu cho tinh hoa, nên dẫn đến sự yếu kém mà nếu chúng ta không nhìn thẳng sự thật, khó có thể đi lên.
Nếu tuyển chọn mà những người "tròn trĩnh" luôn được ưu ái, người tài vốn "góc cạnh" sẽ không có cơ hội. Chưa nói cơ chế lương của chúng ta quá thấp, lương cơ bản cho một công chức, viên chức mới vào nghề khoảng 5 triệu đồng, chưa bằng lương giúp việc trông trẻ.
Cơ chế tiền lương đó vô hình trung đã "phủ định" giá trị của trí thức và làm cho họ không đủ điều kiện sống tối thiểu để làm việc. Cơ chế đãi ngộ đã lỗi thời so với thế giới và so với chính cuộc sống hiện nay. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nói đại ý: Khi giao cho người ta quyền lực, trả đồng lương thấp mà mong họ cống hiến hết mình, không tham nhũng thì không thực tế. Muốn vậy, phải trả lương thỏa đáng.
Theo ông, cần có những giải pháp gì để "điều trị" bệnh sợ trách nhiệm, giữ mình an toàn quá mức cần thiết, không dám sáng tạo, đột phá?
Công cuộc đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI bắt đầu từ việc nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Chúng ta muốn có giải pháp trước hết cũng phải nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật.
Tôi cho rằng cần có một lực đẩy để những người trong bộ máy công quyền phải tiến về phía trước, nếu không tiến sẽ bị loại ra khỏi hệ thống, không thể cứ "giậm chân tại chỗ" mà vẫn "hoàn thành nhiệm vụ" được. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn thì cán bộ đảng viên càng cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo chứ không phải tìm cách né tránh, đùn đẩy.
Nhưng đang có một hiện tượng đã được đề cập trên diễn đàn Quốc hội, đó là nhiều cán bộ đi lững thững trong những "trận đấu" sống còn, "bóng" đến thì chuyền ngay, không dám đột phá, tạo cơ hội. Dường như hào khí của tinh thần đổi mới đang yếu đi.
Chúng ta đang thiếu cơ chế và thiếu động lực để thúc đẩy những người trong hệ thống đi về phía trước. Phải tạo cơ chế để đổi mới mạnh mẽ hơn, vượt qua những thứ thông thường thì mới đột phá được. Chúng ta cần có tư duy cởi mở, kêu gọi mọi người đưa ra những sáng kiến, những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Phải có những cơ chế đề bạt đột xuất để cho những người tài đem lại những kết quả thực chất.
Đồng thời, thực hiện những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn về thể chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ, thông suốt. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng thực chất hơn, bám sát và phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể và việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!